Sau hai ngày làm việc tích cực, khẩn trương với các phiên thảo luận sôi nổi, Hội nghị bàn tròn Chánh án các nước ASEAN lần thứ 4 về vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ môi trường đã thành công tốt đẹp.
Như báo Công lý đã đưa tin, ngày 13/12/2014, tại Hà Nội, Hội nghị bàn tròn Chánh án các nước ASEAN lần thứ 4 về vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ môi trường đã được khai mạc. Trong ngày làm việc thứ nhất, lãnh đạo Tòa án tối cao các nước ASEAN đã trao đổi về “Những thách thức về môi trường và sự hợp tác của các quốc gia ASEAN” gồm các chủ đề về sự hợp tác giữa Tòa án các quốc gia ASEAN về môi trường trong đó, tập trung thảo luận về Tuyên bố tầm nhìn chung Jakata và Kế hoạch hành động Hà Nội.
Đồng chí Trương Hòa Bình phát biểu bế mạc hội nghị
Hôm nay, ngày thứ hai của hội nghị, lãnh đạo và Thẩm phán các nước ASEAN đã trình bày những tham luận về: Tội phạm buôn bán động vật hoang dã trái phép; cập nhật về hoạt động và sự phát triển của các thể chế về môi trường đối với Tòa án chuyên trách, nguyên tắc hoạt động và tiếp cận tư pháp trong lĩnh vực môi trường; sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp và hành pháp trong việc bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Tòa án các nước ASEAN cũng đánh giá thiệt hại trong các vụ án về môi trường; cải cách thể chế về môi trường và các học viện đào tạo; thảo luận chung về chương trình hợp tác của các Tòa án ASEAN trong việc bảo vệ môi trường. Đồng thời, đại biểu tham dự hội nghị đã xem những thước phim về tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay và các biện pháp phòng chống buôn bán động vật hoang dã trái phép do Ngân hàng ADB, Quỹ động vật hoang dã thế giới WWF và Mạng lưới tin tức về hoạt động buôn bán động vật hoang dã Traffic xây dựng.
Đồng chí Bùi Ngọc Hòa tặng quà cho các đại biểu tham dự hội nghị
Sau khi nghe tham luận của Chánh án, Thẩm phán các nước ASEAN, các đại biểu tham dự tiếp tục tập trung thảo luận về những nội dung được Tòa án các nước quan tâm như: Vấn đề khai thác, vận chuyển và buôn bán gỗ trái phép; tội phạm buôn bán động vật hoang dã trái phép; những khó khăn mà nhiều Tòa án gặp phải trong việc đánh giá thiệt hại của các vụ án môi trường; chia sẻ kinh nghiệm trong xét xử các vụ án, các thủ tục đặc biệt trong việc áp dụng cho các vụ án này. Để nâng cao mối quan hệ hợp tác giữa các nước ASEAN và để đạt được hiệu quả cao nhất trong viêc bảo vệ môi trường, các đại biểu tham dự đều thống nhất tăng cường vai trò của Tòa án trong việc bảo vệ môi trường; xây dựng website, tổ chức các khóa hội thảo. Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị nhất thiết thành lập Tòa án xét xử các vụ án về môi trường ở các nước ASEAN, tập huấn đào tạo cho Thẩm phán xét xử vụ án về môi trường, khóa tập huấn đầu tiên sẽ tổ chức tại Indonesia vào năm 2015.
Sau phiên làm việc, Hội nghị đã đưa ra kế hoạch hành động Hà Nội nhằm thực hiện tuyên bố tầm nhìn chung Jakarta với những nội dung: Tòa án các nước ASEAN thống nhấn về tầm quan trọng của việc thành lập Nhóm công tác quốc gia về môi trường tại một hệ thống Tòa án và những đề xuất liên quan đến việc thành lập và quản lý hoạt động của Nhóm công tác về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Tòa án các nước ASEAN công nhận việc thành lập Nhóm Thẩm phán chuyên trách ASEAN về môi trường với lần họp đầu tiên được tổ chức từ ngày 15-16 tháng 9 năm 2014; hội nghị đề xuất chương trình nhân rộng kinh nghiệm xét xử án môi trường; luân phiên vị trí Chủ tịch hội nghị bàn tròn mỗi năm một lần. Kết thúc ngày làm việc thứ hai, hội nghị nhất trí bầu Tòa án tối cao Campuchia là nước đăng cai Hội nghị bàn tròn Chánh án các nước ASEAN về môi trường lần thứ 5.
Phát biểu bế mạc hội nghị, thay mặt lãnh đạo TANDTC Việt Nam, đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC cảm ơn Chánh án, Thẩm phán Tòa án tối cao các nước ASEAN, các đại biểu tham dự hội nghị đã có những đóng góp quý báu và đề ra các giải pháp để giải quyết vấn đề môi trường trong đó có trách nhiệm của Tòa án; cảm ơn Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đã phối hợp hỗ trợ TANDTC Việt Nam trong việc tổ chức hội nghị này. Chánh án TANDTC Việt Nam khẳng định: Sự thành công của hội nghị không chỉ có ý nghĩa đối với Tòa án của mỗi nước mà còn có ý nghĩa thiết thực, đóng góp tích cực cho việc xây dựng một cộng đồng ASEAN phát triển, thịnh vượng. Đồng chí Trương Hòa Bình mong rằng, sau hội nghị này, TANDTC Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm của các Thẩm phán Tòa án các nước ASEAN, các chuyên gia pháp luật về môi trường và các đại biểu tham dự hội nghị để nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử các vụ án về môi trường ở Việt Nam.
Hội đàm giữa Chánh án TANDTC Việt Nam Trương Hòa Bình và Chánh án Tòa án tối cao Indonesia Harafin Tumba
Sau khi kết thúc hội nghị, buổi tối ngày 14/12/2014, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình và Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa đã có buổi hội đàm với Ngài Harafin Tumba, Chánh án Tòa án tối cao Indonesia. Tại buổi hội đàm, Chánh án Trương Hòa Bình bày tỏ: trong thời gian qua, quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã có những bước phát triển tích cực, hai bên đã trao đổi nhiều đoàn đại biểu cấp cao và đang hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược. Chính phủ hai nước cũng dã ký nhiều hiệp định trong các lĩnh vực về kinh tế, chính trị, ngoại giao, quốc phòng. Các hiệp định này đã thể hiện và thúc đẩy sự gắn bó giữa hai nước trên tất cả các mặt. Liên quan đến lĩnh vực Tòa án, hai nước cũng đã có nhiều kênh hợp tác đa kênh thông qua các Hội nghị Chánh án các nước ASEAN, Hội nghị Chánh án các nước ASEAN về môi trường, đây là những cầu nối giữa Tòa án các nước ASEAN nói chung và Tòa án tối cao Việt Nam - Indonesia nói riêng. Chánh án TANDTC Việt Nam Trương Hòa Bình và Chánh án Tòa án tối cao Indonesia Harafin Tumba đã thống nhất cần tăng cường hợp tác hơn nữa giữa Tòa án hai nước; tích cực trao đổi các đoàn công tác, hướng tới ký kết các hợp tác song phương nhằm xây dựng hệ thống Tòa án hai nước ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa vì sự thinh vượng của các quốc gia ASEAN cũng như trên toàn thế giới.