Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi): Nên quy định rõ ràng về ủy quyền và biện pháp bảo đảm thi hành án

Tống Toàn| 23/08/2015 16:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 4 năm thi hành, Luật Tố tụng hành chính xuất hiện nhiều tồn tại khiến cho công tác xét xử và thi hành án án hành chính gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là vấn đề được quan tâm, xem xét trong Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải quyết còn chậm

Qua thực tiễn thực hiện Luật Tố tụng hành chính đã có nhiều vướng mắc về thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết các khiếu kiện về hành chính của UBND và Chủ tịch UBND cấp huyện. Về phân định thẩm quyền của TAND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, dự thảo luật quy định mở rộng thẩm quyền cho TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét xử các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện. Quy định này được coi là cần thiết và phù hợp. Qua thực tế giao cho Tòa án cấp huyện giải quyết những quyết định loại này thấy đều bị cấp phúc thẩm sửa, hủy để giải quyết lại. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng đó là các quyết định liên quan đến đất đai đều là loại việc khó, phức tạp. Trong khi đó, Thẩm phán Tòa án cấp huyện lại không có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu và Tòa Hành chính là Tòa chuyên trách giải quyết xét xử các loại án này nhưng theo Luật Tổ chức TAND năm 2014, Tòa Hành chính chỉ có ở TAND cấp tỉnh và TAND cấp cao, Tòa án cấp huyện không có.

Thực tế thời gian qua, các vụ án hành chính phải kéo dài gây bức xúc cho người dân, nguyên nhân chính phải kể đến là do người đại diện không đủ thẩm quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện. Trong thực tiễn, có nhiều vụ án hành chính khi đang còn xét xử, người đại diện phải đề nghị Tòa ngưng để về xin ý kiến của người có thẩm quyền, sau đó mới quay trở lại, như thế vụ án kéo dài và người khởi kiện thường là người dân rất bức xúc, không đồng tình với những việc ủy quyền như thế này.

Vì người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi tham gia tố tụng hành chính thường ủy quyền cho những người không có quyền quyết định, chỉ đến nghe và về báo cáo lại làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải quyết các vụ án hành chính. Tuy nhiên, nếu không quy định ủy quyền thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức sẽ không đủ thời gian cho việc tham gia tố tụng nên dự thảo quy định: "Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu thì được ủy quyền. Người được ủy quyền xử lý đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện là phù hợp. Người được ủy quyền phải là người có thẩm quyền giải quyết những việc có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện, phải thực hiện toàn bộ quyền và nghĩa vụ của người ủy quyền".

Đề cập vấn đề này, ông Phạm Văn Hà, Chánh án TAND tỉnh Nghệ An cho rằng, người được ủy quyền không có quyền quyết định, chỉ đến nghe và về báo cáo lại làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ giải quyết các vụ án hành chính. Ông Hà ủng hộ thủ tục rút gọn, bởi lẽ, những người có quyền, lợi ích bị xâm hại khi gửi đơn khiếu kiện hành chính đến Tòa án đề nghị giải quyết đều mong muốn được giải quyết nhanh chóng, càng sớm, càng tốt và người bị kiện cần giải quyết nhanh để tập trung chuyên môn của mình. Cho nên thủ tục rút gọn trong tố tụng hành chính là yêu cầu khách quan để Tòa án có thể nhanh chóng giải quyết vụ án hành chính, bảo đảm quyền, lợi ích cho các bên đương sự. Việc áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết án kiện hành chính sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án, tạo cơ sở pháp lý để Tòa án xử lý, hoặc giải quyết nhanh chóng các vi phạm trong xã hội, giảm thời gian, vật chất cho hoạt động của Tòa án cũng như các bên đương sự tới Tòa án. Đồng thời, việc này sẽ ngăn chặn, hạn chế tiêu cực khác nảy sinh, góp phần ổn định xã hội.

Cần xử lý nếu cố tình không thi hành án hành chính

Điều 54 Luật Tố tụng hành chính hiện hành cho phép đương sự được ủy quyền, do đó một số thủ trưởng cơ quan Nhà nước bị kiện ra Tòa án hành chính không trực tiếp tham gia tố tụng mà ủy quyền cho cấp dưới đến Tòa án tham gia tố tụng. Vì vậy, người được ủy quyền không xác định được quyền và nghĩa vụ của mình mà chỉ đến Tòa án cho có lệ, nên thái độ đôi lúc không hợp tác khai báo, không cung cấp chứng cứ cần thiết, đồng thời cũng không có thẩm quyền quyết định dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian xét xử, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến án quá hạn luật định v.v...

Để khắc phục tình trạng ủy quyền tùy tiện như thời gian qua, ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách TP. Đà Nẵng khóa XIII; Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị luật cần quy định chặt chẽ theo hướng "Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước chỉ được ủy quyền cho cấp phó có liên quan đến lĩnh vực khởi kiện, có chức năng quản lý về lĩnh vực mà người dân khởi kiện. Riêng đối với UBND các cấp thì Chủ tịch UBND chỉ được ủy quyền cho Phó Chủ tịch hoặc ủy viên UBND cùng cấp". Đồng thời, cần quy định chế tài đối với người tham gia tố tụng không chịu hợp tác, gây khó khăn, làm cho việc giải quyết vụ án hành chính của Tòa án kéo dài, quá hạn luật định. Đây là vấn đề cốt lõi, thể hiện sự công bằng giữa bên khởi kiện là người dân và bên bị kiện là đại diện cho Nhà nước đã ra Tòa là có quyền và nghĩa vụ ngang nhau.

Thủ tục thi hành án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính là vấn đề cực kỳ quan trọng, là thước đo đánh giá tính nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả trên thực tế của bản án, quyết định hành chính của Tòa án. Tuy nhiên, thời gian qua việc thi hành bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật trở nên vô cùng khó khăn, đặc biệt khi Tòa án tuyên hủy quyết định hành chính.

Thực tế cho thấy việc thi hành án hành chính chưa có luật quy định, chưa xác định được trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự nên trường hợp án có hiệu lực mà người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước không tự nguyện thi hành thì cơ quan thi hành án dân sự cũng không đủ cam đảm để thực hiện cưỡng chế thi hành. Đồng thời, hiện nay ở địa phương, thường Chủ tịch UBND là Trưởng ban chỉ đạo thi hành án dân sự. Nếu UBND cùng cấp phải thi hành bản án thì tất yếu dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Do đó, người dân dù có thắng kiện cũng khó được đảm bảo quyền lợi theo đúng bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên và lại gửi đơn kêu cứu khắp nơi, gây mất lòng tin vào cán cân công lý.

Theo ông Huỳnh Nghĩa, vấn đề thi hành án trọng như vậy nhưng Chương XIX dự thảo luật quy định về thủ tục thi hành bản án, quyết định hành chính của Tòa án lại chưa chặt chẽ, đủ mạnh, chưa đảm bảo tính khả thi trên thực tế. Vì vậy, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát quy định ngay vào luật, biện pháp cụ thể mang tính bắt buộc để đảm bảo thi hành bản án, quyết định hành chính của Tòa án, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan Nhà nước bắt buộc phải thi hành, kể cả phải chịu trách nhiệm hình thức kỷ luật, cách chức, cho thôi việc hoặc xử lý hình sự nếu cố tình không thi hành án. Có như vậy mới góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhân, tổ chức, bảo đảm kỷ cương, phép nước.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi): Nên quy định rõ ràng về ủy quyền và biện pháp bảo đảm thi hành án