Hội đồng Thẩm phán TANDTC mở phiên họp đầu tiên theo Luật mới

Hà Cầm Phong| 06/08/2015 16:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều ngày 5/8, tại Hà Nội, Hội đồng Thẩm phán TANDTC - Hội đồng xét xử Giám đốc thẩm, Tái thẩm cao nhất của Hệ thống các TAND (theo Luật Tổ chức TAND năm 2014) đã mở phiên họp đầu tiên.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì phiên họp.

Trước giờ khai mạc phiên họp, các thành viên Hội đồng Thẩm phán đã thành kính dâng hương, báo cáo công tác trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. 15 vị Thẩm phán TANDTC thuộc Hội đồng là những người lần đầu tiên trong lịch sử nền Tư pháp quốc gia, lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển của TAND… được Quốc hội phê chuẩn và sau đó được Chủ tịch nước ký quyết định bổ nhiệm.

Hội đồng Thẩm phán TANDTC mở phiên họp đầu tiên theo Luật mới

Các thành viên Hội đồng Thẩm phán đã thành kính dâng hương, báo cáo công tác trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh

Các vị Thẩm phán TANDTC, Hội đồng Thẩm phán TANDTC, lần đầu tiên được Quốc hội phê chuẩn có vị trí, vai trò quan trọng và vị thế hết sức thiêng liêng trước sứ mệnh cầm cân nảy mực, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý, bảo vệ sự công bằng của xã hội. Đúng như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII ngày 26/06/2015, trước giờ Quốc hội ấn nút phê chuẩn các vị Thẩm phán TANDTC: “Đây là một cuộc bỏ phiếu, nhưng còn là cuộc phê chuẩn tín nhiệm, đồng thời là một đòi hỏi của Quốc hội và nhân dân ta đối với các vị Thẩm phán”.

Đây là phiên họp Hội đồng Thẩm phán đầu tiên, mở ra một giai đoạn mới của Hệ thống các TAND trong việc thực hiện Quyền tư pháp theo nội dung Hiến định; nhằm để các TAND thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong bối cảnh thẩm quyền của Tòa án được mở rộng, và đúng vào dịp hệ thống các TAND đang sôi nổi chuẩn bị chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống (13/9/1945-13/9-2015).

Tháng 11/2014, để phù hợp với nội dung Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức TAND mới. Theo đó, hệ thống tổ chức của TAND được tổ chức thành 4 cấp: Tòa án nhân dân tối cao; Toà án nhân dân cấp cao; Tòa án tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Cùng với đó là nhiều thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động, chế độ bổ nhiệm và thi tuyển Thẩm phán cùng các quy định khác liên quan đến tổ chức và hoạt động của TAND trong giai đoạn mới.

Đặc biệt, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014, việc bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC có nhiều thay đổi: Từ số lượng 120 Thẩm phán TANDTC theo Luật cũ, nay theo quy định của Luật tổ chức TAND năm 2014 rút xuống chỉ còn 13 đến 17 người. Quy trình bổ nhiệm cũng có thay đổi cơ bản: Sau khi Hội đồng tuyển chọn và giám sát Thẩm phán quốc gia tuyển chọn và lên danh sách, trải qua quy trình lấy phiếu tín nhiệm ở nhiều cấp, sau đó trình Quốc hội phê chuẩn. Căn cứ vào Nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội, Hội đồng Tuyển chọn Thẩm phán mới trình Chủ tịch nước ký quyết định bổ nhiệm.

Ngày 26/06/2015 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã chính thức thông qua Nghị quyết đề nghị phê chuẩn của Chánh án TANDTC về việc bổ nhiệm 15 Thẩm phán TANDTC. Như vậy, trong lịch sử lập Hiến, lập nước và trong suốt lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển của TAND, lần đầu tiên trong Hiến pháp nước nhà đã quy định rõ: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, thực hiện quyền lực quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nền tư pháp đất nước, một chức danh tố tụng cao cấp là Thẩm phán TANDTC được Quốc hội toàn thể xem xét, cân nhắc và phê chuẩn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội đồng Thẩm phán TANDTC mở phiên họp đầu tiên theo Luật mới