Sáng nay 16/12, TANDTC tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác giám đốc thẩm, tái thẩm. Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC đã chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, đây là hội nghị rất quan trọng, nhằm đánh giá chất lượng công tác giám đốc thẩm, tái thẩm của các Tòa án thời gian qua; phân tích làm rõ nguyên nhân dẫn tới tình trạng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm cũng như các giải pháp thực hiện của các Tòa án theo chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc hội nghị
Chánh án cho biết, thời gian qua, liên quan đến việc áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án, Luật đã trao thẩm quyền cho Tòa án áp dụng biện pháp này, nhưng có rất nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Trước thông tin của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đại biểu Quốc hội xung quanh việc áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời, TANDTC đã giao cho cơ quan Thanh tra TANDTC tiến hành thanh tra một số nơi có áp dụng biện pháp này nhưng chưa thật hiệu quả. Kết quả cho thấy cũng có những vướng mắc cần hướng dẫn.
Để đảm bảo chất lượng hai mặt công tác này được tốt, góp phần hoàn thành nhiệm vụ của TAND, lãnh đạo TANDTC đã tổ chức hội nghị chuyên đề hôm nay.
Chánh án cũng đề nghị các đại biểu, đặc biệt là Chánh án, Phó Chánh án các TAND cấp cao tập trung tìm ra các giải pháp nhằm giải quyết tốt hơn nữa công tác giám đốc thẩm, tái thẩm hiện nay; Đánh giá những tồn tại hạn chế, vướng mắc và đề xuất những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hai lĩnh vực công tác này.
Báo cáo về thực tiễn thi hành pháp luật về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, ông Ngô Tiến Hùng, Thẩm phán cao cấp, Chánh Văn phòng TANDTC cho biết: Trong 3 năm từ 2016-2019, số lượng các loại vụ việc được Tòa án các cấp thụ lý tăng trung bình 50.000 vụ/năm. Đặc biệt, năm 2019, số lượng vụ việc tăng gần gấp 2 lần so với 2016. Từ 2015-2016, số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà TANDTC và Tòa cấp cao giải quyết 65.910 đơn/vụ; đã giải quyết được 26.865 đơn/vụ, đạt tỷ lệ 40,74%.
Chánh án TANDTC cũng đã đề ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này, như: Chú trọng nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc ngay từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm để hạn chế nguyên nhân phát sinh đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; Tăng cường công tác hòa giải, đối thoại và đề cao trách nhiệm của các Tòa án trong việc phát hiện và kiến nghị về các sai lầm nghiêm trọng trong quá trình giải quyết các vụ án….
Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã từng bước đi vào nề nếp, chất lượng kháng nghị và trả lời đơn tiếp tục được nâng lên, kịp thời phát hiện và khắc phục được những sai sót của các Tòa án.
Quang cảnh hội nghị
Tuy nhiên, kết quả vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Trong hai năm 2013-2014, TAND các cấp đã có nhiều cố gắng để giải quyết và đạt tỷ lệ trên 60%. Từ 2015 đến nay do việc chuyển đổi mô hình tổ chức của hệ thống Tòa án và quy định đối với việc xem xét đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nên tỷ lệ giải quyết không đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Quốc hội đề ra.
Theo ông Ngô Tiến Hùng, từ năm 2013 đến nay, với số lượng nhân lực hiện có, mỗi năm Tòa án các cấp chỉ giải quyết được trung bình trên 7.100 vụ, trong khi số lượng đơn đề nghị tăng cao, năm 2018 tăng khoảng 4.500 vụ/đơn so với 2013 và tiếp tục có xu hướng tăng, nên việc duy trì tỷ lệ giải quyết 60% như Quốc hội đề ra khó khả thi trong giai đoạn hiện nay. Các Tòa án cũng đã chú trọng nhiều giải pháp để thực hiện quyết liệt, song do số lượng phải giải quyết rất lớn và ngày càng tăng nên số đơn chưa giải quyết vẫn còn nhiều…
Hội nghị cũng đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác giám đốc thẩm, tái thẩm hiện nay; đánh giá những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện các quy định về chuyển hồ sơ cho Tòa án, Viện Kiếm sát để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Kiến nghị phương án giải quyết những vướng mắc đó trong thời gian qua. Đồng thời đánh giá về quy trình giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tại Tòa án và những kiến nghị đề xuất cụ thể;…
Đáng chú ý, hội nghị đánh giá về tổ chức bộ máy các đơn vị tham mưu tron thực hiện công tác giám đốc thẩm, tái thẩm; thực trạng đội ngũ công chức có chức danh tư pháp trực tiếp làm công tác giám đốc thẩm, tái thẩm như hiện nay đã phù hợp hay chưa, từ đó có những kiến nghị đề xuất khắc phục kịp thời; Đánh giá chương trình đào tạo, bồi dưỡng đối với tư pháp như hiện nay đã phù hợp hay chưa, còn có những khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp…
Hội nghị cũng đã nghe đại diện các đơn vị nghiệp vụ của TANDTC, các TAND cấp cao trình bày tham luận về các nội dung, giải pháp nâng cao chất lượng, số lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.