Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, yêu cầu chấp hành nghiêm việc đối thoại, tham gia phiên tòa theo đúng quy định của Luật Tố tụng hành chính.
11.180 quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu kiện
Theo kết quả giám sát của UB Tư pháp của Quốc hội về chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch tỉnh, UBND tỉnh, trong 3 năm 2015 – 2017, cả nước có 11.180 quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, người đứng đầu các cơ quan này bị khiếu kiện đến Toà án, chiếm khoảng gần 10% trên tổng số khiếu nại hành chính.
Qua xét xử, tổng số quyết định hành chính, hành vi hành chính bị Toà án tuyên huỷ toàn bộ hoặc một phần là 1.194. Có những địa phương tỷ lệ bị tuyên huỷ chiếm tỷ lệ khá cao như An Giang 81%, Quảng Nam 55,76%; Hải Dương 31,58%...
Báo cáo giám sát nêu rõ, một trong những yêu cầu của việc ban hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 là tăng cường hơn nữa trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc tham gia tố tụng, giải quyết khiếu kiện của người dân đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, tỷ lệ chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia phiên toà có xu hướng ngày càng tăng qua các năm, năm 2017 tăng gấp 3 lần so với trước khi thực hiên Luật Tố tụng hành chính 2015. Cụ thể, năm 2015 là gần 11%; năm 2016 là gần 22% và đến 2017 tăng đến gần 32%.
Ảnh minh họa
Đáng chú ý, có những địa phương, sau khi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực thi hành, Chủ tịch UBND làm văn bản uỷ quyền thường xuyên cho Phó Chủ tịch tham gia tố tụng, sau đó Phó Chủ tịch cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên toà nào. Điển hình, trong 3 năm, TAND Hà Nội xét xử 189 vụ án nhưng chưa có vụ án nào Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND tham gia tố tụng. Tại TPHCM, năm 2017 có 260/260 vụ không tổ chức đối thoại được do Chủ tịch và đại diện UBND vắng mặt tại Toà án thành phố.
Có những địa phương, sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của Toà án, Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch được uỷ quyền có văn bản gửi Toà án được đề nghị vắng mặt trong tất cả các hoạt động tố tụng mà Toà án triệu tập. Lý do vắng mặt không tham gia tố tụng được UBND các địa phương nêu đều do “bận công tác” và do luật thu hẹp phạm vi người được uỷ quyền tham gia tố tụng so với Luật Tố tụng hành chính năm 2010 dẫn đến khó khăn.
Báo cáo giám sát nêu rõ, thực tiễn triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính cho thấy, có những địa phương, số lượng án hành chính lớn nhưng Chủ tịch và người đại diện uỷ ban vẫn bố trí tham gia tố tụng nghiêm túc. Chẳng hạn Đồng Tháp trong 142 vụ Chủ tịch và người đại diện tham gia 100% phiên đối thoại và 96,5% phiên toà. Ngược lại, có những địa phương số lượng án rất ít, nhưng Chủ tịch và người đại diện thường xuyên xin vắng, thậm chí có tỉnh vắng 100% số vụ (Hải Phòng vắng 17/17 vụ, Bắc Giang vắng 53/56 vụ...).
Đến tháng 10/2018, vẫn còn 32 bản án, quyết định chưa được Chủ tịch và UBND thi hành. Việc này, theo cơ quan giám sát là gây bức xúc cho người được thi hành án, dẫn đến tiếp tục khiếu nại, khiếu kiện phức tạp. Thậm chí có bản án có hiệu lực từ năm 2011 đến nay nhưng vẫn chưa được thi hành. Việc tồn đọng án hành chính chưa thi hành là một hạn chế lớn và đã tồn tại qua nhiều năm, cho thấy việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương còn chưa nghiêm, làm giảm lòng tin của nhân dân.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương
Sau khi Luật Tố tụng hành chính 2015 được ban hành và có hiệu lực từ 01/7/2016, TANDTC đã ban hành một số nghị quyết hướng dẫn thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật Tố tụng hành chính và các nghị quyết hướng dẫn thi hành các quy định của Luật Tố tụng hành chính về phương thức tống đạt văn bản và biểu mẫu trong tố tụng hành chính. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng làm hạn chế chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính là sự tham gia tố tụng của người đại diện UBND và Chủ tịch UBND rất hạn chế; UBND và Chủ tịch UBND chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ giao nộp, cung cấp chứng cứ. Cụ thể, rất nhiều vụ án, phía người bị kiện chậm giao nộp, cung cấp chứng cứ; cá biệt có trường hợp không cung cấp chứng cứ.
Thực tế này vừa ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết vụ án, vừa gây khó khăn cho Tòa án khi phải xét xử và quyết định về vụ án. Tòa án không thể tiến hành giải quyết vụ án nếu chưa thu thập được các tài liệu, chứng cứ cần thiết. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng hồ sơ vụ án, Tòa án có văn bản yêu cầu UBND các cấp cung cấp tài liệu, chứng cứ, nhưng Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thường giao phó cho các cơ quan chuyên môn cung cấp. Các cơ quan này thường không cung cấp hoặc cung cấp không đúng thời hạn; thậm chí có trường hợp không trả lời Tòa án. Ngoài ra, quá trình giám đốc thẩm, tái thẩm, TANDTC phải ủy thác cho Tòa án địa phương tiến hành xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ; hoặc có văn bản yêu cầu UBND cung cấp tài liệu. Tuy nhiên, một số vụ án UBND không cung cấp.
Trước thực trạng trên, Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tố tụng hành chính và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, vi phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ tham gia quá trình giải quyết vụ án hành chính và thi hành bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Rà soát, tổ chức thực hiện nghiêm túc, dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; chỉ đạo kiểm tra, xử lý trách nhiệm những cá nhân, tổ chức chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đầy đủ, không đúng bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Đối với những bản án có khó khăn, vướng mắc, phức tạp trong quá trình thi hành phải khẩn trương có biện pháp giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo, không để kéo dài.
Bộ Tư pháp rà soát, kiểm tra, kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức trong việc để tồn đọng 32 bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thi hành.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, yêu cầu chấp hành nghiêm việc đối thoại, tham gia phiên tòa theo đúng quy định của Luật Tố tụng hành chính. Yêu cầu người đứng đầu cơ quan hành chính có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện tại tòa án phải chấp hành nghiêm việc đối thoại, tham gia phiên tòa theo đúng quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Coi việc đối thoại, trực tiếp tham gia phiên tòa là một trong những giải pháp quan trọng để cơ quan hành chính thông qua đó sớm giải quyết dứt điểm vụ việc.