Nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Tòa án Môi trường để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn

Trần Minh Giang| 24/11/2015 23:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, Việt Nam đang sửa đổi các quy phạm pháp luật trong Luật Bảo vệ môi trường, BLHS theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng.

Bên cạnh đó, TANDTC đang tiến hành nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Tòa án Môi trường là một Tòa chuyên trách riêng nhằm hướng tới sự chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Xét xử các vụ việc liên quan đến môi trường

Sau một thời gian dài thực hiện những chiến lược về kinh tế, Việt Nam đang trở thành một trong những nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh, mạnh trong khu vực. Tuy nhiên, hệ quả của việc phát triển kinh tế ồ ạt là tình trạng môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Nhận thức được vấn đề đó, Nhà nước ta đã sử dụng nhiều biện pháp, công cụ khác nhau, trong đó có việc hoàn thiện các quy định pháp luật về môi trường, tăng cường các cơ quan thực thi, bảo vệ pháp luật về môi trường. Các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường được quy định trong Hiến pháp, Luật Bảo vệ môi trường, BLHS, BLDS, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Khoáng sản, Luật Đa dạng sinh học... và rất nhiều các văn bản dưới luật khác...

Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật môi trường mà người vi phạm có thể bị xử lý bằng chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự. Trường hợp có tranh chấp xảy ra thì giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự hoặc tố tụng hành chính tại Tòa án. Thực tiễn là các quy định của pháp luật về môi trường đã dự liệu nhiều tình huống pháp luật có thể xảy ra trong thực tế và cách thức xử lý những tình huống đó. Tuy nhiên, các hành vi hủy hoại môi trường đã đặt ra nhiều tình huống mà các chuyên gia pháp luật về môi trường chưa dự liệu được, do đó việc giải quyết vấn đề này còn nhiều nội dung chưa phù hợp.

Tại Chương XVII của BLHS hiện hành quy định 11 tội danh trong phần tội phạm về môi trường; tuy nhiên, từ ngày 1/1/2012 đến nay, toàn hệ thống TAND chỉ thụ lý và xét xử chủ yếu 3 loại tội danh về môi trường, gồm: Tội hủy hoại rừng (Điều 189); Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ (Điều 190); Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 191). Trong 4 năm qua, TAND các cấp chỉ xét xử hình sự gần 1000 vụ án về môi trường, còn những vụ án dân sự xét xử về môi trưởng chủ yếu dựa vào các quy định của BLDS, Luật Bảo vệ môi trường và các quy định khác có liên quan. Ngoài ra, có một số vụ án về môi trường được xét xử theo quy định của Luật TTHC.

Nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Tòa án Môi trường để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn

TANDTC Việt Nam tổ chức Hội nghị bàn tròn Chánh án các nước ASEAN lần thứ 4 về vai trò của Tòa án trong bảo vệ môi trường

Việc xử lý hành vi vi phạm về môi trường đã được pháp luật quy định cả về nội dung và cách thức xử lý, nhưng do những đặc thù riêng của các vi phạm về môi trường nên việc xử lý các vi phạm này thường rất khó và phức tạp, đòi hỏi cán bộ phải có năng lực chuyên môn; hệ thống Tòa án phải có những thay đổi đặc thù cho phù hợp. Trong quá trình xét xử, nhiều Tòa án phát hiện các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường; Luật Bảo vệ rừng, BLDS, BLHS và các văn bản hướng dẫn còn có những quy định chưa đầy đủ nên số lượng các loại án về môi trường được giải quyết tại Tòa án chưa nhiều so với vi phạm pháp luật môi trường xảy ra trên thực tế, vì vậy sự răn đe cần thiết đối với các hành vi vi phạm về môi trường còn hạn chế.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về môi trường cho cán bộ Tòa án

Học viện Tòa án là cơ sở đào tạo duy nhất của hệ thống TAND thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên và các chức danh tư pháp khác của Tòa án. Do các vụ việc về môi trường là một vấn đề mới nên luôn nhận được sự quan tâm của Thẩm phán và cán bộ Tòa án trong quá trình giải quyết các loại án này. Trong các khóa đào tạo, bồi dưỡng, Học viện Tòa án đều sắp xếp nội dung xét xử về môi trường thành từng chuyên đề riêng biệt như: Chuyên đề kỹ năng xét xử các tội phạm về môi trường hoặc xây dựng lồng ghép vào các chuyên đề khác có liên quan như: Chuyên đề bồi thường thiệt hại trong dân sự...

Quá trình giảng dạy, Học viện Tòa án luôn sắp xếp một thời lượng nhất định để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử các loại án trong lĩnh vực môi trường; đội ngũ giảng viên luôn lồng ghép các vấn đề thực tiễn, kinh nghiệm giải quyết các vụ án về môi trường. Các giảng viên tham gia giảng dạy chủ yếu là những Thẩm phán có chất lượng giải quyết các loại án và có nhiều kinh nghiệm xét xử. Bên cạnh đó, Học viện Tòa án đã có sự hợp tác chặt chẽ với tổ chức KOICA (Hàn Quốc) và các chuyên gia trong hoạt động xét xử về lĩnh vực môi trường của các nước trong khu vực ASEAN để tổ chức những khóa đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực môi trường cho các Thẩm phán, tiến tới xây dựng chương trình đào tạo Thẩm phán chuyên biệt giải quyết án về môi trường.

Hiện nay, vấn đề môi trường đã trở nên hết sức nóng bỏng và có tính toàn cầu. Việt Nam cũng đang phải đương đầu với nhiều vấn đề nghiêm trọng như nạn phá rừng, xói mòn đất, việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên ven biển, đe dọa tới các hệ sinh thái và sự cạn kiệt nguồn gen và hàng loạt vấn đề khác. Chính vì vậy Việt Nam đang sửa đổi các quy phạm pháp luật trong Luật Bảo vệ môi trường, BLHS theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng theo kịp sự phát triển của thực tế và hội nhập quốc tế; quy định thêm pháp nhân là chủ thể của tội phạm môi trường, bổ sung thêm tội danh và quy định hình phạt nghiêm khắc hơn đối với một số tội phạm về môi trường.

Để phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, thực hiện sự phân công của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, TANDTC đang tiến hành nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Tòa án Môi trường là một Tòa chuyên trách riêng nhằm hướng tới sự chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Đây là bước đi cụ thể để thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường đã được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với mô hình tổ chức Tòa án của nhiều nước trên thế giới.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Tòa án Môi trường để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn