Giám sát hoạt động xét xử của Tòa án là thể hiện tính dân chủ, sự văn minh… nhưng không có nghĩa là làm thay nhiệm vụ của Tòa án và Thẩm phán.
Việc “tự ý tuyên án” thay Tòa dù vô tình hay cố ý đều thể hiện sự thiếu tôn trọng pháp luật; trong một trường hợp cụ thể nào đó còn gây khó khăn cho con đường đi đến lẽ công bằng...
Những “Thẩm phán online”
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều 31: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Trên cơ sở đó Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng đã quy định nguyên tắc “Suy đoán vô tội” tại Điều 13: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Quy định của pháp luật rõ ràng như vậy nhưng trong cuộc sống những hành vi vi phạm vẫn xảy ra thường nhật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người, các quyền và lợi ích của công dân. Một trong những điển hình của hành vi trên đến từ truyền thông và mạng xã hội. Ai cũng biết nhiệm vụ chính của báo chí là thông tin tuyên truyền, song có những bài báo lại “làm thay” việc của Cơ quan điều tra, Tòa án. Mặc dù Luật Báo chí đã quy định cấm báo chí đưa tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án, thế nhưng tình trạng này vẫn xảy ra.
Trong rất nhiều vụ án, khi cơ quan điều tra vừa tìm được “nghi can” thì ngay lập tức báo chí quy kết ngay cho người bị tạm giữ là hung thủ. Thậm chí nhiều bài báo tập trung khai thác đời tư những người chẳng hề liên quan đến vụ án vì họ là thân nhân của người đang bị tạm giữ. Không thiếu những bài báo giật tít đại loại như “Hung thủ Nguyễn Văn A phải diện với tội danh nào?” hoặc “Bản án tử chờ đợi Nguyễn Văn B ở phía trước”... trong khi người này vừa bị Công an câu lưu được ít phút. Khi vụ án chưa được đưa ra xét xử một cách đúng luật và chưa có bản án tuyên có tội và có hiệu lực pháp luật thì bị can, bị cáo vẫn là người vô tội. Do vậy, việc quy kết những cá nhân này trên truyền thông sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân nếu sau đó Tòa án xác định họ không có tội.
Tòa án là cơ quan xét xử duy nhất, thực hiện quyền tư pháp
Bên cạnh những sai lầm mang tính chủ quan của báo chí thì mạng xã hội đang là một thách thức lớn. Thông tin không được kiểm duyệt, không chịu tác động của điều kiện địa lý, không gian, thời gian nên hậu quả của những thông tin sai lệch là hết sức nghiêm trọng. Cứ sau mỗi vụ việc nhạy cảm, những vụ án có tính chất nghiêm trọng là mạng xã hội thi nhau mọc ra những “điều tra viên”, những “Thẩm phán online” phía sau bàn phím. Họ mặc sức tung ra những thông tin sai lệch, thiếu căn cứ hoặc “thêm mắn dặm muối” vào các tình tiết của vụ án. Họ kêu gọi phản đối kết luận của cơ quan điều tra, quyết định của Tòa án chỉ với lý do không thỏa mãn suy nghĩ chủ quan cá nhân.
Không thể thay Tòa ra… phán quyết
Chúng ta đều biết, chân lý khách quan phải được xác định thông qua hoạt động xét xử của Tòa án. Muốn vậy Tòa án khi xét xử cần phải độc lập, khách quan, vô tư, trong sáng, tôn trọng sự thật thì mới bảo vệ được công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ chế độ. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ này, Tòa án - cơ quan thực hiện quyền tư pháp, phải là một cơ quan độc lập với vị trí trọng tài và đưa ra phán xét. Nói cách khác, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, chỉ có độc lập trong tư pháp mới giúp Tòa án có đủ ý chí và quyết tâm bảo vệ công lý.
Mặc dù là độc lập để đảm bảo phán xử công bằng, nhưng Tòa án vẫn phải chịu sự giám sát. Hoạt động giám sát của người dân, của các tổ chức xã hội cũng như trong bản thân của cơ cấu nhà nước đối với hoạt động của cơ quan nhà nước là biểu hiện của dân chủ cũng như là sự văn minh của nhân loại. Tuy nhiên, việc giám sát các hoạt động xét xử của Tòa án không giống với việc giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước khác. Không thể áp đặt suy nghĩ chủ quan để định hướng, ra chỉ thị hay thay thế Tòa án để tuyên án.
Một ví dụ về vụ án còn nguyên tính thời sự là sự cố chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến nhiều bệnh nhân tử vong được TAND tỉnh Hòa Bình xét xử phúc thẩm vào tháng 6/2019. Đây là một vụ án tốn rất nhiều giấy mực của báo chí và nó gây ra nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều trong dư luận xã hội. Ngay từ khi vụ án còn đang trong giai đoạn điều tra, nhiều người đã “hùng hồn” tuyên bố một bị can trong vụ án là vô tội, việc khởi tố, truy tố bị can này là “sai lầm nghiêm trọng” của cơ quan tố tụng. Chưa kể trước đó hàng loạt văn bản của các cơ quan, tổ chức kiến nghị gửi cơ quan Công an, Viện kiểm sát và Tòa án “đề nghị” là “phải điều tra, xét xử vụ án một cách khách quan, công bằng”. Việc làm này rõ ràng là không phù hợp khi vụ án chưa đi đến công đoạn tố tụng cuối cùng. Thậm chí, việc can thiệp này thể hiện thái độ thiếu tôn trọng đối với các cơ quan tố tụng, trong đó có Tòa án - cơ quan xét xử duy nhất của Nhà nước.
Những phát biểu vội vàng của một số cá nhân về vụ án và trên báo chí tạo ra một luồng ý kiến dư luận phản ứng mạnh mẽ về kết luận của cơ quan điều tra và bản án của Tòa án. Cũng dễ hiểu, bởi phát ngôn của những người có “vai vế” trong xã hội thường có sức nặng nhất định, có tính định hướng dư luận. Họ cho rằng mình có trách nhiệm phải làm điều đó. Tuy nhiên, “trách nhiệm” này vô hình trung khiến người dân có cái nhìn thiếu khách quan, hiểu nhầm, hiểu không toàn diện về vụ án, kéo theo đó là mất niềm tin vào công lý.
Thực vậy, khi đã xác định TAND là cơ quan xét xử duy nhất, nếu các phán quyết này chưa phù hợp đã có sự kháng cáo, kháng nghị để xét xử lại qua nhiều cấp với các chủ thể đã được xác định trong luật tố tụng thì sự tham gia của các cơ quan quyền lực dưới danh nghĩa kiểm soát, giám sát vào những vụ án cụ thể có lẽ là không cần thiết. Bởi nó tạo ra cho người dân tâm lý không tin tưởng vào các phán quyết của Toà án mà chú tâm vào việc khiếu kiện gửi đến cá nhân và tổ chức khác.
Sự độc lập của Tòa án và của Thẩm phán trong quá trình xét xử là điều kiện quan trọng đảm bảo cho liêm chính tư pháp. Phải có sự thống nhất rằng một nền tư pháp độc lập là nền tảng cho sự thịnh vượng của nền kinh tế quốc gia và thế giới. Điều 102 Hiến pháp 2013 quy định “Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Điều này khẳng định vai trò của Tòa án và sự độc lập của Tòa án bên cạnh các cơ quan hành pháp và lập pháp. Vì thế, trọng tâm của việc cải cách tư pháp là đảm bảo cho nguyên tắc Tòa án độc lập phải có hiệu lực trên thực tế.