Hội đồng khoa học TANDTC nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở

Mai Đỉnh| 12/06/2020 20:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 12/6, Hội đồng khoa học TANDTC tổ chức lễ bảo vệ và nghiệm thu đề tài khoa học cấp Cơ sở "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát triển và nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các vụ, việc tại Tòa án".

Đề tài do Ths. Nguyễn Thị Linh Nga, Chánh án TAND thành phố Thái Bình làm chủ nhiệm đề tài; Cử nhân Phạm Tiến Thành, Thư ký TAND huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình làm Phó Chủ nhiệm đề tài.

Tại buổi nghiệm thu đề tài, sau khi trình bày báo cáo tóm tắt, các thành viên trong Hội đồng khoa học đã có nhiều ý kiến đóng góp, đánh giá đây là đề tài có sự đầu tư nghiên cứu rất sâu, đáp ứng được yêu cầu cả về lý luận lẫn thực tiễn.

TS. Nguyễn Văn Thuân, Thẩm phán TANDTC, nguyên Phó Chánh án TANDTC, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học TANDTC - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đã ghi nhận và đánh giá cao giá trị thực tiễn, tính thời sự, và có nhiều đóng góp trên bình diện khoa học của đề tài.

Theo đó, đề tài nghiên cứu về một vấn đề có thể coi là nổi bật và nhận được nhiều sự quan tâm nhất trong hệ thống TAND. Với đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, số lượng án tăng dần theo từng năm, độ phức tạp cũng dần tăng lên, trong khi biên chế lại phải tinh giản theo yêu cầu của Bộ Chính trị, công chức, viên chức, người lao động ngành Tòa án liên tục bị quá tải, áp lực quá lớn, lượng án giải quyết trung bình mỗi tháng thậm chí vượt xa so với chỉ tiêu ngành đưa ra. Định mức xét xử mà TANDTC đưa ra đối với mỗi Thẩm phán là giải quyết từ 4-6 vụ/tháng nhưng thực tế mỗi Thẩm phán phải giải quyết 9-10 vụ/tháng, một số nơi lên đến 16,17 vụ/tháng. 

Hội đồng khoa học TANDTC nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở

TS. Nguyễn Văn Thuân, Thẩm phán TANDTC, nguyên Phó Chánh án TANDTC, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học TANDTC - Chủ tịch Hội đồng chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm nghiên cứu đề tài khoa học

Kết quả của đề tài có tính ứng dụng ngay lập tức vào hoạt động giải quyết các loại vụ việc hàng ngày của Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký, Hòa giải viên, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động TAND. Thực tế cho thấy, tra cứu các văn bản hướng dẫn là công việc thường xuyên, liên tục của đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký của ngành Tòa án chúng ta.

Việc tìm ra văn bản điều chỉnh, văn bản hướng dẫn chính xác đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi yêu cầu cải cách tư pháp và quá trình hội nhập quốc tế, sự phát triển của báo chí, mạng xã hội khiến đòi hỏi của người dân về tính công bằng, chính xác trong hoạt động không chỉ của Tòa án mà của tất cả các cơ quan tố tụng là rất cao. 

Ngoài ra, việc nghiên cứu đề tài là rất mới mẻ, không trùng lắp với nội dung nghiên cứu của các công trình đã công bố; là giải pháp chung để thực hiện đồng thời 06 giải pháp nổi bật nhất trong tổng số 14 giải pháp đột phá mà TANDTC đang triển khai.

Hội đồng nghiệm thu công trình nghiên cứu khoa học TANDTC đã nghiệm thu và đánh giá kết quả xuất sắc đề tài "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát triển và nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các vụ, việc tại Tòa án" của nhóm tác giả.

* Cùng ngày, Hội đồng nghiệm thu công trình nghiên cứu khoa học TANDTC do TS. Đào Thị Xuân Lan, Thẩm phán TANDTC - Chủ tịch Hội đồng cũng đã tổ chức nghiệm thu và đánh giá kết quả xuất sắc đề tài Cơ sở: "Mô hình, chiến lược quản lý án của các Tòa án ở Singapore (được mệnh danh là "Future Court"-Tòa án của tương lai): Nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn hoạt động của hệ thống TAND ở Việt Nam để hội nhập quốc tế".

Đề tài do NCS. Trương Hữu Hạnh, Thẩm phán TAND Quận 12, Tp.Hồ Chí Minh làm Chủ nhiệm đề tài; Ths. Nhuyễn Thị Thanh Hương, Phó Trưởng phòng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC làm Phó Chủ nhiệm.

Hội đồng khoa học TANDTC nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở

Thành viên Hội đồng đánh giá cao đề tài mang tính khoa học cấp Cơ sở

Tính cấp thiết của đề tài: Thực tiễn quản lý án trong hoạt động thụ lý, xét xử và giải quyết án của hệ thống TAND các cấp của Việt Nam thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập như: Chưa chính thức thiết lập hệ thống kiện tụng điện tử, các Trung tâm hòa giải ngoài Tòa án (tiền tố tụng) trên phạm vi cả nước; án tạm đình chỉ, tồn đọng lâu năm, quá hạn kéo dài vẫn còn nhiều; lượng án hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán ngày càng tăng; số lượng án oan sai cũng không ít; phạm vi thẩm quyền xét xử của hệ thống TAND các cấp vẫn còn chồng chéo trong một số trường hợp; việc ban hành án lệ không nhiều dẫn đến sự minh bạch và tính dễ tiên đoán của hệ thống TAND các cấp còn mờ nhạt; việc công khai án và tổ chức phiên tòa mẫu còn mang  tính đối phó, chiếu lệ...là những tồn tại mà hệ thống TAND đang đối mặt...

Việc nghiên cứu thực trạng thụ lý, giải quyết án và chiến lược quản lý án hiện nay của hệ thống TAND các cấp và mô hình, chiến lược quản lý án của hệ thống Tòa án Singapore (được mệnh danh là Tòa án của Tương lai (Future Courts/Công lý cho ngày mai (Justice for tomorrow) để rút ra những bài học kinh nghiệm, cách làm hay để vận dụng vào điều kiện, hoàn cảnh của hệ thống Tòa án Việt Nam giải quyết những tồn tại, hạn chế của ngành là nhiệm vụ cấp bách và rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu, chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước và của ngành Tòa án.

Đồng thời, việc nghiên cứu các tiêu chuẩn và đánh giá hệ thống Tòa án theo các chuẩn mực, thước đo của Khung pháp lý IFCE là tiền đề để cải cách toàn bộ hệ thống TAND nước ta hiện nay để có những chiến lược quản lý án, quản trị hệ thống Tòa án hiệu lực, hiệu quả, thuận lợi, minh bạch và dễ tiếp cận, tiến đến hội nhập tư pháp quốc tế thành công góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế toàn cầu đang rất khẩn trương và sôi nổi. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội đồng khoa học TANDTC nghiệm thu đề tài khoa học cấp cơ sở