Hội đàm giữa TANDTC Việt Nam và TANDTC Lào: Chia sẻ kinh nghiệm về sửa đổi Luật Tổ chức TAND và cải cách tư pháp

Trần Quang Huy| 10/01/2017 22:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa hai bên năm 2008, ngày 9 và 10/1/2017, tại Hà Nội, TANDTC Việt Nam và TANDTC Lào tổ chức Hội đàm để chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng, sửa đổi Luật Tổ chức TAND và công tác cải cách hệ thống Toà án.

Tại buổi hội đàm, đồng chí Khăm Pha Seng Đa Ra, Phó Chánh án TANDTC Lào nêu rõ: Trên cơ sở Nghị định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lào, TANDTC Lào được giao tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND. Do có sự gần gũi về mặt địa lý, tương đồng về chính trị và tập quán xã hội nên lãnh đạo TANDTC Lào đã chọn Việt Nam là nơi để học hỏi và mong muốn TANDTC Việt Nam chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác sửa đổi bổ sung Luật Tổ chức TAND năm 2014 và công tác cải cách hệ thống TAND của Việt Nam. Trong đó TANDTC Lào muốn biết rõ tại sao Việt Nam phải sửa đổi Luật Tổ chức TAND; những thuận lợi, khó khăn mà Việt Nam gặp phải trong cải cách tư pháp…

Thay mặt TANDTC Việt Nam, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Thuân và Thẩm phán TANDTC Lê Văn Minh đã giới thiệu khái quát quá trình xây dựng Luật Tổ chức TAND năm 2014 của TAND Việt Nam và cơ cấu tổ chức, hoạt động của Tòa án 4 cấp hiện nay. Theo đó, Hiến pháp năm 2013 quy định TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp; có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức TAND năm 2014 có nhiều sửa đổi quan trọng về thẩm quyền của TAND.

Hội đàm giữa TANDTC Việt Nam và TANDTC Lào: Chia sẻ kinh nghiệm về sửa đổi  Luật Tổ chức TAND và cải cách tư pháp

Hội đàm giữa TANDTC Việt Nam và TANDTC Lào

Về cơ cấu tổ chức, hệ thống TAND được chia thành 4 cấp xét xử bao gồm: TANDTC, TAND cấp cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương. Hội đồng Thẩm phán TANDTC được tổ chức tinh gọn từ 13 đến 17 Thẩm phán. TANDTC chỉ tập trung vào nhiệm vụ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; quản lý các Toà án về mặt tổ chức; xây dựng pháp luật theo sự phân công của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác. Ở TAND cấp cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ngoài các Toà chuyên trách hiện có trong cơ cấu tổ chức của TAND thì nay thành lập thêm Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Ngoài ra, chế định tuyển chọn và bổ nhiệm Thẩm phán cũng có những thay đổi nhằm tăng cường tính độc lập của Thẩm phán…

Chia sẻ về công tác cải cách tư pháp của Tòa án Việt Nam, Phó Chánh án Nguyễn Văn Thuân nêu những điểm quan trọng của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trong đó xác định: Tòa án đóng vai trò trung tâm trong quá trình cải cách tư pháp. Hiện nay, TAND có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính trị, được khẳng định tại Điều 102 của Hiến pháp năm 2013 “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Trong những năm qua Tòa án Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong cải cách tư pháp và tiếp tục đẩy mạnh cải cách trên nhiều mặt. TANDTC đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực nhằm khắc phục tình trạng thiếu Thẩm phán, cán bộ, công chức ở các cấp Toà án; đồng thời bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt cho cán bộ, công chức. Tòa án Việt Nam cũng chú trọng công tác xây dựng pháp luật và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các quy định của Hiến pháp và tinh thần cải cách tư pháp mà các Nghị quyết của Đảng đã đề ra. TAND các cấp đang từng bước công khai, minh bạch trong quá trình xét xử. Bản án, quyết định của Tòa án sẽ được đăng công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Tòa án để mọi người đều có thể tiếp cận, người dân có thể thực hiện được quyền giám sát đối với công tác xét xử.

Hội đàm giữa TANDTC Việt Nam và TANDTC Lào: Chia sẻ kinh nghiệm về sửa đổi  Luật Tổ chức TAND và cải cách tư pháp

Các đại biểu Tòa án hai nước chụp ảnh lưu niệm sau buổi hội đàm

Ngoài ra, TAND Việt Nam cũng đẩy mạnh về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, đã xây dựng Đề án về công tác đối ngoại. Trong đó xác định phương hướng phát triển công tác đối ngoại của Tòa án là tiếp tục mở rộng quan hệ với Tòa án các nước trên thế giới, trước hết là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, quan trọng và các nước trong khu vực; mở rộng việc tham gia các tổ chức quốc tế về pháp luật và tư pháp quốc tế. Hiện nay, TANDTC đang tiến hành xây dựng và nghiên cứu nhiều đề án quan trọng khác để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp. Các nội dung nêu trên đều hướng đến mục tiêu xây dựng Tòa án thân thiện, gần dân, phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, Phó Chánh án Nguyễn Văn Thuân đã nêu lên khó khăn vướng mắc mà TAND Việt Nam gặp phải trong việc xây dựng và triển khai thực hiện Luật Tổ chức TAND sửa đổi cũng như một số mặt còn hạn chế trong cải cách tư pháp. Do đó, TANDTC Lào cần chắt lọc để áp dụng cho phù hợp với việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND của Lào, tránh được những vấn đề bất cập mà TAND Việt Nam đang gặp phải.

Để tìm hiểu thêm về TAND Việt Nam, Đoàn đại biểu TANDTC Lào đã thăm mô hình phòng xét xử của TANDTC; tìm hiểu về tổ chức, hoạt động của TAND cấp cao tại Hà Nội. Qua những ngày làm việc tại Việt Nam, đồng chí Khăm Pha Seng Đa Ra, Phó Chánh án TANDTC Lào cảm ơn sự đón tiếp chu đáo và tận tình giúp đỡ của TAND Việt Nam và cho biết trên cơ sở những kiến thức, kinh nghiệm học hỏi được, TANDTC Lào sẽ chỉnh sửa Dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức TAND Lào để trình Quốc hội vào tháng 2/2017 và chính thức thông qua vào tháng 4/2017.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội đàm giữa TANDTC Việt Nam và TANDTC Lào: Chia sẻ kinh nghiệm về sửa đổi Luật Tổ chức TAND và cải cách tư pháp