Vai trò của trọng tài và thực tiễn giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài

Tưởng Duy Lượng| 03/04/2013 07:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với thủ tục tố tụng gọn, không rườm rà, việc giải quyết tranh chấp với thời gian ngắn, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các thương nhân, nên nhiều thương nhân trên thế giới thường lựa chọn trọng tài làm phương thức giải quyết tranh chấp.

Nó trở thành một phương thức giải quyết tranh chấp không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường.

Việc giải quyết tranh chấp bằng Tòa án, một phương thức giải quyết tranh chấp có tính chất “uy quyền” xuất hiện từ khi hình thành nhà nước, có lịch sử rất lâu đời, thì việc phát triển phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, một phương thức giải quyết tranh chấp còn xuất hiện trước khi xuất hiện Tòa án, nhưng nó chỉ phát triển mạnh mẽ khi kinh tế thị trường phát triển.

Phương thức này đã làm đa dạng hóa việc giải quyết tranh chấp, tăng cơ hội lựa chọn cho các bên. Ngày nay, giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại bằng trọng tài đã là một trong những phương thức hiệu quả, có tính toàn cầu và ngày càng được ưa chuộng trên thế giới.

Nhiều nước, trong đó có cả các nước trong khối Asean rất quan tâm và có cơ chế khuyến khích việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nhằm giảm tải cho Tòa án, vừa để tiết kiệm cả thời gian lẫn vật chất cho thương nhân, tăng hiệu quả đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Tại Hội nghị Chánh án Trung Quốc - Asean diễn ra trong hai ngày 16, 17/9/2014 tại Quảng Tây, Trung Quốc, Đại biểu Indonesia do Thẩm phán Tòa án tối cao Cộng hòa Indonesia IG AGUNG SUMANATHA đã có bài phát biểu cho thấy hiện nay Indonesia rất quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động của Trọng tài và “một thực tế tại Indonesia đó là sau khi có quyết định trọng tài, các bên thua thường không sẵn lòng thực hiện quyết định trọng tài, dù quyết định đó là quyết định cuối cùng và có hiệu lực trên phương diện tự nguyện. Vì vậy, họ vẫn cố gắng thực hiện hành vi pháp lý bằng cách nộp đơn yêu cầu dân sự/ kiến nghị đến Tòa án quận có thẩm quyền và cố tìm cách làm cho quyết định trọng tài trở nên vô hiệu. Tuy nhiên, những hành động như vậy là vô ích. Bởi lẽ những nỗ lực như vậy thường không thành công, do pháp luật hiện hành chỉ chừa một khoảng trống rất nhỏ và chặt chẽ cho việc Tòa án tối cao Indonesia và các Tòa án khác vô hiệu quyết định trọng tài.

Vai trò của trọng tài và thực tiễn giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài

Hội thảo về Luật Trọng tài thương mại 2010

Bởi vì việc thực hiện quyết định trọng tài liên quan đến vấn đề kinh doanh, việc vô hiệu một tranh chấp phải được thực hiện nhanh chóng, cả Tòa sơ thẩm và Tòa án tối cao/ Hội đồng dân sự phải đưa ra phán quyết trong khoảng thời gian 30 ngày”.

Trong bài phát biểu của đại biểu Singapo do Thẩm phán Adrew Phang, Tòa án tối cao Singapo trình bày, cho thấy giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Singapo ngày càng phát triển: “Singapo là một trong những quốc gia đạt được nhiều lợi ích từ việc mở rộng cách thức giải quyết tranh chấp thay thế thông qua hình thức trọng tài. Trong giai đoạn 10 năm vừa qua, số lượng các vụ án được giải quyết tại Trung tâm trọng tài Quốc tế Singapo đã tăng gấp bốn lần và Singapo hiện tại là một trong những Trung tâm trọng tài chính tại Châu á”.

Ở Việt Nam, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đã được chú ý với việc ban hành Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 và ngày 17/6/2010 Quốc hội Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa 12 thông qua Luật Trọng tài thương mại để thay thế Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003. Đây là một bước tiến về mặt lập pháp. Nhưng rất tiếc trên thực tế việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ở Việt Nam vẫn chưa phát triển. Việc chậm phát triển phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong thực tiễn cuộc sống do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tỷ lệ phán quyết trọng tài bị Tòa án hủy khá cao khi có đơn yêu cầu hủy của đương sự. Các phán quyết trọng tài đã bị Tòa án hủy không phải tất cả là do vi phạm tố tụng trọng tài hoặc do chất lượng của phán quyết trọng tài. Chúng ta rất dễ dàng nhận thấy điều này khi xem xét các phán quyết trọng tài bị Tòa án hủy có một tỷ lệ rất đáng kể, việc hủy là không đúng, không có căn cứ; có những sai lầm nghiêm trọng trong nhận thức và áp dụng pháp luật trong quá trình xem xét hủy phán quyết trọng tài. Các sai sót của Tòa án khi hủy phán quyết trọng tài thường thể hiện dưới các dạng cơ bản sau:

Loại sai sót thứ nhất là, Tòa án đã xem xét, giải quyết lại nội dung của tranh chấp đã được trọng tài giải quyết. Một trong những căn cứ để Tòa án viện dẫn khi xét xử hủy phán quyết trọng tài là phán quyết trọng tài trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam theo điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại. Đây là căn cứ được viện dẫn khi hủy phán quyết trọng tài nhiều nhất, chiếm tỷ lệ khá lớn so với số phán quyết trọng tài bị hủy.

Có thể thấy hầu hết các trường hợp Thẩm phán cho rằng trọng tài giải quyết sai và Hội đồng xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đã tiến hành xét xử, giải quyết lại nội dung tranh chấp đã được trọng tài giải quyết và cho rằng Hội đồng trọng tài đã vi phạm điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại.

Loại sai sót thứ hai của Tòa án khi xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là, Tòa án cho rằng không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu do hợp đồng thương mại bị vô hiệu; hoặc thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu do bên ký kết thỏa thuận trọng tài chỉ là chi nhánh của pháp nhân; Trọng tài đã giải quyết vượt quá thẩm quyền.

Loại sai sót thứ ba của Tòa án, khi Hội đồng xét đơn cho rằng phán quyết trọng tài chưa phù hợp với tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ, chưa làm rõ yêu cầu của các bên để từ đó kết luận Trọng tài viên không vô tư, khách quan trong việc giải quyết tranh chấp làm căn cứ hủy phán quyết trọng tài.v.v…

Việc xét đơn hủy phán quyết trọng tài, dù áp dụng theo Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 hay Luật Trọng tài thương mại được ban hành năm 2010 đều có điểm chung giống nhau là Tòa án không được xem xét, giải quyết lại nội dung vụ tranh chấp đã được trọng tài giải quyết. Do đó, Tòa án không đi vào xem xét việc ký kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng để đánh giá bên đương sự nào vi phạm hợp đồng, vi phạm các nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng, không xem xét, đánh giá thiệt hại, lỗi của mỗi bên.v.v…, không phải xem xét, đánh giá chứng cứ. Vì đây là thao tác quan trọng trong quá trình xét xử nội dung vụ tranh chấp. Nhiệm vụ này là của Hội đồng trọng tài trong quá trình giải quyết quan hệ pháp luật đang có tranh chấp mà các bên thỏa thuận trọng tài giải quyết, không phải nhiệm vụ của Hội đồng xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

Do không nhận thức đúng phạm vi mà Hội đồng xét đơn có nhiệm vụ phải xem xét, nên không ít trường hợp khi xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài Hội đồng xét đơn đã xem xét, đánh giá lại nội dung quan hệ tranh chấp mà Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết. Nội dung nhận định trong quyết định hủy phán quyết trọng tài nói trên là minh chứng rất rõ nét.

Bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài nêu ra lý do là Trọng tài viên đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ “vô tư, khách quan trong việc giải quyết tranh chấp”. Lẽ ra đương sự phải đưa ra chứng cứ cụ thể chứng minh sự không vô tư, khách quan và Hội đồng xét đơn phải xem xét với những bằng chứng cụ, thể rõ ràng ví dụ như Trọng tài viên có nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất nên xử không khách quan; Trọng tài viên là người thân thích của một bên hoặc đại diện cho bên đó, hoặc Trọng tài viên không phải là người thân thích nhưng có quan hệ tình cảm, quan hệ thông gia, quan hệ công tác, quan hệ kinh tế.v.v… như đương sự trong vụ tranh chấp là người yêu, hoặc bố mẹ vợ với Trọng tài viên, anh em kết nghĩa với Trọng tài viên.v.v…

Loại sai sót thứ tư của Tòa án khi xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là, trong một số trường hợp Tòa án cho rằng phán quyết trọng tài đã vi phạm thủ tục tố tụng trọng tài nhưng lại không bám sát vào các quy định của Luật Trọng tài thương mại, quy tắc tố tụng trọng tài để xem xét mà lại tư duy trên cơ sở các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, đặc biệt là tố tụng về tống đạt giấy tờ tài liệu được quy định trong Bộ luật tố tụng Dân sự để nhận định, đánh giá việc tống đạt, thông báo của trọng tài có hợp lệ hay không; từ đó áp dụng điểm b khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại để hủy phán quyết trọng tài.

Mặc dù Điều 54, Điều 56 Luật Trọng tài thương mại có dùng từ “triệu tập” nhưng khi Hội đồng trọng tài có văn bản báo cho bị đơn biết về thời gian, địa điểm… phiên họp của Hội đồng trọng tài giải quyết việc tranh chấp mà lại dùng từ “thông báo” chứ không dùng từ “triệu tập” không vì thế mà văn bản thông báo đó không hợp lệ như có Hội đồng xét đơn đã nhận xét.

Cần phải thấy là theo quy định tại Điều 12 Luật Trọng tài thương mại thì: “Các thông báo, tài liệu mà Trung tâm trọng tài hoặc Hội đồng trọng tài gửi cho các bên được gửi đến địa chỉ của các bên hoặc gửi cho đại diện của các bên theo đúng địa chỉ do các bên thông báo”, sẽ được coi là tống đạt hợp lệ giấy tờ, tài liệu. Việc triệu tập đương sự đến phiên họp không đòi hỏi phải tống đạt hợp lệ lần thứ nhất, lần thứ hai như quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự. Do đó, không được căn cứ vào quy định về tống đạt, thông báo trong Bộ luật tố tụng dân sự để xem xét.

Ngoài ra, còn có lý do về nhận thức tác động đến việc hủy phán quyết trọng tài, đó là có những Thẩm phán khi giải quyết loại việc này đã nhận thức rất đơn giản là nếu có hủy phán quyết trọng tài không đúng cũng không gây thiệt hại nghiêm trọng cho đương sự, vì đương sự vẫn có quyền khởi kiện ra Tòa án yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp đó.

Cần phải thấy, việc Tòa án hủy phán quyết trọng tài không đúng, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của trọng tài Việt Nam, mà của cả Tòa án, hạn chế tác dụng của Luật Trọng tài thương mại, gây tốn kém cho các bên đương sự; Mặt khác, còn làm cho Tòa án phải thụ lý, giải quyết nhiều hơn, trong khi Tòa án đang quá tải.

Do đó, việc nhận thức và thực hiện đúng các quy định của Luật Trọng tài thương mại, Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại là một đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn. Đồng thời, đây cũng là một yêu cầu, đòi hỏi đối với Thẩm phán khi thụ lý, giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vai trò của trọng tài và thực tiễn giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài