Sáng ngày 22/3 tại trung tâm hội nghị FLC Thanh Hóa, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã tổ chức phiên họp lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chủ trì phiên họp.
Tham dự phiên họp có các Chánh án TAND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, Nghệ An; lãnh đạo các vụ: Pháp chế và quản lý khoa học, Tổ chức tổng hợp, Giám đốc kiểm tra 2,3 và vụ Tổ chức cán bộ.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chủ trì phiên họp.
Đây là phiên họp quan trọng lấy ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án.
Việc tăng cường hòa giải, đối thoại luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, được xác định trong nhiều văn kiện quan trọng về cải cách tư pháp. Hòa giải, đối thoại, là nhu cầu của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, cao thượng, “hai bên cùng thắng”, góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.
Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề của Tòa án trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.
Tại phiên họp, Hội đồng Thẩm phán TANDTC và các đại biểu đã xem xét kỹ lưỡng, chỉnh sửa, lấy ý kiến, để đi đến thống nhất từng mục một của Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Toà án.
Tại phiên họp các đại biểu đã xem xét kỹ lưỡng, lấy ý kiến, thống nhất từng mục một của Dự thảo Luật hòa giải, đối thoại tại Toà án.
Dự thảo Luật Hòa giải đối thoại gồm 6 chương và 46 Điều. Luật này quy định những nguyên tắc cơ bản về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; phạm vi hòa giải, đối thoại tại Tòa án; chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tổ chức, hoạt động của Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên, Đối thoại viên; trình tự, thủ tục, xử lý kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án; xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên, Đối thoại viên và các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Phạm vi hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện đối với các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính và các bên đồng ý hòa giải, đối thoại tại Tòa án trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết vụ việc.
Luật này không điều chỉnh các hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định.
Theo kế hoạch phiên họp sẽ diễn ra trong thời gian 2 ngày, từ 22- 23/3. Trong khoảng thời gian này Hội đồng thẩm phán TANDTC và các đại biểu sẽ thảo luận, chỉnh lý những nội dung chủ yếu của Dự thảo Luật để trình Quốc hội trong thời gian tới.