Hoàn thiện các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình

Phương Nam| 07/11/2019 07:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 05 năm triển khai thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, trên cơ sở kết quả giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình tại tòa án các cấp

Sau 05 năm triển khai thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, trên cơ sở kết quả giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình tại tòa án các cấp, TANDTC đánh giá về kết quả đã đạt được, những hạn chế, vướng mắc và đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của Luật.

Theo thống kê (từ ngày 01/01/2015 đến ngày 31/12/2018), về thụ lý, giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình, số vụ án đã giải quyết/tổng số vụ án thụ lý theo thủ tục sơ thẩm: 838.186/940.578 vụ. Số vụ án đã giải quyết/tổng số vụ án thụ lý theo thủ tục phúc thẩm: 9.004/10.555 vụ. Số vụ án đã xét xử/tổng số vụ án phải giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm: 217/286 vụ.

Thực tế cho thấy, các vụ việc về hôn nhân và gia đình ngày càng tăng về số lượng cũng như mức độ phức tạp, gay gắt. Các vụ việc ly hôn có xu hướng diễn ra ở các cặp vợ chồng trẻ (độ tuổi từ 28-35), thời gian kết hôn ngắn. Tính chất gay gắt, phức tạp chủ yếu liên quan đến các tranh chấp về tài sản chung – riêng như bất động sản, cổ phần, cổ phiếu trong các công ty,… hoặc về con chung, mức độ cấp dưỡng. Các tranh chấp về hôn nhân và gia đình có nguyên nhân chủ yếu do bất đồng về quan điểm, lối sống, khó khăn về kinh tế hoặc vì lý do một bên ngoại tình, không quan tâm chăm sóc bên còn lại hoặc con cái…

TANDTC đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật và áp dụng pháp luật trong quá trình thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và các văn bản quy định chi tiết.

Về quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn: Theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình, vợ hoặc chồng bị tâm thần thì cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người bệnh có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự chỉ quy định là người mất năng lực hành vi hoặc người hạn chế năng lực hành vi dân sự và người có khó khăn về nhận thức và làm chủ hành vi (các Điều 22, 23, 24 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Nếu bị đơn là người bị bệnh tâm thần không nhận thức được hành vi thì có giải quyết cho họ ly hôn không? Đối với vấn đề này, Luật Hôn nhân và gia đình không quy định và cho đến nay chưa có văn bản nào hướng dẫn.

Khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Chồng không có quyền ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai …”. Trên thực tế phát sinh tình huống ông A và bà B có đăng ký kết hôn, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn và đã sống ly thân nhiều năm. Bà B chung sống với người khác và hiện đang mang thai với người khác. Ông A có đủ căn cứ để chứng minh đó là con người khác nhưng khi ông A yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn với bà B thì Luật Hôn nhân và gia đình lại quy định ông A không được quyền khởi kiện và Tòa án trả lại đơn khởi kiện (Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự). Điều này đã hạn chế quyền ly hôn của họ khi mục đích của hôn nhân không đạt được.

Khó khăn trong việc đánh giá tình trạng trầm trọng của hôn nhân trong trường hợp ly hôn theo yêu cầu của vợ hoặc chồng: Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”.

Đây là một quy định mới, mang tính khái quát cao. Tuy nhiên, khi giải quyết các trường hợp cụ thể, không có căn cứ rõ ràng để xác định thế nào là “làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được”, thế nào là hành vi “vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ chồng”. Do vậy, việc xem xét, đánh giá căn cứ trên là rất khó khăn. Thực tế có nhiều vụ việc đương sự chỉ khai là có mâu thuẫn. Nhưng khi tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan, không ai biết về mâu thuẫn của vợ chồng và đương sự cũng không nhờ chính quyền can thiệp, không trình báo nên cũng không có cơ sở để đánh giá.

Trường hợp vợ, chồng đã ly thân trên thực tế: Luật Hôn nhân và gia đình không quy định ly thân là căn cứ cho ly hôn mặc dù việc ly thân là một trong những biểu hiện của mâu thuẫn vợ chồng nên để giải quyết cho ly hôn Tòa án lại phải thu thập chứng cứ xác định nguyên nhân ly thân, mâu thuẫn vợ chồng đã đến mức trầm trọng hay chưa? Ly thân có phải là mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng hay không. Mặt khác, thời gian ly thân bao lâu thì được coi là mâu thuẫn trầm trọng để giải quyết ly hôn? Thực tiễn xét xử, các Tòa án thường đánh giá ly thân là căn cứ để giải quyết cho ly hôn.

Trường hợp vợ hoặc chồng ly hôn với chồng hoặc vợ đang chấp hành án phạt tù: Luật Hôn nhân và gia đình chưa quy định trường hợp vợ hoặc chồng đang chấp hành án phạt tù là căn cứ cho ly hôn. Vì vậy, trường hợp vợ hoặc chồng xin ly hôn với chồng hoặc vợ đang chấp hành án phạt tù thì không đủ cơ sở giải quyết cho ly hôn. Điều này đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người đề nghị giải quyết cho ly hôn.

Thực tế hiện nay, có nhiều đơn yêu cầu ly hôn của một bên đối với người đang bị truy nã do vi phạm pháp luật, người bị kiện không có mặt tại địa phương mà cũng không rõ tung tích nên cũng khó khăn trong việc xác định mâu thuẫn vợ chồng nên cần hướng dẫn cụ thể trường hợp này.

Trường hợp bị đơn có dấu hiệu bị hạn chế về năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự: Trong vụ án ly hôn mà bị đơn có dấu hiệu bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự, Tòa án phải yêu cầu nguyên đơn hoặc người thân của bị đơn đưa bị đơn đi giám định. Sau khi có kết quả giám định của cơ quan có thẩm quyền xác định người bị đơn hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự, người yêu cầu xin ly hôn phải có đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố bị đơn bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự, sau đó mới giải quyết cho họ được ly hôn. Việc làm này kéo dài thời gian giải quyết vụ án, nhất là trong trường hợp những người này cố tình không đưa người có dấu hiệu hạn chế về năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự đi giám định.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình