Những nội dung của Hiến pháp năm 2013 cần được thể chế hóa trong Luật TTHC (sửa đổi) - Kỳ 2

Minh Khuê- Hà Ngân| 05/11/2014 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong kỳ trước, tác giả đã đề cập các nội dung mà Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi, bổ sung) cần phải thể chế hóa để phù hợp với Hiến pháp 2013. Trong số báo này, bài báo tiếp tục nêu các nội dung tiếp theo.

b, Đối với nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”

Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất nhằm bảo đảm cho công tác xét xử của các cấp Tòa án đúng pháp luật, bảo vệ công lý, công bằng xã hội. Nguyên tắc này cũng mang tính phổ biến đối với Tòa án các nước trên thế giới. Do đó, Luật Tố tụng hành chính phải thể chế hóa nguyên tắc này theo hướng:

Cần phải xác định cơ chế bảo đảm Thẩm phán, Hội thẩm đủ điều kiện để độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật. Nội dung của cơ chế này chủ yếu được thể hiện trong Luật Tố tụng hành chính, bao gồm các nội dung:

Nhằm bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử, cần thiết phải có cơ chế thực hiện đối với các hoạt động của Thẩm phán, Hội thẩm trong suốt quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hành chính thuộc thẩm quyền kể từ khi thụ lý vụ án cho đến khi giải quyết, xét xử xong vụ án của Tòa án cấp đó. Đương nhiên, nội dung này phải được thể hiện trong Luật Tố tụng hành chính, theo định hướng chung là: trong tất cả các quy định của pháp luật tố tụng mà có Thẩm phán, Hội thẩm tham gia thì phải quy định rõ ràng, rành mạch quyền, nghĩa vụ của Thẩm phán, Hội thẩm khi tham gia quan hệ tố tụng đó, và cũng quy định rõ ràng quyền, nghĩa vụ của những người khác khi họ tham gia hoạt động tố tụng này. Có được như vậy, nhằm xác định hành lang pháp lý hoạt động của Thẩm phán, Hội thẩm, và có được như vậy thì mới đảm bảo cho hoạt động của họ chỉ tuân theo pháp luật. Đồng thời có được hành lang pháp lý tố tụng đầy đủ như vừa nêu, thì mới có cơ sở pháp lý để xác định những hành vi vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm.

Những nội dung của Hiến pháp năm 2013 cần được thể chế hóa trong Luật TTHC (sửa đổi) - Kỳ 2

Một phiên tòa hành chính

Đối với việc cụ thể hóa cụm từ “nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”. Đây chính là xác định các chế tài hành chính áp dụng đối với các hành vi vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử, cụ thể như sau:

Trước tiên là phải xác định rõ những hành vi nào được xem là hành vi can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm? Thực tiễn hoạt động của Tòa án cho thấy, các hành vi can thiệp vào công việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm thường thể hiện dưới các hành vi là: tác động trực tiếp hoặc gián tiếp (dùng ảnh hưởng tác động) tới Thẩm phán, Hội thẩm nhằm yêu cầu họ xét xử có lợi cho mình; hoặc tạo sức ép về tâm lý đối với Thẩm phán, Hội thẩm hoặc đe dọa, uy hiếp đối với Thẩm phán, Hội thẩm trong thời gian họ đang thực hiện các hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật. Như vậy, trong Luật Tố tụng hành chính cần phải có 1 điều luật về các hành vi can thiệp đó, làm cơ sở pháp lý áp dụng chế tài hành chính.

Chế tài hành chính, bao gồm các hình thức xử lý: khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc phạt tiền, đây là các chế tài áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử, nhưng ở mức độ vi phạm chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Thẩm quyền áp dụng các chế tài đó là cơ quan tổ chức quản lý cá nhân, cơ quan vi phạm, theo kiến nghị của Tòa án nhân dân phát hiện ra vi phạm. Các chế tài và thẩm quyền áp dụng phải được quy định trong Luật Tố tụng hành chính.

c, Đối với nguyên tắc “Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn”.

Tương tự như nguyên tắc “Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn”, cụ thể hóa nguyên tắc này là làm rõ nội dung “trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn” theo hướng thủ tục rút gọn được quy định trong Luật Tố tụng hành chính là những vụ việc đơn giản, rõ ràng thì chỉ cần một Thẩm phán xem xét giải quyết, không cần Hội đồng xét xử như hiện nay, nhằm những vụ việc đó được giải quyết nhanh chóng, kịp thời nhưng vẫn đảm bảo đúng pháp luật và đạt hiệu quả, tiết kiệm về thời gian cho những người tham gia tố tụng.

Tuy nhiên, thủ tục rút gọn là thủ tục mới so với các quy định hiện hành về thủ tục tố tụng, do vậy cần có tiêu chí cụ thể đối với việc áp dụng thủ tục rút gọn. Chúng tôi nêu một số đề xuất về tiêu chí áp dụng thủ tục rút gọn, theo hướng sau đây:

Đối với thủ tục rút gọn trong lĩnh vực xét xử các vụ án hành chính: Tiêu chí đầu tiên là những vụ việc không phải qua đối thoại, chứng cứ rõ ràng, người khởi kiện và người bị kiện giao nộp chứng cứ đầy đủ không cần bổ sung chứng cứ; tiêu chí thứ hai là những vụ việc khởi kiện về tài sản có giá trị dưới 50 triệu đồng; không có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng; tiêu chí thứ ba là không có nhân tố nước ngoài. Theo đó, có thể thủ tục rút gọn chỉ áp dụng đối với các trường hợp khởi kiện về hành vi hành chính.

Về thời hạn đối với việc áp dụng thủ tục rút gọn cũng phải quy định thời hạn nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý. Đương nhiên, phiên tòa áp dụng thủ tục rút gọn cũng phải tuân theo trình tự phiên tòa bình thường không phải là thủ tục rút gọn và các thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm cũng được tiến hành theo thủ tục chung của các vụ án không áp dụng thủ tục rút gọn.

d, Đối với “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo”

Hiến pháp năm 2013 có bổ sung nguyên tắc mới về hoạt động của Tòa án, đó là nguyên tắc: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo”. Thực tiễn xét xử trong thời gian vừa qua cho thấy mô hình tố tụng tại phiên tòa của Việt Nam theo hướng thẩm vấn kết hợp với tranh tụng, các chứng cứ, tình tiết của vụ án đã được những người tham gia tố tụng trình bày khách quan tại phiên tòa và trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử ra các phán quyết nhằm đảm bảo các phán quyết đó chính xác, đúng pháp luật. Vì vậy, chất lượng xét xử của Tòa án các cấp trong thời gian vừa qua cũng đã được nâng lên, giảm các vụ, việc oan, sai. Từ cơ sở thực tiễn đó và nhằm thể chế các quan điểm của Đảng về xác định mô hình tố tụng Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 đã quy định nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo. Cơ chế đảm bảo thực hiện nguyên tắc này là: pháp luật tố tụng nói chung, Luật Tố tụng hành chính nói riêng phải quy định chi tiết, cụ thể về tranh tụng tại phiên tòa, theo hướng quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tranh tụng, trong đó có quyền được hỏi những người tham gia tranh tụng; quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của Hội đồng xét xử khi điều hành phần tranh tụng tại phiên tòa. Như vậy mới có cơ sở pháp lý để xem xét đánh giá tính công khai, minh bạch của phần tranh tụng tại phiên tòa.

đ, Đối với nguyên tắc “Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được đảm bảo”

Hiến pháp năm 2013 bổ sung nguyên tắc mới là “Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được đảm bảo”. Nguyên tắc này, Hiến pháp năm 1992 chưa có, nhưng được thể hiện trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân với nội dung: “Tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử”. Về bản chất thì cách thể hiện của nguyên tắc nêu trên của Hiến pháp năm 2013 có kế thừa song có bao hàm những nội dung mới đó là khẳng định hai cấp xét xử là cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm. Hoạt động giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án không phải là cấp xét xử.

Có như vậy thì những vụ việc được Tòa án giải quyết xét xử đã có hiệu lực pháp luật (đã qua giải quyết xét xử ở cấp phúc thẩm) phải được thi hành, tránh khiếu nại kéo dài. Đương nhiên, nguyên tắc này nhằm xác định trách nhiệm của ngành Tòa án trong công tác xét xử sơ thẩm và phúc thẩm của Tòa án các cấp có thẩm quyền đó phải đảm bảo chất lượng xét xử cao nhất. Đồng thời, nguyên tắc này cũng đòi hỏi công tác giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án có thẩm quyền xem xét giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm phải đảm bảo chất lượng rất cao. Do vậy, cụ thể hóa nguyên tắc hai cấp xét xử của Tòa án nhân dân trong Luật Tố tụng hành chính là: phải xác định căn cứ để áp dụng thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Căn cứ để áp dụng thủ tục giám đốc thẩm phải xác định rõ ràng, minh bạch tính chất, mức độ sai lầm của quyết định hoặc bản án do Tòa án các cấp giải quyết, xét xử đã có hiệu lực pháp luật nhưng phát hiện có sai lầm nghiêm trọng. Tính chất, mức độ sai lầm ấy phải được thể hiện ảnh hưởng sâu sắc đến quyền lợi của đương sự như về giá trị tài sản, về danh dự nhân phẩm, về quyền và nghĩa vụ của đương sự,… Do vậy, đối với những bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có sai lầm nhưng sai lầm đó không ảnh hưởng đáng kể tới quyền lợi của các đương sự trong vụ án đó thì không cần thiết kháng nghị để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Luật Tố tụng hành chính xác định rõ ràng, minh bạch những tiêu chí, những căn cứ pháp lý để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm nêu trên, sẽ góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hành chính.

e,  Đối với nguyên tắc “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được đảm bảo”

Cụ thể hóa nguyên tắc này trong Luật Tố tụng hành chính theo hướng: Luật sư của các bên được tham gia tố tụng ngay sau khi Tòa án thụ lý vụ án. Đồng thời Luật Tố tụng hành chính cũng quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của luật sư trong mọi hoạt động của họ kể từ khi thụ lý vụ án cho đến giai đoạn xét xử phúc thẩm.

Cần lưu ý rằng: giám đốc thẩm, tái thẩm không phải là cấp xét xử, mà đây là thủ tục đặc biệt để xem xét lại các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có sai lầm nghiêm trọng, do vậy luật sư chỉ được tham gia tố tụng đối với thủ tục đặc biệt này của Tòa án có thẩm quyền xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khi được Tòa án đó chấp thuận.

Tóm lại, với những nội dung của Hiến pháp năm 2013 quy định về chức năng nhiệm vụ, hệ thống Tòa án nhân dân và nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân là những định hướng lớn bao quát về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân các cấp. Đồng thời đó là những căn cứ pháp lý mang tính chất Hiến định để pháp luật tố tụng nói chung, Luật Tố tụng hành chính nói riêng cụ thể hóa nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xét xử các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân các cấp.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nội dung của Hiến pháp năm 2013 cần được thể chế hóa trong Luật TTHC (sửa đổi) - Kỳ 2