Xuân về thăm Tòa án miền biên viễn

Thanh Phương - Nguyễn Sự| 21/02/2015 07:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hành trình ngược rừng, về với bản làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh Thanh Hóa, vượt qua những dốc núi cheo leo, lầy lội bùn đất, tôi mới thấm thía sự cực nhọc, vất vả, lam lũ của các cán bộ Tòa án đang ngày đêm canh giữ “cán cân công lý” nơi biên viễn.

Còn rất nhiều khó khăn

Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, trong đó có 7 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30A, chủ yếu là người dân tộc Thái, Mường, Mông, Thổ... Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhiều bản vẫn còn chưa biết đến ánh điện, sóng truyền hình, chưa thể liên lạc với nhau bằng điện thoại. Bởi vậy, việc nhận thức và chấp hành chính sách, pháp luật còn nhiều hạn chế. Hành trình “gánh luật lên non” của các cán bộ Tòa án đang công tác nơi biên viễn lại càng gian nan hơn bao giờ hết.

Xuân về thăm Tòa án miền biên viễn

Tập thể cán bộ TAND huyện Thường Xuân họp triển khai công tác

Nhiều cán bộ công chức trong đơn vị Tòa án huyện miền núi phần lớn là người miền xuôi được điều động lên công tác, chưa thành thạo phong tục tập quán, không hiểu tiếng dân tộc địa phương nên gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp và giải quyết công việc. Chánh án TAND huyện Quan Hóa, Thẩm phán Lữ Thị Mai từng chia sẻ với tôi rằng: Có nhiều đồng chí phải đi bộ hàng ngày đường đến các bản người dân tộc Mường, Thái để làm công tác hòa giải trong một vụ án dân sự hoặc hôn nhân gia đình. Các đương sự hầu hết là người dân tộc thiểu số, có trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên cán bộ Tòa án phải động viên, tạo điều kiện để họ giãi bày bằng tiếng dân tộc. Qua đó, có thể hiểu được tâm tư, nguyện vọng, nguyên nhân mâu thuẫn của các bên đương sự nhằm tìm cách hòa giải, hàn gắn những mâu thuẫn. Tuy nhiên, vì không hiểu tiếng dân tộc, các cán bộ lại phải lặn lội đi tìm già làng, trưởng bản, người có uy tín để tổ chức các cuộc hòa giải. Nhiều vụ diễn ra đến hàng tuần liền cũng chỉ vì bất đồng ngôn ngữ, trong khi đường xá đi lại rất khó khăn, vất vả.

Có dịp trò chuyện với các nữ Chánh án vùng cao, tôi càng khâm phục trước sự hy sinh và nỗ lực vượt khó của họ. Nhắc về những khó khăn của Toà án huyện miền núi, Chánh án TAND huyện Thường Xuân Nguyễn Thị An nhớ mãi kỷ niệm sâu sắc thuở mới vào nghề. Những năm đầu thập niên 1990, TAND huyện Thường Xuân đang còn là một “trụ sở di động”, do thời gian này, Tòa án huyện đang xin đất để xây dựng trụ sở. Các cán bộ phải chạy lòng vòng hết trụ sở này đến trụ sở khác, mượn từng phòng trống của Huyện đoàn hay UBND huyện để làm việc. Mỗi khi mở phiên tòa xét xử thì lại mượn hội trường VKSND huyện. Mãi đến năm 1996, trụ sở được xây dựng lên, tập thể cán bộ Tòa án nơi đây mới có thể yên tâm công tác.

Luôn nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ

Khó khăn là vậy nhưng cán bộ Tòa án luôn nỗ lực không ngừng, vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Để có thể tuyên truyền pháp luật một cách trực tiếp, Tòa án các huyện thường xuyên mở các phiên xét xử lưu động nhằm tuyên truyền pháp luật cho đồng bào. Trong khi đó, do địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, với hơn 23km đường biên giới quốc gia giáp nước bạn Lào nên tình hình an ninh diễn biến khá phức tạp. Việc tổ chức phiên tòa lưu động phải được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từ khâu thông báo đến địa điểm xét xử. Tuy nhiên, để hoàn thành được một phiên tòa xét xử lưu động không hề đơn giản đối với các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Không chỉ huyện Thường Xuân mà hầu khắp các huyện miền núi xứ Thanh đều gặp phải những khó khăn như: Giao thông không thuận tiện, dân trí còn thấp nên nhận thức pháp luật còn hạn chế. Việc tuyên truyền, vận động để đồng bào dân tộc dần dần xóa bỏ những phong tục, tập quán cổ hủ là một trong những nhiệm vụ mà cán bộ Tòa án phải nỗ lực hoàn thành.

Qua các năm, các loại án phát sinh trên địa bàn huyện Quan Sơn có chiều hướng gia tăng, nhất là các tội phạm về ma túy, tệ nạn xã hội. Hơn 20 năm công tác trong Tòa án, ông Bàn Hữu Văn, Chánh án TAND huyện Quan Sơn luôn trăn trở: Sự nghèo đói, thất học, không có việc làm, thiếu hiểu biết pháp luật đã khiến nhiều người rơi vòng vào lao lý vì ma túy. Hay quan niệm lấy vợ, lấy chồng sớm để có “con đàn, cháu đống” vẫn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều bậc làm cha, làm mẹ, cùng với sự kém hiểu biết về pháp luật và nhu cầu trước mắt của gia đình cần có người làm nương, làm rẫy... khiến tình trạng tảo hôn vẫn tồn tại.

Có lẽ nhức nhối hơn cả, điển hình là vụ án Ngân Văn Túp bị VKSND huyện Quan Sơn truy tố về tội “loạn luân”. Người cha chung sống như vợ chồng với chính con gái đẻ của mình suốt nhiều năm, sau đó hai đứa con cùng huyết thống lần lượt chào đời. Đây là vụ án xét xử “kín” nhưng nhân dân địa phương đến tham dự phiên tòa với số lượng lớn. Người đàn ông phải chịu sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật. Một bản án đúng người, đúng tội, có tính thuyết phục được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Có thể thấy, những tập tục cổ hủ, lạc hậu đã ăn sâu vào đời sống của người dân từ bao đời không dễ một sớm, một chiều thay đổi được. Thời gian qua, các chính sách của Đảng và Nhà nước quan tâm phát triển miền núi đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống nhân dân nơi đây đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, những tệ nạn xã hội vẫn còn len lỏi trong đời sống của đồng bào, nhiều nhiệm vụ vẫn còn đặt nặng lên vai các cán bộ Tòa án. Tuy nhiên, các cán bộ Tòa án vẫn nỗ lực vượt mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn an ninh, trật tự nơi biên viễn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuân về thăm Tòa án miền biên viễn