“Quyền im lặng” trong tố tụng hình sự

Linh Giang (thực hiện)| 07/07/2015 20:47
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thảo luận về sửa đổi bổ sung một số điều trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), nhiều đại biểu đã ủng hộ việc đưa quyền im lặng vào trong Luật. Vậy, “quyền im lặng” là gì?

Những chế định nào đảm bảo thực thi quyền im lặng? Báo Công lý đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với Luật sư Nguyễn Hữu Danh, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

PV: Ông có thể cho biết khái niệm “quyền im lặng”?

Luật sư Nguyễn Hữu Danh: “Quyền im lặng” của người bị tạm giữ, tạm giam là “quyền con người” nhằm thể hiện sự đối xử công bằng giữa điều tra viên, các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều phương tiện, biện pháp đối với người bị tạm giữ, tạm giam. Khái niệm “quyền im lặng” được hiểu là: “Quyền không có một hành động gì trước sự việc đáng lẽ phải có thái độ, phải có phản ứng”. Im lặng không chỉ không nói, không lên tiếng mà còn không hành động gì.

PV: Vì sao người bị bắt giữ được quyền im lặng trước Cơ quan điều tra?

Luật sư Nguyễn Hữu Danh: Chúng ta xem những phim hình sự nước ngoài, khi Cảnh sát bắt một người nào đó, Cảnh sát thông báo: “Anh có quyền im lặng cho đến khi có luật sư đến” hoặc “Anh có quyền im lặng, lời nói của anh bây giờ có thể chống lại anh trước Tòa” (đại ý thế). Vì sao người bị bắt được quyền im lặng trước Cảnh sát, Cơ quan điều tra? Trên thực tế, người bị bắt, bị tạm giữ chịu áp lực to lớn trước Cơ quan điều tra, trước điều tra viên có nhiều quyền lực, trong trạng thái tâm lý hoang mang, lo sợ. Những lời khai trong trạng thái tâm lý như vậy dễ dẫn đến “những bằng chứng chống lại mình” hoặc thiếu sót, nhầm lẫn các sự kiện.

Người bị bắt, bị tạm giữ cần “im lặng” cho đến khi có luật sư để ổn định tâm lý, bình tĩnh, nhớ lại các sự việc trước khi khai báo. BLTTHS nước ngoài thường có hai nguyên tắc: Thứ nhất, trước khi án Tòa xử phạt, mọi công dân đều vô tội. Vậy nên, Cảnh sát điều tra phải có thái độ đúng đắn, bình tĩnh, lễ phép đối với người bị bắt, bị tạm giữ, bị cáo. Nguyên tắc thứ hai, nhân chứng phải khai sự thật; bị cáo có quyền nói dối, im lặng. Bổn phận của Cảnh sát điều tra là tìm ra bằng chứng sự không thành thật của bị cáo, hoặc chứng minh bị cáo có tội dù bị cáo im lặng. Đây là nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung”.

“Quyền im lặng” trong tố tụng hình sự

Luật sư Nguyễn Hữu Danh

Công ước dân sự và chính trị của Liên hiệp quốc mà Việt Nam đã gia nhập ngày 24/9/1982, tại Điều 14 khoản 2 Công ước này quy định: Mỗi người đều có quyền đòi hỏi một cách hoàn toàn bình đẳng những bảo đảm tối thiểu sau đây: “Không bị ép buộc phải chứng minh chống lại chính mình hoặc buộc tự thú là mình có tội” và “có đủ thời gian phù hợp và điều kiện thuận tiện để chuẩn bị bào chữa và liên hệ với người bào chữa do chính mình lựa chọn”. Liên hiệp quốc còn có Công ước chống tra tấn, đối xử hoặc hình phạt tàn bạo, vô nhân đạo, ngược đãi. Quyền im lặng của người bị bắt nhằm đảm bảo “Không bị ép buộc phải chứng minh chống lại chính mình hoặc buộc tự thú là mình có tội”.

Trong vụ án MIRANDA năm 1966, theo đó, Tòa án tối cao Hoa Kỳ lập luận rằng: “Khi một cá nhân bị bắt giam hoặc bị cơ quan có thẩm quyền tước quyền tự do theo bất cứ cách nào và bị thẩm vấn thì quyền không phải tự buộc tội mình có nguy cơ bị đe dọa. Vì vậy, những bảo đảm tố tụng phải được áp dụng để bảo vệ cho quyền đó”. Từ đó, lời cảnh báo MIRANDA được phổ biến cho người bị bắt, bị tạm giữ, gồm: (1) Người bị bắt có quyền im lặng. (2) Bất cứ gì mà người bị bắt nói có thể được sử dụng chống lại họ tại Tòa án. (3) Người bị bắt có quyền có sự hiện diện của luật sư. (4) Nếu người bị bắt không có khả năng thuê người bào chữa thì sẽ có người bào chữa chỉ định trước khi tiến hành bất cứ cuộc thẩm vấn nào nếu người bị bắt muốn vậy.

Tóm lại, tố tụng hình sự nước ngoài chấp nhận “quyền im lặng” của người bị bắt để bảo đảm sự bình đẳng và quyền “không tự buộc tội mình” trước Cơ quan điều tra.

PV: Vậy, quyền im lặng giúp cho người bị tạm giữ tránh thiệt hại gì?

Luật sư Nguyễn Hữu Danh: Quyền im lặng giúp cho người dân (người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam) tránh những thiệt hại sau đây:

- Người dân không bị ép buộc phải chứng minh chống lại chính mình hoặc buộc tự thú là mình có tội.

- Người dân không khai báo trong tình trạng hoang mang, lo sợ, dẫn đến thiếu sót, nhầm lẫn. Quyền im lặng giúp người dân có đủ thời gian phù hợp và điều kiện thuận tiện để chuẩn bị bào chữa và liên hệ với người bào chữa do chính mình lựa chọn.

- Người dân có luật sư chứng kiến, sẽ bình tĩnh khai báo, không bị bức cung, nhục hình.

PV: Đối với Cơ quan điều tra, liệu có đồng thuận với quyền này trong bối cảnh hiện nay?

Luật sư Nguyễn Hữu Danh: Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập quốc tế, chúng tôi tin rằng Cơ quan điều tra đồng thuận với quyền im lặng của người dân, bởi lẽ:

1/ Trước hết, “quyền im lặng” là một trong các quyền con người được ghi nhận trong Công ước dân sự và chính trị của Liên hiệp quốc mà Việt Nam đã gia nhập ngày 24/9/1982 nên Việt Nam phải tôn trọng.

2/ Hiến pháp hiện hành (năm 2013) đã có Chương II Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó Điều 20 nêu rõ: “1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể; được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất cứ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. 2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của TAND, quyết định hoặc phê chuẩn của VKSND, trừ trường hợp quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định”.

3/ Cơ quan điều tra phải thực hiện những nguyên tắc của BLTTHS là: “Suy đoán người dân vô tội” và nguyên tắc: “Trọng chứng hơn trọng cung”. Điều tra viên tôn trọng hai nguyên tắc này sẽ không nóng vội, chạy theo thành tích, chỉ tiêu “phá án nhanh” để dùng biện pháp nhục hình, bức cung, làm trái pháp luật, dẫn đến án oan, sai. Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang phát biểu tại Quốc hội ngày 5/6/2015 đã nêu: “Cá biệt còn xảy ra hiện tượng bức cung, nhục hình, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng, gây bức xúc trong dư luận” (Báo Thanh niên số thứ Bảy ngày 6/6/2015).

“Quyền im lặng” của người dân (bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam) được tôn trọng sẽ giúp Cơ quan điều tra hạn chế việc dùng nhục hình, bức cung; tránh việc oan sai cho người dân.

PV: Dưới góc độ luật sư, khi bào chữa cho các bị can đã qua giai đoạn điều tra, xét hỏi, nếu luật sư nhận thấy bản cáo trạng có dấu hiệu bức cung, mớm cung thì luật sư có ý kiến gì?

Luật sư Nguyễn Hữu Danh: Điều 166 BLTTHS quy định: Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng, Viện kiểm sát phải thông báo cho bị can, người bào chữa biết, giao bản cáo trạng. Người bào chữa được đọc bản cáo trạng, ghi chép, sao chụp những tài liệu, hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa theo quy định của pháp luật và đề xuất yêu cầu. Căn cứ Điều 166 BLTTHS quy định nói trên, luật sư phát hiện bản cáo trạng có dấu hiệu bức cung, mớm cung, luật sư có quyền yêu cầu Viện kiểm sát xem xét lại nội dung bản cáo trạng, đề xuất cho điều tra bổ sung. Tuy nhiên, về thực tiễn, Viện kiểm sát thường không giải quyết yêu cầu của luật sư, với lý do, hồ sơ phải chuyển cho Tòa án theo đúng thời hạn luật định(?).

Các bộ luật, luật của nước ta nói chung, BLTTHS nói riêng, không quy định chế tài đối với các cơ quan, người có thẩm quyền không thực hiện quy định của luật. Chúng tôi đề nghị Quốc hội đang chuẩn bị sửa đổi BLTTHS, cần bổ sung các biện pháp chế tài đối với cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền không thực hiện những quy định có trong luật như: Luật sư đề xuất yêu cầu theo Điều 166 BLTTHS, Viện kiểm sát không trả lời đề xuất của luật sư thì Viện trưởng Viện kiểm sát phải chịu kỷ luật, hoặc bị truy cứu hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285 BLHS) nếu việc bức cung là có thật, dẫn đến oan, sai cho người bị bức cung.

PV: Xin cảm ơn ông! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Quyền im lặng” trong tố tụng hình sự