Học viện Toà án 56 năm xây dựng và phát triển

PGS. TS Nguyễn Đức Bình - Trợ lý Uỷ viên Bộ Chính trị, kiêm Giám đốc Học viện Toà án| 28/03/2016 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quá trình 56 năm thành lập và phát triển, Học viện Tòa án đã từng bước lớn mạnh, hoàn thành nhiệm vụ là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng duy nhất của hệ thống TAND, góp phần quan trọng vào thành tích chung của TAND.

 Những năm gần đây, được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TANDTC, Học viện Tòa án đã có thêm những điều kiện để vươn lên mạnh mẽ.

Sau khi chính quyền về tay nhân dân, các TAQS được thành lập theo Sắc lệnh số 33c/SL ngày 13/9/1945. Cùng với các hoạt động của Toà án, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ Toà án dần được hình thành và từng bước phát triển.

Năm 1960, Trường Tư pháp Trung ương được thành lập trực thuộc TANDTC, sau này đổi tên thành Trường Cán bộ Tòa án. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trường Cán bộ Tòa án cơ sở 2 được thành lập tại TP Hồ Chí Minh. Hai cơ sở này đã tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng có trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Nhiều thế hệ cán bộ Tòa án các cấp và cơ quan tư pháp khác đã được đào tạo và trưởng thành từ Trường Cán bộ Tòa án. Năm 1982, TANDTC chuyển giao công tác quản lý các Tòa án địa phương về tổ chức sang Bộ Tư pháp, Trường Cán bộ Tòa án được sáp nhập với Trường Đại học Pháp lý Hà Nội thành Trường Đại học Luật Hà Nội trực thuộc sự quản lý của Bộ Tư pháp.

Thi hành Hiến pháp năm 1992, Luật Tổ chức TAND năm 1992 và xuất phát từ nhu cầu thực tế về bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Tòa án, ngày 20/5/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 210/UBTVQH khóa IX phê chuẩn bộ máy tổ chức của TANDTC, trong đó có quy định về Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán, Cán bộ Tòa án và Hội thẩm nhân dân. Ngày 23/8/1994, Chánh án TANDTC ban hành Quyết định số 100/TCCB  thành lập Trường Cán bộ Tòa án. Từ khi tái thành lập, sự phát triển của Học viện Toà án gồm bốn giai đoạn.

Học viện Toà án 56 năm xây dựng và phát triển

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh lưu niệm với tập thể lãnh đạo TANDTC và cán bộ, công chức Học viện Tòa án

Giai đoạn tái thành lập và xây dựng Trường Cán bộ Tòa án từ năm 1994 đến năm 2001: Khi mới thành lập lại, Trường Cán bộ Tòa án chủ yếu đóng vai trò là đơn vị tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn cho các Thẩm phán, công chức Tòa án và Hội thẩm nhân dân. Công tác tổ chức được thực hiện thông qua các lớp học chuyên đề theo từng lĩnh vực và nhu cầu của thực tiễn xét xử. Giai đoạn này, Tòa án được giao thêm thẩm quyền, hệ thống Tòa án thành lập thêm các tòa chuyên trách mới như Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, Tòa Hành chính, cùng với nhiều văn bản pháp luật được ban hành mới, sửa đổi như BLDS (1995), BLHS (sửa đổi 1999), nên các chương trình bồi dưỡng tập trung vào việc hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ xét xử các loại án và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.

Bên cạnh đó, Trường còn được giao nhiệm vụ phối hợp với các tòa chuyên trách tổng kết thực tiễn xét xử, bồi dưỡng nghiệp vụ, rút kinh nghiệm xét xử hàng năm cho các TAND địa phương. Đồng thời, triển khai bồi dưỡng nghiệp vụ cho Hội thẩm nhân dân, hỗ trợ giảng viên và biên soạn các tài liệu tập huấn cho TAND địa phương. Về hợp tác quốc tế, tuy chưa có nhiều chương trình hợp tác quốc tế về lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, nhưng Trường đã tích cực tham gia các chương trình, chuyên đề do các tổ chức quốc tế giúp đỡ Việt Nam như Chương trình về quyền trẻ em, Chương trình về bình đẳng giới… Về cơ cấu tổ chức gồm Ban Giám hiệu và 2 phòng chức năng là Phòng Giáo vụ và Phòng Hành chính - Quản trị. Đây cũng là giai đoạn Trường Cán bộ Tòa án triển khai xây dựng cơ sở vật chất tại 262 Đội Cấn - Hà Nội.

Giai đoạn hoàn thiện trụ sở tại 262 phố Đội Cấn, TP Hà Nội, phát triển mạnh việc bồi dưỡng nghiệp vụ và bước đầu thực hiện hoạt động đào tạo từ năm 2002 đến năm 2011: Thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2002, TANDTC nhận lại việc quản lý các Tòa án địa phương về mặt tổ chức nên công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán và cán bộ Tòa án được tăng cường, phát triển mạnh. Giai đoạn này, có nhiều văn bản pháp luật quan trọng được ban hành mới hoặc sửa đổi như BLTTHS (sửa đổi 2003), BLTTDS (2004), BLDS (sửa đổi 2005), LTTHC (2011). Bên cạnh đó, từ thời điểm năm 2002, đào tạo nghiệp vụ xét xử trước bổ nhiệm đã là một điều kiện bắt buộc và do Học viện Tư pháp thực hiện. Tuy nhiên, có nhiều Thẩm phán được bổ nhiệm trước thời điểm 2002 nên chưa được đào tạo nghiệp vụ xét xử. Do đó, ngoài các chương trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ như trước đây, Trường đã xây dựng chương trình tập huấn các Bộ luật, luật mới được ban hành, sửa đổi và tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán trên cả nước để triển khai thi hành áp dụng thống nhất pháp luật và kỹ năng giải quyết các loại án; tổ chức các khóa đào tạo cho các Thẩm phán mới được bổ nhiệm nhưng chưa được đào tạo nghiệp vụ xét xử.

Ngoài ra, trong giai đoạn này, chương trình hợp tác quốc tế được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ. Trường Cán bộ Tòa án tổ chức đào tạo, trao đổi nghiệp vụ cho gần 100 Thẩm phán, cán bộ Tòa án Lào với thời gian từ 1-3 tháng cho mỗi khóa học. Các chương trình hợp tác với đối tác tư pháp thuộc Liên minh Châu Âu, dự án Judge (Canada) được thực hiện chuyên sâu với nhiều nội dung, cho nhiều đối tượng Thẩm phán, công chức Tòa án. Đặc biệt, chương trình hợp tác thực hiện dự án “Tăng cường năng lực cho Trường Cán bộ Tòa án”, phía đối tác Chính phủ Hàn Quốc mà đầu mối là Tòa án tối cao Hàn Quốc cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã viện trợ không hoàn lại cho Trường cả về kinh phí xây dựng trụ sở tại huyện Gia Lâm, TP Hà Nội và kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên. Chương trình hợp tác giai đoạn 1, với số tiền viện trợ của Chính phủ Hàn Quốc 03 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 80 tỷ đồng, ngày 05/11/2012, Trường Cán bộ Toà án đã chính thức tiếp nhận và chuyển về làm việc tại trụ sở mới, với 2 toà nhà khang trang, trên 10.000 m2 đất tại huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội.

Ngày 10/10/2011, Trường vinh dự được đón tiếp đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Tại công trường xây dựng, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam và Trưởng đại diện KOICA đã đề xuất với Chủ tịch nước về việc tiếp tục viện trợ thực hiện giai đoạn 2, Dự án “Tăng cường năng lực cho Trường Cán bộ Tòa án”. Tại Thông cáo chung Hàn Quốc - Việt Nam trong chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 11/2011 có nội dung tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác đào tạo tư pháp.

Cũng trong giai đoạn này, để đáp ứng nhu cầu thực tế về đào tạo, bồi dưỡng, Lãnh đạo TANDTC đã chỉ đạo xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực và mở rộng quy mô Trường Cán bộ Tòa án”. Tại Quyết định số 07/2011/QĐ-CA ngày 03/6/2011, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phê duyệt Đề án, đây là chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Tòa án đến năm 2020.

Giai đoạn thực hiện nhiệm vụ đào tạo, đồng thời với bồi dưỡng nghiệp vụ tại cơ sở mới của Trường Cán bộ Tòa án: Ngày 21/3/2012, Chánh án TANDTC ký Quyết định số 509/QĐ-TCCB về việc thành lập Hội đồng trường Trường Cán bộ Tòa án do Chánh án TANDTC làm Chủ tịch. Ngày 03/4/2012, Chánh án TANDTC ký quyết định số 559/QĐ-TCCB về cơ cấu tổ chức của Trường Cán bộ Tòa án gồm: Khoa Thẩm phán, Khoa Công chức Tòa án, Phòng Hợp tác đào tạo, Phòng Giáo vụ, Phòng Tổ chức - Hành chính và Phòng Quản trị - Tài vụ.

Về chức năng, nhiệm vụ của Trường Cán bộ Tòa án ở giai đoạn này đã có sự bổ sung mới quan trọng. Ngày 29/12/2011, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương ra Thông báo số 03-TB/CCTP đồng ý để TANDTC đào tạo nghề cho Thư ký Tòa án và Thẩm tra viên; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và cập nhật kiến thức mới định kỳ, hàng năm cho toàn bộ đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp và cán bộ khác thuộc Tòa án. Tại Thông báo số 116/TB/TW ngày 27/12/2012, Bộ Chính trị đã đồng ý để TANDTC được đào tạo nghề Thẩm phán. Như vậy, đến thời điểm này, Trường Cán bộ Tòa án đã chính thức được giao chức năng đào tạo nghề Thẩm phán. Cùng với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng trước đây, Trường đã triển khai thêm các chương trình đào tạo, bồi dưỡng mới như: Chương trình bồi dưỡng kiến thức lãnh đạo, quản lý Tòa án cấp tỉnh và quân khu; đào tạo Thư ký, Thẩm tra viên; bồi dưỡng định kỳ cho Thẩm phán; đào tạo Thẩm phán...

Về hợp tác quốc tế, giai đoạn này, Trường triển khai mạnh mẽ các hoạt động hợp tác quốc tế và đi sâu vào đào tạo, trao đổi nghiệp vụ. Các dự án hợp tác hiệu quả cao là Dự án JUDGE (Học viện Tư pháp Canada), Dự án trao đổi kinh nghiệm đào tạo với Trường Đào tạo Thẩm phán quốc gia Pháp, Dự án hợp tác đào tạo với TATC Hàn Quốc. Chương trình hợp tác với Hàn Quốc bao gồm cả đào tạo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; mỗi năm thực hiện 5 chương trình tại Hàn Quốc, 5 chương trình tại Việt Nam. Thực hiện Thông cáo chung Hàn Quốc - Việt Nam trong chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 11/2011, ngay sau Lễ khánh thành giai đoạn 1 là Lễ ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2 với nội dung TATC Hàn Quốc tiếp tục tài trợ về xây dựng và hợp tác đào tạo cho Tòa án Việt Nam với tổng số vốn là 9,8 triệu USD.

Định hướng phát triển thành Học viện Tòa án và quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 1191/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Thành lập Học viện Toà án: Theo lộ trình của Đề án “Nâng cao năng lực và mở rộng quy mô Trường Cán bộ Tòa án” thì sau năm 2020, Trường Cán bộ Tòa án mới nâng lên thành Học viện Tòa án. Tuy nhiên, trước vị thế mới của Tòa án đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013, xuất phát từ yêu cầu bức thiết của thực tiễn khách quan nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho toàn hệ thống Tòa án, ngày15/4/2014, Chánh án TANDTC đã ký Quyết định số 32/QĐ-TANDTC về việc thành lập Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập Dự án Thành lập Học viện Tòa án để nghiên cứu xây dựng Đề án Thành lập Học viện Tòa án nhằm đảm bảo xây dựng Học viện theo đúng mục tiêu, yêu cầu, đúng trình tự quy định của pháp luật.

Qua quá trình khẩn trương xây dựng Đề án, được sự quan tâm lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo TANDTC, ngày 30/7/ 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số1191/QĐ-TTg về việc Thành lập Học viện Toà án trên cơ sở Trường Cán bộ Toà án. Trước yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, để xây dựng Học viện Toà án trở thành một cơ sở về đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học xét xử có chất lượng của hệ thống Tòa án, Học viện Toà án đã khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định 1191 nêu trên để thực hiện chức năng đào tạo đại học chuyên ngành Tòa án, đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học xét xử. Bên cạnh đó, thực hiện luật Tổ chức TAND năm 2014, Học viện Toà án đã xây dựng chương trình và tổ chức thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, thi nâng ngạch Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán cao cấp.

Nhận thức được tầm quan trọng của sứ mệnh được giao, tập thể lãnh đạo cùng cấp uỷ Đảng, cán bộ, công chức và người lao động Học viện Toà án đã nỗ lực phấn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, liên tục được được công nhận “Tập thể lao động xuất sắc”, được nhận “Cờ thi đua của TAND”, đặc biệt, năm 2013 được nhận “Cờ thi đua của Chính phủ”, năm 2014 Học viện Tòa án vinh dự được tặng thưởng “Huân chương lao động hạng III”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học viện Toà án 56 năm xây dựng và phát triển