Xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”

Phương Nam| 12/09/2018 10:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh về "lấy dân làm gốc" và một "Nhà nước của dân, do dân, vì dân", không thể không nói đến nền tư pháp nhân dân mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đặt nền móng.

Thấm nhuần tư tưởng của Bác, hệ thống TAND đã và đang nỗ lực xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, là chỗ dựa của nhân dân và là nơi bảo vệ công lý…

“Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”

Ngay từ những năm đầu giành chính quyền về tay nhân dân, trong điều kiện cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đang lan rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đứng đầu Nhà nước, đang chỉ đạo, lãnh đạo công cuộc kháng chiến kiến quốc nhưng vẫn dành cho công tác tư pháp, hoạt động tư pháp sự quan tâm sâu sắc. Đối với Hội nghị tư pháp toàn quốc tháng 2/1948, Bác viết thư chỉ rõ: “Tư pháp là cơ quan trọng yếu của Chính phủ…. Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên, các bạn cần phải nêu cao cái gương “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo”.

Trong bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành tư pháp năm 1950, Người xác định: “Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền góp phần thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi của nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta. Phải tăng cường luật pháp dân chủ, cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn”.

Người nhấn mạnh đến vai trò, ý nghĩa của pháp luật: “...Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động… Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động....”. Người hết sức quan tâm tới việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, làm cơ sở để mọi người dân và cán bộ tôn trọng, thực hiện.

Xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2018

Hồ Chủ tịch coi việc xây dựng hệ thống các cơ quan tư pháp là cơ sở để xã hội phát triển. Người từng nói: Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ, có được ánh sáng của Đảng dìu dắt.

Bởi công tác tư pháp có quan hệ chặt chẽ với nhiệm vụ phòng chống tội phạm, xét xử những kẻ phạm pháp, làm trái pháp luật, Bác chia sẻ điều trăn trở: “Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn”. Bác nhắc nhở: “Trong công tác xét xử, phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung tòa án. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng…”.

Với những quan điểm đó, ngày 22/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 85 về cải cách bộ máy tư pháp, xây dựng nên những nguyên tắc tiến bộ đầu tiên cho nền tư pháp non trẻ của nước ta. Sau hòa bình lập lại, ngày 22/3/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và nói chuyện với Hội nghị Tư pháp toàn quốc lần thứ 10. Bác nói: Cần thực hiện đúng đắn nền pháp chế XHCN của nước ta, bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, quyền lợi của nhân dân.

Xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”

Các đại biểu dự Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về nền tư pháp nhân dân thể hiện qua việc xây dựng và tổ chức hệ thống TAND. "Bằng việc ký Sắc lệnh số 33-SL ngày 13/9/1945 về việc thành lập các Tòa án quân sự trong phạm vi toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng hệ thống Toà án ở nước ta. Mặc dù có tên gọi là Tòa án quân sự nhưng với thẩm quyền được qui định về bản chất thì đây chính là Tòa án cách mạng của chính quyền dân chủ nhân dân mà không phải là Tòa án quân sự thuần túy.

Mặc dù là Tòa án ở thời kỳ cách mạng mới thành công nhưng với các quy định về thành phần hội đồng xét xử, thủ tục xét xử, đường lối xét xử theo các nguyên tắc chuẩn mực và cơ bản trong hoạt động tư pháp như xét xử công khai, có tranh luận, có nghị án, khoan hồng, nhân đạo đối với người biết ăn năn hối cải, bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo và quyền xin ân xá, giảm án của người bị kết án tử hình... hoạt động của Tòa án quân sự thể hiện bản chất tiến bộ, dân chủ và pháp quyền của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong việc thực hiện quyền lực nhà nước. Chính điểm này cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh là người am hiểu tường tận và coi trọng giá trị của các nguyên tắc tư pháp thực định đã được áp dụng trên thế giới và được thừa nhận trong học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”

Lãnh đạo, Thẩm phán TANDTC chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc về công tác cán bộ

Xuất phát từ bản chất của Nhà nước và pháp luật là dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng yêu cầu công tác xét xử nói riêng và công tác tư pháp nói chung đều phải vì lợi ích của nhân dân. Tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành tư pháp năm 1950, Người dạy: "Các chú hiện nay làm công tác tư pháp, công tác xử án. Vậy muốn làm tốt công tác ấy, (...) trước hết phải đề cao lòng thương nước, thương đồng bào, phải căm ghét bọn thực dân xâm lược và bè lũ tay sai của chúng. Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp trong lúc này là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức''.

Di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật vẫn còn nguyên những giá trị mang tầm thời đại, nhất là khi Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới, trong đó có cải cách tư pháp. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nền tư pháp nhân dân, coi Tòa án là khâu trung tâm của hệ thống tư pháp để tiến hành cải cách; đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp nói chung, cán bộ Tòa án nói riêng vững vàng về chính trị, tư tưởng, tốt giỏi về chuyên môn nghiệp vụ có bản lĩnh nghề nghiệp thực sự là những người vừa có tâm, vừa có tầm.

Xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”

Chương trình giao lưu nghệ thuật Biển đảo quê hương do Báo Công lý tổ chức nhân kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống TAND 13/0/2017

TAND thấm nhuần lời dạy của Bác

Thấm nhuần lời dạy của Bác, những năm gần đây, đặc biệt trong 2 năm 2017-2018, với vai trò lãnh đạo của Ban cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC, sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, hệ thống TAND đã có nhiều chuyển biến tích cực trong cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49- NQ/TW.

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định rõ nhiệm vụ của cải cách tư pháp là bảo đảm để Toà án là trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm. Điều 102 khoản 2 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Với vai trò là trung tâm của hệ thống tư pháp, TAND đã có nhiều giải pháp đột phá, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”

Lễ ra mắt Chương trình truyền hình TAND tháng 6/2016

Trước hết là việc hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan xét xử: Theo đánh giá của TANDTC, mặc dù số lượng các loại vụ việc mà Tòa án các cấp phải thụ lý, giải quyết tăng và tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp, nhưng các Tòa án đã có nhiều cố gắng và giải quyết đạt 89,3% các vụ án thuộc thẩm quyền (năm 2017); Từ 1/1/2017 đến 31/7/2018, Tòa án các cấp đã giải quyết được 345.145 vụ việc trong tổng số 475.610 vụ việc, đạt 74,5% so với cùng kỳ năm trước, số vụ việc thụ lý tăng 28.243 vụ, tăng 6,3%, đã giải quyết tăng 13.262 vụ. Tỷ lệ giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc dân sự và các yêu cầu áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; đã hạn chế đến mức thấp việc để các vụ án quá hạn luật định. Nhiều giải pháp rất cụ thể và thiết thực đã được triển khai thực hiện, như: Tập huấn việc viết bản án cho các Thẩm phán và các chức danh tư pháp trong toàn hệ thống; công khai bản án trên Cổng thông tin điện tử...

Bên cạnh đó, các Tòa án đã thực hiện nghiêm nhiều nguyên tắc tố tụng mới, tiến bộ, như nguyên tắc đảm bảo tranh tụng, nguyên tắc về đảm bảo tính độc lập của Thẩm phán cũng như thực hiện đầy đủ thẩm quyền tố tụng theo quy định, nên chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có tiến bộ. Một số hạn chế, thiếu sót trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án cũng từng bước được khắc phục có hiệu quả.

Việc giải quyết, xét xử các vụ án hình sự về cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện có trường hợp nào kết án oan người không có tội. Các Tòa án đã tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng sớm hoàn tất hồ sơ để đưa vụ án ra xét xử trong thời hạn luật định. Các vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, tham nhũng hoặc các vụ án được dư luận xã hội quan tâm đều được giải quyết kịp thời, nghiêm minh, điển hình như: Vụ án Phạm Công Danh, vụ án Phạm Ngọc Ngoạn; vụ án Hà Văn Thắm, vụ án Trịnh Xuân Thanh, vụ án Đinh La Thăng...

Xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”

Phiên họp đánh giá kết quả triển khai Kế hoạch thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính

Việc tranh tụng tại phiên tòa được chú trọng, các Tòa án không hạn chế thời gian dành cho tranh tụng, tôn trọng và đảm bảo cho các bên tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ và trình bày hết các ý kiến của mình; trên cơ sở kết quả tranh tụng, Hội đồng xét xử đưa ra các phán quyết đúng pháp luật, được dư luận xã hội ủng hộ, củng cố niềm tin vào công lý.

Trên cơ sở bám sát chủ trương, yêu cầu cải cách tư pháp cũng như các nguyên tắc tư pháp đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 và các luật có liên quan tới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, các Tòa án đã tiếp tục đổi mới các mặt công tác, năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành. Tập trung nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ xét xử, giải quyết các loại án; tổ chức thành công Hội nghị Chánh án Tòa án 4 cấp về sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa IX); thực hiện việc công khai các bản án nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm của các Thẩm phán, bảo đảm thống nhất trong việc áp dụng pháp luật cũng như tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động xét xử của Tòa án.

Trong quá trình xét xử, các Tòa án đã thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc độc lập xét xử và nguyên tắc suy đoán vô tội; các phán quyết của Tòa án bảo đảm đúng pháp luật, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng kịp thời xem xét một cách thận trọng, kỹ lưỡng với tinh thần cầu thị đối với các trường hợp xét xử từ nhiều năm trước nhưng có đơn kêu oan và đã minh oan cho một số trường hợp, qua đó bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân. Việc chú trọng hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự và đối thoại hành chính đã góp phần đưa công tác này có chuyển biến tích cực cả về tiến độ và chất lượng.

Công tác hoàn thiện thể chế, tham gia xây dựng các đạo luật quan trọng về tố tụng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả. TANDTC đã hoàn thành các dự án luật, pháp lệnh được phân công chủ trì soạn thảo, bảo đảm tiến độ, chất lượng; tích cực tham gia xây dựng các đạo luật khác theo thẩm quyền, nhất là trong việc sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015. Tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả, chất lượng các đạo luật mới, đặc biệt đã làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử làm cơ sở cho việc xây dựng, ban hành nhiều nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; đồng thời, tiếp tục chú trọng phát triển án lệ.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án được thực hiện theo hướng cơ cấu lại và nâng cao trách nhiệm đội ngũ công chức có chức danh tư pháp, nhất là người đứng đầu; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được đẩy mạnh; kỷ cương, kỷ luật công vụ được tăng cường; đề ra nhiều giải pháp để giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, nhất là Thẩm phán với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án trong sạch, vững mạnh. Công tác xây dựng Đảng, công tác chính trị, tư tưởng được chú trọng; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII).

TAND đã chú trọng công tác cải cách hành chính, nhất là công tác đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp trong các hoạt động của Tòa án, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác Tòa án nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin; xây dựng hệ thống tố tụng điện tử thông minh - hệ thống cốt lõi để xây dựng Tòa án điện tử, bảo đảm hoạt động của Tòa án được công khai, người dân dễ tiếp cận và giám sát, các vụ việc phải được thụ lý và giải quyết nhanh chóng. Xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, là chỗ dựa của nhân dân và là nơi bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

TAND tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; xây dựng kế hoạch thực hiện, xác định rõ nội dung công việc phải thực hiện, có lộ trình phù hợp với tình hình, đặc điểm của các Tòa án nói chung và từng Tòa án nói riêng. Chủ động sắp xếp, kiện toàn tinh gọn bộ máy TAND các cấp; rà soát chức năng, nhiệm vụ của các Tòa án để phân cấp mạnh mẽ, hợp lý hơn; phân định nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án các cấp trong quản lý hành chính và trong hoạt động tố tụng để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tòa án. Cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, nhất là đối với đội ngũ công chức có chức danh tư pháp.

Những dấu ấn quan trọng

Những kết quả mà hệ thống TAND đã thực hiện được trong những năm gần đây có thể coi là những dấu ấn quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp. Cụ thể như: Việc công khai bản án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Đến nay đã có hơn 130.000 bản án, quyết định đã được công khai với hàng triệu lượt người truy cập; Lần đầu tiên chúng ta tổ chức được hội nghị Tòa án 4 cấp và đã đề ra 14 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng xét xử; Xây dựng và đưa vào phát sóng thường kỳ Chương trình truyền hình TAND; Hoàn thành lắp đặt và đưa vào hoạt động thường xuyên truyền hình trực tuyến; Ban hành và bắt đầu tư 1/1/2018 triển khai mô hình phòng xét xử thân thiện; Các phiên tòa về tham nhũng và kinh tế được đưa ra xét xử nhanh chóng, nghiêm minh được dư luận đồng tình và đánh giá cao;

Bên cạnh đó là việc đổi mới về trang phục xét xử của Thẩm phán, qua đó đã giới thiệu được hình ảnh mới của Hội đồng xét xử; Khai trương trang điện tử về án lệ; Ban hành Quyết định 120 nhằm nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán trong thực thi công vụ; Việc tổ chức thành công các hoạt động từ thiện mà đỉnh cao là Chương trình Biển đảo quê hương do Báo Công lý chủ công thực hiện diễn ra trong dịp 13/9/2017 được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV; Tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác cán bộ; Tổng kết, báo cáo UBTVQH xem xét dừng tổ chức phiên tòa xét xử lưu động; Tiến hành thi tuyển các chức danh lãnh đạo quản lý; Đề xuất UBTVQH xét tăng biên chế Thẩm phán; Thảo luận thông qua Bộ quy tắc đạo đức người Thẩm phán; Tổ chức mô hình hòa giải bên cạnh Tòa án…

Với việc bám sát các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, triển khai một cách toàn diện các giải pháp sát thực cùng với việc tổ chức thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ công tác trọng tâm, TAND các cấp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với vị thế là trung tâm của hệ thống tư pháp, là chỗ dựa của nhân dân và là nơi bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, xứng đáng với truyền thống vẻ vang 73 năm xây dựng và trưởng thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng hình ảnh Tòa án thân thiện, “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”