TAND huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk: Không ngừng nâng cao chất lượng hòa giải

Trung Thành| 26/06/2019 09:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong mấy năm vừa qua, TAND huyện Buôn Đôn luôn là một trong những đơn vị có tỷ lệ hòa giải thành cao của TAND hai cấp tỉnh Đắk Lắk. Có được thành quả đó là nhờ đơn vị đã sáng tạo và áp dụng nhiều giải pháp hay trong quá trình thực hiện công tác hòa giải.

Một vài năm trở lại đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ và nhân dân huyện Buôn Đôn đã đầu tư công sức, tập trung trí lực để khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Cùng với sự phát triển về kinh tế, tình hình tội phạm và các tranh chấp phát sinh trên địa bàn cũng có xu hướng gia tăng cả về số lượng cũng như tính chất và mức độ phức tạp, nhất là các tranh chấp về dân sự và hôn nhân gia đình.

Trước tình hình đó, ngay từ đầu mỗi năm công tác, cấp ủy, lãnh đạo TAND huyện Buôn Đôn đã tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng và quán triệt sâu sắc cho mỗi một cán bộ công chức trong việc tổ chức thực hiện chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Xác định rõ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đơn vị trong điều kiện biên chế ít, khối lượng công việc nhiều và phức tạp nên cán bộ, công chức trong toàn đơn vị luôn tích cực học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia tập huấn, trao đổi nghiệp vụ, xây dựng các đề tài, sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng công tác; thực hiện tốt các phong trào thi đua để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 04/CT-CA của Chánh án TANDTC về tăng cường công tác hòa giải tại TAND, TAND huyện Buôn Đôn đã sáng tạo và áp dụng nhiều giải pháp trong quá trình thực hiện công tác hòa giải đối với những vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh doanh thương mại… từ đó dần nâng cao chất lượng hòa giải, giảm số lượng vụ án phải đưa ra xét xử, hạn chế tối đa những mâu thuẫn, căng thẳng giữa các chủ thể tranh chấp. Nổi bật nhất trong các giải pháp của đơn vị là đề cao, chú trọng công tác dân vận.

TAND huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk: Không ngừng nâng cao chất lượng hòa giải

 Một phiên xét xử rút kinh nghiệm của TAND huyện Buôn Đôn

“Để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng hòa giải thì công tác dân vận có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định thành bại công tác hòa giải của Tòa án. Thực tế cho thấy, nếu Tòa án làm tốt công tác dân vận thỉ tỷ lệ hòa giải thành các vụ án dân sự, chất lượng giải quyết án sẽ được nâng cao. Còn trong trường hợp Tòa án không làm tốt công tác dân vận thì kết quả sẽ ngược lại. Chính vì vậy, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp khác, trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, TAND huyện Buôn Đôn đã chọn giải pháp “Công tác dân vận trong việc hòa giải các vụ án dân sự” là giải pháp mang tính đột phá”, Thẩm phán Nguyễn Sỹ Thành, Chánh án TAND huyện Buôn Đôn chia sẻ.

Cũng theo Thẩm phán Thành, khi giải quyết các vụ án dân sự, việc có hòa giải thành được hay không phụ thuộc phần lớn vào công tác dân vận của Thẩm phán, Thư ký… “Dân vận khéo” phải được chu đáo ngay từ việc bố trí phòng hòa giải, sắp xếp chỗ ngồi các bên đương sự, các nội dung cần trao đổi các nội dung yêu cầu các đương sự trình bày. Tránh tình trạng để người dân có ý kiến cho rằng Thẩm phán, Thư ký không công tâm, không khách quan, thiếu dân chủ khi hòa giải vụ án. Thẩm phán cũng phải biết chọn thời điểm tiến hành hòa giải theo từng loại vụ án và cần có sự tính toán kỹ lưỡng các phương án nhằm đảm bảo sự thành công của phiên hòa giải.

Bên cạnh đó, Thẩm phán, Thư ký cũng phải chủ động tìm hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu, và cả những bức xúc của các bên để có phương thức giải quyết vụ án. Đồng thời phải biết cách chia sẻ, động viên và cảm thông đối với những bức xúc của đương sự, tạo điều kiện để đương sự phát huy quyền làm chủ của mình. Từ đó đương sự, công dân sẽ có được niềm tin vào Tòa án.

Nhờ làm tốt công tác dân vận nên trong mấy năm vừa qua, tỷ lệ hòa giải thành của TAND huyện Buôn Đôn luôn đạt rất cao. Ví dụ như năm 2018, đơn vị giải quyết 453/454 vụ việc các loại, trong đó có 62 vụ án hình sự và 391 vụ việc dân sự. Số vụ việc dân sự hòa giải thành là 343 vụ/371 vụ, đạt tỷ lệ  90,7%. Còn trong 6 tháng đầu năm 2019, Tòa án huyện Buôn Đôn thụ lý và giải quyết 182/187 vụ việc các loại, trong đó có 17 vụ án hình sự và 170 vụ việc dân sự. Số vụ việc dân sự hòa giải thành là 145vụ/153 vụ, đạt tỷ lệ 94,7 %.

Đồng thời, TAND huyện Buôn Đôn cũng phối hợp với các đơn vị cùng cấp như Công an, Viện kiểm sát thường xuyên tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Kết thúc các phiên tòa đều họp rút kinh nghiệm, đánh giá kỹ năng của Thẩm phán, Thư ký tại phiên tòa. Trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng, các ý kiến góp ý đã phân tích được những ưu điểm và hạn chế để Thẩm phán, Thư ký rút ra những bài học kinh nghiệm, nâng cao ý thức rèn luyện, trau dồi trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Phát huy những thành tích đó, lãnh đạo TAND huyện Buôn Đôn cũng đã quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị cần cố gắng hơn nữa, phấn đấu ngày càng nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án nói chung và nâng cao tỷ lệ hòa giải thành các vụ án dân sự nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk: Không ngừng nâng cao chất lượng hòa giải