Dự thảo BLHS (sửa đổi): Cần biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với trẻ vị thành niên phạm tội

Quốc Huy| 29/08/2015 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với quan điểm nhất quán trong chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, dự thảo BLHS (sửa đổi) lần này tiếp tục có những sửa đổi liên quan đến đường lối xử lý người chưa thành niên phạm tội.

Mục đích nhằm “đảm bảo lợi ích tốt nhất, giúp họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh trở thành công dân có ích cho xã hội”. Trong đó, phương án các biện pháp thay thế xử lý hình sự đang là nội dung được quan tâm.

Nên giáo dục thay trừng trị

Thực tế hiện nay tình trạng trẻ em phạm tội đang gia tăng và trẻ hóa, thực sự trở thành mối lo ngại đối với toàn xã hội. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm trên toàn quốc có 10.000 vụ tội phạm hình sự do trên 15.000 trẻ em gây ra. Năm 2014, riêng trẻ em dưới 14 tuổi có 7.000 vụ vi phạm, chiếm đến 70% tội phạm vị thành niên dưới 18 tuổi. Trong đó phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và nghiêm trọng chiếm 72,6%. Do vậy, việc quy định cụ thể về trách nhiệm hình sự đối với nhóm tội phạm này như thế nào để cải thiện tình trạng này là điều hết sức quan trọng.

Dự thảo Bộ luật khi đưa ra trình Quốc hội đã có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Nhiều ý kiến tán thành việc quy định các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thanh niên phạm tội để tiếp tục thực hiện chủ trương nhân đạo hóa, tăng tính hướng thiện trong chính sách xử lý hình sự hiện nay. Song, quan điểm thứ hai cho rằng nên giữ nguyên như quy định tại khoản 2 Điều 69 BLHS hiện hành đồng thời quy định cụ thể các điều kiện để được miễm trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, giúp cơ quan tố tụng có cơ sở pháp lý rõ ràng, đầy đủ để áp dụng trên thực tế.

Dự thảo BLHS (sửa đổi): Cần biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với trẻ vị thành niên phạm tội

Vụ án Lê Văn Luyện, một trẻ vị thành niên phạm tội gây nhức nhối dư luận

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, với định hướng sửa đổi BLHS theo chủ trương nhân đạo hóa, tăng tính hướng thiện trong đường lối xử lý đặc biệt là đối với nhóm đối tượng là người chưa thành niên phạm tội sẽ giúp cải thiện tình hình hiện nay. Đây là những người chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như về tâm, sinh lý; khả năng nhận thức còn nhiều hạn chế, thiếu kinh nghiệm sống, thiếu những điều kiện về bản lĩnh tự lập, thiếu khả năng tự kiềm chế và dễ bị kích động, lôi kéo, dụ dỗ… Vì vậy, cần tạo điều kiện để họ có cơ hội khắc phục, sửa chữa sai lầm mà hạn chế khả năng bị đưa vào vòng quay tố tụng.

PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQSTW cũng đồng tình với quan điểm khi cho rằng với lứa tuổi mà tâm sinh lý đang phát triển và chưa ổn định, nếu chúng ta không cân nhắc đến các biện pháp hướng thiện không cẩn thận sẽ làm hỏng cả một thế hệ. Bên cạnh đó, cần phải cân nhắc xu hướng đề cao việc bảo vệ lợi ích của người chưa thành niên trong mối tương quan với đảm bảo tính hiệu quả của công tác giáo dục, phòng ngừa tội phạm nói chung, người chưa thành niên phạm tội nói riêng.

Có nên dùng biện pháp thay thế hình sự?

Theo bà Nguyễn Ngọc Mai (Viện Nhà nước & Pháp luật), trong dự thảo Bộ luật phạm vi cho phép áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự (phương án 1) hoặc miễn trách nhiệm hình sự và giao cho gia đình, cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục (phương án 2) cả đối với tội rất nghiêm trọng như quy định tại khoản 2 Điều 89 là quá rộng. Điều đó có thể sẽ dẫn đến việc không đảm bảo được tính hiệu quả trong giáo dục, phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội mà ngược lại còn tạo điều kiện để người chưa thành niên có cơ hội trốn tránh trách nhiệm hình sự đối với những hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện.

Do vậy, cần giới hạn phạm vi áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng hoặc tội rất nghiêm trọng do vô ý. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng nên không nhất thiết phải quy định biện pháp thay thế xử lý hình sự cho các đối tượng này.

Và, để đảm bảo lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên phạm tội thì khoản 3 điều 69 BLHS hiện hành quy định theo hướng: “Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội nếu xét thấy việc áp dụng một trong các biện pháp tư pháp không đảm bảo hiệu quả giáo dục, phòng ngừa”.

Thứ hai, chính sách hình sự nói chung, chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội nói riêng trước hết thể hiện thông qua hoạt động lập pháp tức là bằng việc quy định tội phạm và sử dụng hình phạt. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó mà chính sách hình sự phải được tiếp nối và cụ thể hóa trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Điều này đòi hỏi trong quá trình xử lý và áp dụng biện pháp hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, những người tiến hành tố tụng phải cân nhắc thận trọng để bảo đảm được mục đích giáo dục, uốn nắn, răn đe các hành vi lệch lạc, làm cho người chưa thành niên thấy rõ những sai phạm của mình và tự giác sửa chữa với sự giúp đỡ của gia đình, nhà trường và xã hội.

Với quy định tại khoản 2 Điều 69 BLHS hiện hành: “Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục” thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã có cơ sở để thực hiện việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Hay như các quy định về biện pháp tư pháp cũng vậy. Khoản 4 Điều 69 BLHS hiện hành quy định: “Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thì Tòa án áp dụng một trong các biện pháp tư pháp được quy định tại Điều 70 của Bộ luật này”.

Thứ ba, theo quy định của dự thảo, các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội bao gồm: Khiển trách; hòa giải tại cộng đồng; giám sát giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức.

Dự thảo cũng đã quy định cụ thể các điều kiện áp dụng, nghĩa vụ của người chưa thành niên phạm tội khi áp dụng biện pháp xử lý thay thế hình sự. Tuy nhiên, trong trường hợp người chưa thành niên phạm tội được áp dụng biện pháp thay thế xử lý hình sự nhưng vẫn tái phạm, sẽ bị đối xử như thế nào thì hiện nay dự thảo vẫn chưa quy định. Do vậy, cần nghiên cứu quy định cụ thể vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo BLHS (sửa đổi): Cần biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với trẻ vị thành niên phạm tội