Chế định bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án tối cao một số nước trên thế giới (kỳ 2)

Trương Hòa Bình (Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC)| 27/09/2014 08:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Như Báo Công lý đã đăng bài đề cập quy trình bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án tối cao tại Cộng hòa Pháp và Liên bang Đức. Bài viết này tiếp tục đề cập quy trình bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án tối cao tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan.

3. NHẬT BẢN

Toà án tối cao gồm Chánh án và 14 Thẩm phán, được chia thành 3 Hội đồng xét xử, mỗi Hội đồng gồm 5 Thẩm phán. Để giúp các Thẩm phán Toà án tối cao trong công tác xét xử có khoảng 30 chosakan là những Thẩm phán Toà án địa phương cấp tỉnh ưu tú, có kinh nghiệm được luân chuyển đến Toà án tối cao.

Quy trình bổ nhiệm:

• Chánh án Toà án tối cao do Hoàng đế bổ nhiệm theo đề nghị của Nội các. Thẩm phán Toà án tối cao do Nội các bổ nhiệm và Hoàng đế phê chuẩn. Chánh án Toà án tối cao ngang cấp với Thủ tướng, Thẩm phán Toà án tối cao ngang cấp với Bộ trưởng, Tổng Công tố (tương đương Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam).

Thẩm phán Toà án tối cao là những người có tầm hiểu biết rộng, có kiến thức sâu về pháp luật và từ 40 tuổi trở lên. Trong số 15 Thẩm phán Toà án tối cao thì ít nhất phải có 10 Thẩm phán được chọn trong số các Thẩm phán, Công tố viên, Luật sư, Giáo sư, Phó Giáo sư xuất sắc trong các khoa luật. Những Thẩm phán còn lại không nhất thiết phải là luật gia*. 

Chế định bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án tối cao một số nước trên thế giới (kỳ 2)

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo TATC Nhật Bản

Thẩm phán Tòa án tối cao do Nội các bổ nhiệm. Khi có Thẩm phán về hưu, Chánh án sẽ thông báo cho Nội các ứng cử viên thay thế. Thẩm phán các Tòa án cấp dưới cũng do Nội các bổ nhiệm, căn cứ vào danh sách chỉ định của Tòa án tối cao. Nói cách khác, việc bổ nhiệm Thẩm phán chính là do Tòa án tối cao quyết định, Nội các chỉ hợp thức hóa bằng việc bổ nhiệm. Thẩm phán được bổ nhiệm nhiệm kỳ 10 năm. Đối với Thẩm phán Tòa án tối cao, nếu người dân không đồng ý với một Thẩm phán nào đó ngay sau khi bổ nhiệm, thì có thể bỏ phiếu miễn nhiệm Thẩm phán dưới hình thức bỏ phiếu bất tín nhiệm của toàn dân (hơn 50% phản đối). Trên thực tế, chưa có Thẩm phán Tòa án tối cao nào bị miễn nhiệm dưới hình thức này.

Nhiệm kỳ: Thẩm phán Toà án tối cao nghỉ hưu ở tuổi 70.

4. HÀN QUỐC

Toà án tối cao gồm Chánh án và 13 Thẩm phán, trong đó một Thẩm phán làm Bộ trưởng Bộ Quản lý Toà án quốc gia. Thẩm phán này không có chức năng xét xử. Do đó, chỉ có Chánh án và 12 Thẩm phán thực hiện chức năng xét xử, 12 Thẩm phán chia thành 3 Hội đồng xét xử.

Giúp việc cho các Thẩm phán Toà án tối cao trong hoạt động xét xử là các Thẩm phán giỏi của Toà án cấp dưới được tuyển chọn làm việc luân phiên tại Toà án tối cao.

Quy trình bổ nhiệm:

Chánh án Toà án tối cao do Tổng thống bổ nhiệm với sự đồng ý của Quốc hội. Các Thẩm phán Toà án tối cao do Chánh án Toà án tối cao đề nghị Tổng thống bổ nhiệm với sự đồng ý của Quốc hội.

Để bổ nhiệm Thẩm phán Toà án tối cao, Ban tư vấn về bổ nhiệm Thẩm phán Toà án tối cao được thành lập và nằm trong Toà án tối cao. Ban có 6 đến 8 thành viên, gồm: Chánh án Toà án tối cao nhiệm kỳ trước, một Thẩm phán có vị trí cao nhất trong số các Thẩm phán hiện có của Toà án tối cao, Bộ trưởng Bộ Quản lý Toà án quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Hàn Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Giáo sư luật Hàn Quốc và 2 thành viên bổ sung do Chánh án Toà án tối cao bổ nhiệm nếu thấy cần thiết. Ban tư vấn sẽ có ý kiến về các ứng viên Thẩm phán Toà án tối cao, nhưng những ý kiến này không có giá trị ràng buộc Chánh án Toà án tối cao trong việc đề nghị Tổng thống bổ nhiệm.

Nhiệm kỳ: Nhiệm kỳ của Chánh án và Thẩm phán Toà án tối cao là 6 năm. Giới hạn tuổi của Chánh án Toà án tối cao là 70 và không được đảm nhiệm 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Thẩm phán Toà án tối cao ở tuổi 65 có thể được tái bổ nhiệm thêm một nhiệm kỳ.

5. INDONESIA

Toà án tối cao có 51 Thẩm phán trong đó có một Chánh án và một Phó Chánh án; được chia thành 8 Toà mỗi Toà 6 Thẩm phán, do một Thẩm phán có thâm niên cao nhất làm Chánh toà.

Quy trình bổ nhiệm:

Thẩm phán Toà án tối cao do Tổng thống bổ nhiệm trong số các ứng viên do Nghị viện quốc gia đề nghị. Những ứng viên này do Nghị viện quốc gia lựa chọn trong số các ứng viên do Uỷ ban tư pháp đề xuất.

Uỷ ban Tư pháp Indonesia được thành lập và bắt đầu hoạt động từ năm 2005. Điều 24B Hiến pháp hiện hành quy định:

1. Uỷ ban Tư pháp hoạt động độc lập và có quyền đề xuất việc bổ nhiệm Thẩm phán Toà án tối cao. Uỷ ban Tư pháp có các quyền khác liên quan đến việc bảo đảm và bảo vệ danh dự, phẩm giá và tư cách (tốt) của các Thẩm phán.

2. Thành viên Uỷ ban Tư pháp phải có kiến thức và kinh nghiệm về pháp luật, có tính chính trực và nhân cách hoàn hảo.

3. Thành viên của Uỷ ban Tư pháp do Tổng thống bổ nhiệm và bãi nhiệm với sự chấp thuận của Nghị viện quốc gia.

4. Thành phần, chức vụ và tư cách thành viên của Uỷ ban Tư pháp do luật điều chỉnh.

Luật số 22 năm 2004 về Uỷ ban Tư pháp xác định Uỷ ban có 7 thành viên lấy từ đội ngũ các cựu Thẩm phán, luật sư, giảng viên luật và thành viên cộng đồng. Trong đó có một Chủ tịch và một Phó Chủ tịch do các thành viên khác bầu chọn.

Chánh án, Phó Chánh án Toà án tối cao do các Thẩm phán Toà án tối cao bầu chọn và Tổng thống bổ nhiệm. Chánh toà các Toà (8 Toà) của Toà án tối cao do Tổng thống bổ nhiệm trong số các Thẩm phán Toà án tối cao theo đề nghị của Chánh án Toà án tối cao.

Nhiệm kỳ: Các Thẩm phán được bổ nhiệm cho đến tuổi về hưu. Thẩm phán Toà án tối cao về hưu ở tuổi 70.

 6. THÁI LAN

Toà án tối cao bao gồm Chánh án, tối đa 6 Phó Chánh án, Thư ký và một số Thẩm phán. Chánh án Toà án tối cao cũng là người đứng đầu các Toà án Công lý. Hội đồng xét xử của Toà án tối cao có ít nhất 3 Thẩm phán.

Quy trình bổ nhiệm:

Thẩm phán chuyên nghiệp được Hội đồng tư pháp tuyển dụng và được Quốc vương bổ nhiệm. Ngoài những tiêu chuẩn nhất định như có quốc tịch Thái Lan, ít nhất 25 tuổi, đã vượt qua kỳ thi của Hiệp hội luật sư Thái Lan để trở thành luật sư bào chữa, và có ít nhất hai năm kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật, thì ứng viên phải thi đỗ kỳ thi mang tính cạnh tranh rất cao do Hội đồng tư pháp tổ chức. Khi được tuyển dụng, họ phải được đào tạo nghề Thẩm phán ít nhất một năm. Những ứng viên đã hoàn thành khoá học đạt kết quả sẽ được Hội đồng tư pháp phê chuẩn và đệ trình Quốc vương để bổ nhiệm là Thẩm phán mới vào nghề (Thẩm phán ít kinh nghiệm). Việc tuyên thệ long trọng trước Quốc vương là một yêu cầu bắt buộc trước khi đảm nhận trọng trách Thẩm phán.

Theo các quy định của Luật bổ nhiệm và giữ vị trí Thẩm phán cao cấp, thì Thẩm phán có thể là Thẩm phán cao cấp khi họ ít nhất 60 tuổi và đã phục vụ trong ngành Toà án ít nhất 20 năm và cũng đã vượt qua được việc đánh giá về sự phù hợp trong công việc. Một Thẩm phán đạt tiêu chuẩn và mong muốn trở thành Thẩm phán cao cấp phải thể hiện ý định của mình bằng văn bản gửi cho Chánh án Toà án tối cao.

Thẩm phán cao cấp không thể được bổ nhiệm giữ chức vụ hành chính của Toà án, như chức vụ Chánh án hoặc thậm chí thực hiện nhiệm vụ như một Chánh án. Hơn nữa, Thẩm phán cao cấp bị cấm được bầu để trở thành Uỷ viên của Hội đồng tư pháp hoặc Uỷ ban hành chính tư pháp, nhưng có quyền bỏ phiếu trong việc bầu các Uỷ viên đó.

Nhiệm kỳ: Thẩm phán cao cấp đảm nhiệm công việc của Thẩm phán cho đến khi họ 70 tuổi.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chế định bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án tối cao một số nước trên thế giới (kỳ 2)