Nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng

Phương Nam| 16/05/2019 07:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong phê bình và tự phê bình phải thật thà, thẳng thắn, không nể nang, không giấu giếm, không thêm bớt khuyết điểm", Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ.

Theo Hồ Chí Minh: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

 Tự phê bình và phê bình là nguyên tắc sinh hoạt của Đảng, là quy luật phát triển của Đảng. Ý nghĩa của nguyên tắc này ở chỗ Đảng cũng từ trong xã hội mà ra nên có những căn bệnh trong xã hội lây ngấm vào Đảng. Cá nhân đảng viên, cán bộ cũng là con người, cũng có cái tốt, xấu, thiện, ác trong lòng. Con người ta không phải là thánh thần, ai cũng có khuyết điểm cả. Vì vậy, tự phê bình và phê bình giống như việc rửa mặt hằng ngày, làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân, phần xấu mất dần đi. Cán bộ, đảng viên có khuyết điểm giống như người có bệnh. Vì vậy phải uống thuốc. Tự phê bình là thuốc đắng nhưng giã tật. Ngược lại nếu không tự phê bình thì như người có bệnh mà không uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm.

Tự phê bình và phê bình nhằm làm cho Đảng vững mạnh, cán bộ, đảng viên tiến bộ, để chữa các bệnh trong Đảng. Đó cũng là một trong những cách tốt nhất để thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, giữ vững và củng cố uy tín của Đảng.

Tuy nhiên, một điều rất quan trọng là cách thức tự phê bình và phê bình. Hồ Chí Minh thường dặn phải thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình trên cơ sở tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Trong phê bình và tự phê bình phải thật thà, thẳng thắn, không nể nang, không giấu giếm, không thêm bớt khuyết điểm. Phê bình và tự phê bình là vấn đề khoa học và là nghệ thuật. Vấn đề không phải chỉ luôn luôn dùng mà còn phải khéo dùng cách phê bình và tự phê bình. Cán bộ chủ chốt, lãnh đạo càng phải gương mẫu tự phê bình và phê bình. Phải tuyệt đối chống các biểu hiện không đúng trong phê bình và tự phê bình như: thiếu trung thực, che giấu khuyết điểm của bản thân, sợ phê bình, không dám phê bình, nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”, hoặc ngược lại, lợi dụng phê bình để nói xấu, bôi nhọ, vùi dập, đả kích người khác.

Nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ năm 1962

Nguyên tắc kỷ luật nghiêm minh, tự giác: Sức mạnh của một tổ chức đảng và của mỗi đảng viên bắt nguồn từ ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm minh, tự giác. Tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng đòi hỏi tất cả mọi tổ chức đảng, tất cả mọi đảng viên đều phải bình đẳng trước Điều lệ Đảng, trước pháp luật của Nhà nước, trước mọi quyết định của Đảng.

Đồng thời, Đảng ta là một tổ chức gồm những người tự nguyện phấn đấu cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, cho nên tự giác là một yêu cầu bắt buộc đối với mọi tổ chức đảng và đảng viên. Tính nghiêm minh, tự giác đòi hỏi ở đảng viên phải gương mẫu trong cuộc sống, công tác. Uy tín của Đảng bắt nguồn từ sự gương mẫu của mỗi đảng viên trong việc tự giác tuân thủ kỷ luật của Đảng, của Nhà nước, của đoàn thể nhân dân.

 Nguyên tắc đoàn kết thống nhất trong Đảng: Đoàn kết thống nhất phải dựa trên cơ sở lý luận của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin; Cương lĩnh, Điều lệ Đảng; đường lối, quan điểm của Đảng; nghị quyết của tổ chức đảng các cấp.

Muốn đoàn kết thống nhất phải thực hành dân chủ rộng rãi ở trong Đảng, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện tiêu cực khác, phải “sống với nhau có tình, có nghĩa”. “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Có đoàn kết tốt thì mới tạo ra cơ sở vững chắc để thống nhất ý chí và hành động, làm cho “Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người”. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng