Phiên họp thứ nhất về thí điểm tăng cường công tác hòa giải và đối thoại tại Hải Phòng

Trần Minh Giang| 28/02/2018 19:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 28/2/2018, Ban chỉ đạo “Triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính tại Hải Phòng” tổ chức họp phiên thứ nhất.

Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có lãnh đạo TANDTC, các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC, các đơn vị chức năng của TANDTC và lãnh đạo TAND TP Hải Phòng. 

Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đặt ra nhiệm vụ “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài”. Bộ luật TTDS 2015, Luật TTHC 2015 coi hòa giải, đối thoại vừa là một trong các nguyên tắc cơ bản, vừa là trình tự, thủ tục bắt buộc trong quy trình tố tụng. Các quy định về hòa giải trong Bộ luật TTDS, Luật TTHC là cơ sở pháp lý trong tổ chức hòa giải và đối thoại, khuyến khích giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại TAND. Chỉ thị số 04/2017/CT-TA ngày 3/10/2017 của Chánh án TANDTC về việc tăng cường công tác hòa giải tại TAND cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường công tác hòa giải tại TAND đặt ra các yêu cầu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể và kế hoạch thực hiện nhằm đạt được mục tiêu này.

Phiên họp thứ nhất về thí điểm tăng cường công tác hòa giải và đối thoại tại Hải Phòng

Toàn cảnh phiên họp thứ nhất

Thực hiện Chỉ thị của Chánh án TANDTC, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền, các đơn vị chức năng của TANDTC đã phối hợp chặt chẽ với TAND TP Hải Phòng tiến hành các thủ tục cần thiết để triển khai thí điềm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính tại Hải Phòng. Sau khi nghe lãnh đạo TANDTC báo cáo và thảo luận, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cho ý kiến “Đồng ý giao TANDTC triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải và đối thoại trong các vụ án dân sự, hành chính; đề xuất việc hoàn thiện cơ sở pháp lý và các điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu thực tiễn; báo cáo Ban chỉ đạo cho ý kiến tại Phiên họp thứ bảy (dự kiến tháng 9/2018)”. Tiếp theo, ngày 22/1/2018, TANDTC đã ban hành Kế hoạch số 11/KH-TANDTC về “Kế hoạch Triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính tại Hải Phòng”. Đây là một bước quan trọng nhằm thực việc xây dựng Đề án đổi mới, tăng cường hòa giải và đối thoại.

Phiên họp thứ nhất về thí điểm tăng cường công tác hòa giải và đối thoại tại Hải Phòng

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp thứ nhất

Mục đích của Kế hoạch nhằm đổi mới, tăng cường nhận thức của các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án về giá trị và ý nghĩa của hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; tiếp cận, chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải đã được áp dụng thành công tại một số quốc gia trên thế giới. Kế hoạch nhằm huy động các nguồn lực xă hội tham gia vào công tác hòa giải, đối thoai tại Tòa án; đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại. Các hoạt động triển khai thí điểm bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, phù hợp với quy định của pháp luật; bảo đảm tiết kiệm, không làm phát sinh thêm bộ máy tổ chức, biên chế cán bộ, công chức.

Tại phiên họp thứ nhất, các đại biểu tham dự đồng tình cao với chủ trương triển khai thí điềm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính tại Hải Phòng. Theo đó, thành lập Trung tâm hòa giải bên cạnh Tòa án (gồm các Thẩm phán về hưu, các chuyên gia pháp luật, Luật sư, Kiểm sát viên, Điều tra viên về hưu, trí thức, giáo viên có uy tín, nhà tâm lý, cán bộ lão thành…). Thí điểm tổ chức bộ phận chuyên trách về hòa giải, đối thoại bên cạnh Tòa án để thực hiện hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng (theo sự tự nguyện của các đương sự, trước khi Tòa án thụ lý vụ án; kết quả hòa giải được Tòa án xem xét, công nhận khi đương sự có yêu cầu) và hỗ trợ Thẩm phán tiến hành hòa giải, đối thoại trong tố tụng (những vụ án đã được Tòa án thụ lý theo quy định của Bộ luật TTDS, Luật TTHC).

Phiên họp thứ nhất về thí điểm tăng cường công tác hòa giải và đối thoại tại Hải Phòng

 Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền đóng góp ý kiến

Phát biểu tại phiên họp thứ nhất, đồng chí Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, hòa giải, đối thoại trong TTDS và hành chính ngày càng đóng vai trò quan trọng trong giải quyết tranh chấp tại Tòa án, là phương thức hiệu quả bảo đảm quyền tự định đoạt, tự quyết định của đương sự. Hòa giải giúp giải quyết triệt để các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử, tiết kệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội; hạn chế kháng cáo, kháng nghị; nâng cao tỷ lệ và rút ngắn thời gian giải quyết vụ án. Kết quả hòa giải còn góp phần hàn gắn rạn nứt trong quan hệ tình cảm, kinh doanh giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, đây là kinh nghiệm của nhiều nền tư pháp tiến bộ trên thế giới.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy xu hướng tăng cường sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn (trọng tài, hòa giải, thương lượng…) đã đem lại những hiệu quả rõ rệt như giảm tải khối lượng công việc xét xử tại Tòa án, tăng cường đoàn kết trong nhân dân, duy trì quan hệ hợp tác trong kinh doanh, thương mại và đời sống, giải quyết dứt điểm các tranh chấp hiện tại và ngăn chặn tranh chấp phát sinh trong tương lai, tiết kiệm nguồn lực cho đương sự, Tòa án, Nhà nước và toàn xã hội nói chung. Qua quá trình nghiên cứu, trao đổi, tìm hiểu kinh nghiệm và khảo sát thực tiễn nhiều nước tiên tiên (Mỹ, Ẩn Độ, Nhật Bản...), nhận thấy có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng hữu ích mà Việt Nam có thể tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa và hoàn thiện phù hợp với môi trường pháp lý và văn hóa của Việt Nam để tăng cường công tác hòa giải và đối thoại.

Theo kế hoạch, đầu tháng 3/2018, TANDTC tổ chức các khóa tập huấn trong 5 ngày để giới thiệu quy định và thực tiễn pháp luật quốc tế, quy trình, kỹ năng và kinh nghiệm hòa giải; giới thiệu về quy định, quy trình, kỹ năng và thực tiễn hòa giải, đối thoại theo qui định của pháp luật Việt Nam; thảo luận nhằm lựa chọn những quy trình, kỹ năng quốc tế có tính khả thi, phù hợp với pháp luật Việt Nam để triển khai ứng dụng trong thực tiễn.

Sau khóa đào tạo về lý thuyết, các Thẩm phán, Hòa giải viên sẽ áp dụng nội dung lý thuyết đã được tập huấn để giải quyết các vụ việc cụ thể tại các Tòa án thí điểm với sự tham gia trực tiếp của chuyên gia quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm. Dự kiến, hoạt động thí điểm này sẽ diễn ra tại thành phố Hải Phòng, kéo dài 3 tháng bắt đầu từ đầu tháng 3/2018 tại TAND Thành phố Hải Phòng và 6 TAND cấp huyện trên địa bàn Hải Phòng. Sau đợt thí điểm tại Hải Phòng, TANDTC sẽ sơ kết, rút kinh nghiệm và báo cáo Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương để nhân rộng trong toàn quốc.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phiên họp thứ nhất về thí điểm tăng cường công tác hòa giải và đối thoại tại Hải Phòng