TAND TP Hà Nội: Hướng đến xây dựng Tòa án điện tử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập

Gia Hưng| 02/02/2017 08:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án; xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án lớn, trọng điểm, nhất là các vụ án tham nhũng…

Cùng với đó, mục tiêu xây dựng Tòa án điện tử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập cũng đồng thời được lãnh đạo TAND TP.Hà Nội đặc biệt quan tâm.

Nhiều kết quả ấn tượng

Hiện nay, TAND TP. Hà Nội có 5 Toà chuyên trách, 3 phòng nghiệp vụ với biên chế 201 cán bộ gồm 68 Thẩm phán, 133 chức danh khác. Nhiệm vụ chính của Tòa án Hà Nội là xét xử sơ thẩm và phúc thẩm các vụ án theo quy định và công tác thi hành án hình sự. Ngoài công tác chuyên môn, đơn vị còn tham gia tư vấn cho chính quyền địa phương trong việc quản lý trật tự xây dựng đô thị, quản lý đất đai và giải phóng mặt bằng; tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật thông qua việc xét xử lưu động, phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương...

Năm 2016, Tòa án thành phố giải quyết 2.972/3.134 vụ án các loại, đạt tỷ lệ 94,8%. Hai cấp TAND TP. Hà Nội đã thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách tư pháp; tập trung giải quyết tốt các vụ án về kinh tế, chức vụ, trong đó có nhiều vụ án lớn, phức tạp, được dư luận quan tâm. Tòa án Thủ đô cũng đã tổ chức tốt công tác xét xử án điểm, án lưu động. Hoạt động tranh tụng tại phiên toà được đẩy mạnh theo hướng thực chất, đảm bảo dân chủ, công khai; tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, đối thoại trong các vụ án hành chính được nâng cao; công tác xét xử lưu động đạt kết quả tốt. Một số vụ án tham nhũng, qua xét xử tại phiên tòa, đã phát hiện được tội phạm mới cần điều tra, Hội đồng xét xử thực hiện quyền tư pháp, đã quyết định khởi tố vụ án ngay tại phiên tòa, được dư luận đồng tình, ủng hộ…

TAND TP Hà Nội: Hướng đến xây dựng Tòa án điện tử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập

Chánh án TAND TP. Hà Nội Nguyễn Hữu Chính thay mặt đơn vị nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội

Để có được kết quả đó, ngay từ đầu năm, TAND TP. Hà Nội đã chủ động đề ra các kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác, xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua. Chủ đề thi đua của Tòa án Thủ đô năm 2016 là: "Kỷ cương - minh bạch - chất lượng - thân thiện - thanh lịch - đoàn kết", các hoạt động được thực hiện theo nhiều  giai đoạn cụ thể. Công tác khen thưởng luôn được đảm bảo nghiêm túc, đúng quy trình, đúng người, đúng thành tích, có tác dụng khuyến khích các tập thể, cán bộ công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, có thể thấy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cũng luôn được quan tâm, chú trọng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn cao, có kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp, hiểu biết về chính trị, kinh tế, xã hội. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cũng được chú trọng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh. Đơn vị tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh kết hợp với cuộc vận động “nâng cao phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức TAND”, gắn với phong trào thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”, với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.

Công tác đổi mới thủ tục hành chính tư pháp của Tòa án thành phố cũng đạt được những kết quả tốt. Tổ Hành chính Tư pháp tiếp tục đi vào hoạt động có hiệu quả; các hoạt động hành chính tư pháp đã có nhiều đổi mới, một số thủ tục hành chính tư pháp đã được rút gọn tiết kiệm thời gian công sức cho người dân, kết quả đó đã góp phần vào thành công trong công tác xét xử của Tòa án. Tất cả các hoạt động tiếp nhận và thụ lý đơn, hồ sơ vụ án các loại; tiếp công dân và tiếp nhận đơn khởi kiện được giải quyết tại một đầu mối, theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông". Các đơn thư được tiếp nhận, phân loại và tập trung xử lý trong thời hạn luật định, không để người dân tốn thời gian, công sức đi lại.

Chuẩn bị tốt nguồn lực đáp ứng yêu cầu hội nhập

Để đạt được các kết quả như trên, lãnh đạo TAND TP. Hà Nội và các đơn vị liên quan đã có nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng. Từ đó, các bên có sự thống nhất, tạo ra sự đồng thuận trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng. Đơn vị thường xuyên quan tâm công tác tuyên truyền, cán bộ, công chức tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua, chú trọng việc phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến, phổ biến gương người tốt - việc tốt, suy tôn các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua. Cùng với đó là công tác khen thưởng được thực hiện kịp thời, nhất là các trường hợp được khen thưởng đột xuất cho những tập thể, cá nhân lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác chuyên môn cũng như trong các phong trào thi đua, tạo được sự phấn khởi đối với những tập thể, cá nhân đóng góp tích cực cho phong trào thi đua và động lực mạnh mẽ thúc đẩy phong trào thi đua ngày càng phát triển.

Do làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nên cán bộ, công chức Toà án Hà Nội có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, phát huy hết năng lực, sở trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Tòa án thành phố vẫn còn để một số vụ án bị hủy, sửa, quá thời hạn xét xử. Một phần nguyên nhân của những tồn tại này là do năm 2016 phải thụ lý, giải quyết nhiều vụ việc hơn so với năm trước, trong đó có nhiều vụ án lớn, phức tạp, trong khi biên chế Thẩm phán của một số đơn vị chưa đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP. Hà Nội cho biết: Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu của thời đại và trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Không gian hợp tác kinh tế càng mở rộng, tất yếu không gian hợp tác tư pháp cũng sẽ phát triển. Quá trình hội nhập bên cạnh thời cơ, thuận lợi, cũng sẽ có nhiều khó khăn, thách thức. Dự báo thời gian tới, các hành vi phạm pháp luật hình sự, tội phạm xuyên quốc gia, các tranh chấp dân sự, sở hữu trí tuệ, kinh doanh thương mại quốc tế sẽ có chiều hướng gia tăng. Điều đó đòi hỏi Tòa án hai cấp TP. Hà Nội phải chú trọng việc chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng cao, đảm bảo trình độ tham gia các định chế tư pháp quốc tế, giải quyết tốt các tranh chấp có yếu tố nước ngoài, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước.

Tiếp đó, ông Chính nhấn mạnh, các TAND hai cấp của Thủ đô cần thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng; nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp tại Tòa án; chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, bám sát nhiệm vụ chính trị của Tòa án; xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến để cán bộ, Thẩm phán noi gương, học tập. Cần gắn việc thực hiện các phong trào thi đua của các Tòa án với phong trào thi đua của địa phương; thường xuyên sơ kết, tổng kết, rà soát đề nghị vinh danh, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác. Trong một tương lai gần, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, TAND TP. Hà Nội sẽ tiến tới xây dựng Tòa án điện tử, nhằm phục vụ người dân với hiệu quả cao nhất. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND TP Hà Nội: Hướng đến xây dựng Tòa án điện tử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập