Cải cách tư pháp nâng tầm vị thế của hệ thống Tòa án nhân dân

TS.Lưu Bình Nhưỡng| 22/02/2015 07:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cải cách tư pháp (CCTP) là chủ trương lớn của Đảng nhằm từng bước xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo vệ quyền con người đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, chủ động hội nhập quốc tế.

Trong đó, Tòa án được xác định là cơ quan có vai trò quan trọng, là điểm trung tâm trong tiến trình CCTP.

Cải cách tư pháp nâng tầm vị thế của hệ thống Tòa án nhân dân

TS.Lưu Bình Nhưỡng (Phó Chánh Văn phòng, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương)

Thực hiện Nghị quyết 08-NQ/ TW (năm 2002), và Nghị quyết số 49-NQ/TW (năm 2005) của Bộ Chính trị về Chiến lược CCTP đến năm 2020; trên cơ sở Kết luận số 92-KL/TW (12-3-2014) của Bộ Chính trị, một số vấn đề trọng tâm trong công tác xây dựng pháp luật đã được tiến hành triển khai. Hiến Pháp 2013 quy định Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ quyền con người... Đảng đặt ra mục tiêu CCTP là để bảo vệ quyền con người và có thể nói quyền con người trở thành mục tiêu của CCTP.

Để đảm bảo tính đồng bộ, sau khi có Hiến pháp thì các đạo luật khác đã được Quốc hội thông qua như, Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự… Những nỗ lực đó tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công cuộc CCTP.

Quyền tư pháp của Tòa án

Trong CCTP, hoạt động xét xử được coi là khâu trung tâm vì ở đây biểu hiện sự tập trung và thể hiện đầy đủ quyền tư pháp, là nơi mà trên cơ sở các kết quả điều tra, truy tố và tranh tụng, các Toà án nhân danh Nhà nước đưa ra phán xét một người có tội hay không có tội và áp dụng hình phạt đối với tội phạm; quyết định các việc phân tranh, khiếu kiện về kinh tế, dân sự, lao động, hành chính. Do vậy một phán xét chính xác, khách quan và đúng pháp luật hay không, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân có được bảo đảm hay không phụ thuộc vào quá trình điều tra, truy tố và xét xử, tranh tụng từ phía cơ quan tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Hoạt động xét xử tôn trọng quá trình tranh tụng với hoạt động tích cực của luật sư – vai trò là người bào chữa cho bị can, bị cáo và sẽ góp phần bảo vệ công lý.

Tuy nhiên, để CCTP hiệu quả cần phải tiến hành nhiều hoạt động, nhưng tựu chung là dựa vào thể chế, thiết chế, con người. Yêu cầu về thiết chế tức là về tổ chức các cơ quan như Cơ quan điều tra, Kiểm sát, Tòa án, Thi hành án. Trong đó xác định Tòa án là trung tâm của tiến trình CCTP.

Trong thực tiễn, từ trước đến nay Tòa án nhân dân đã liên tục thực hiện công tác xét xử và các hoạt động khác liên quan đến quyền tư pháp như phối hợp với Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn thi hành pháp luật, tổng kết hoạt động xét xử phục vụ cho việc áp dụng pháp luật, ra quyết định thi hành án hình sự… Tuy nhiên, khái niệm “thực hiện quyền tư pháp” mới được Hiến pháp năm 2013 chính thức quy định. Điều đó đánh dấu một bước nhận thức mới, khoa học hơn về vị trí, vai trò của Tòa án nhân dân trong hệ thống các cơ quan nhà nước và trong xã hội. Để làm được điều đó, Tòa án phải là cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện quyền tư pháp một cách đúng nghĩa.

Xét về nội hàm, quyền tư pháp có nhiều khía cạnh, mà xét theo nghĩa hẹp đó là quyền “xét xử”, là chức năng đầu tiên, quan trọng nhất của quyền tư pháp, do Tòa án thực hiện. Việc xét xử không chỉ giới hạn đơn thuần ở các vụ án, các việc trong phạm vi thẩm quyền của Tòa án mà có tính bao trùm cả không gian, thời gian, chủ thể, đối tượng có liên quan.

Quyền tư pháp bao gồm cả quyền giải thích luật. Trong quá trình thực hiện quyền tư pháp, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Tòa án là phải giải thích được các quy phạm pháp luật để áp dụng vào vụ, việc, chủ thể cụ thể. Điều này là vô cùng cần thiết, không thể thiếu của cơ quan thực hiện quyền tư pháp, giúp cho cơ quan này tránh được hành vi xử sự theo cảm tính, dẫn đến việc áp dụng thiếu thống nhất, gây bất công trong xã hội. Bên cạnh đó, quyền tư pháp cho phép Tòa án ban hành và áp dụng án lệ để giải quyết các vấn đề xuất hiện trong thực tiễn nhưng chưa có quy phạm cụ thể áp dụng.

Theo tinh thần pháp luật, việc thực hiện quyền lực tư pháp cho phép Tòa án, cơ quan có quyền lực tư pháp duy nhất, tác động theo chiều hướng tiêu cực vào nhân thân, tài sản của một cá nhân, cơ quan, tổ chức bất kỳ trong xã hội (ví dụ bắt, giữ, giam, khám nhà, khám người, kê biên, tịch thu tài sản…). Để bảo đảm công lý, nếu không có sự đồng ý của Tòa án thì không ai có quyền tác động đến nhân thân, tài sản của các chủ thể trong xã hội.

Việc thực hiện quyền tư pháp làm phái sinh quyền kiểm soát các “hành vi” và “sản phẩm” chính trị - pháp lý của cơ quan lập pháp, hành pháp (các đạo luật, các văn bản pháp quy, quá trình tổ chức thực hiện quyền con người, quyền công dân, việc cưỡng chế, xử phạt hành chính các cá nhân, cơ quan, tổ chức vi phạm pháp luật…). Tòa án không chỉ thực hiện quyền kiểm soát đối với các hành vi vi phạm pháp luật được đưa ra Tòa mà thực hiện quyền kiểm soát đối với cả văn bản (chính sách, pháp luật) và hành vi (xây dựng pháp luật, thực hiện pháp luật) của tất cả các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến công việc của Toà án.

Tòa án là trụ cột, trung tâm nắm và thực hiện quyền tư pháp. Tuy nhiên, Tòa án không thể một mình làm tất cả mọi việc mà Nhà nước, bằng pháp luật, cho phép Tòa án được sử dụng quyền lực tư pháp của mình để yêu cầu các cơ quan khác thuộc hệ thống hành pháp thực hiện các hoạt động tư pháp, đồng thời có quyền kiểm soát việc thực hiện các hoạt động đó (ví dụ: yêu cầu cơ quan công tố làm rõ chứng cứ buộc tội; cho phép cơ quan thi hành án, thừa phát lại thực thi bản án, quyết định tư pháp có hiệu lực).

Thẩm phán phải được độc lập, được hưởng quyền miễn trừ tư pháp trong một số trường hợp luật định

Quyền tư pháp của Tòa án đã được hiến định và một vấn quan trọng để CCTP có hiệu quả là phải bảo đảm tính độc lập của các Tòa án và Thẩm phán. Tính độc lập bảo đảm cho Tòa án không bị ảnh hưởng, chi phối trong các hành vi và quyết định, nhằm bảo đảm tính đúng đắn, công bằng. Theo ý kiến một số nhà khoa học, tính độc lập có thể được coi là “đặc quyền” của quyền tư pháp, là điều kiện tiên quyết để quyền tư pháp có thể vận hành một cách khách quan. Việc Tòa án có vai trò độc lập với các ngành quyền lực còn lại là điều quan trọng nhất của một nhà nước dân chủ.

Luật Tổ chức Tòa án, các luật tố tụng hiện hành cũng đã ghi nhận nguyên tắc độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân. Nhưng các quy định đó còn hạn chế về phạm vi mức độ và tính chất, chưa thể hiện hết nội hàm sự độc lập của Tòa án và của cá nhân Thẩm phán.

Theo quan điểm chung, sự độc lập của Tòa án phải thể hiện được trên các khía cạnh:

Tòa án có sự độc lập cần thiết với các cơ quan lãnh đạo chính trị. Các cơ quan lãnh đạo chính trị không nên can thiệp vào hoạt động chuyên môn của Tòa án mà chỉ thực hiện quyền lãnh đạo về chính trị nhằm bảo đảm tính đúng đắn trong hoạt động của Tòa án và nhân viên Tòa án vì mục tiêu chính trị. Tòa án tuân theo đường lối, chủ trương của Đảng. Đảng không “xét xử” thay Tòa án nhưng lãnh đạo Tòa án về tư tưởng, tổ chức, cán bộ.

Tòa án độc lập với cơ quan lập pháp và hành pháp, có quyền xem xét và quyết định trên nền tảng pháp luật và đạo đức cộng đồng. Việc “kiểm sát hoạt động tư pháp” không bao hàm hoạt động kiểm sát xét xử, Công tố viên không được quyền “kiểm sát” Hội đồng xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm mà cần có cơ chế giám sát hoạt động tư pháp riêng phù hợp với tính chất của việc thực hiện quyền tư pháp của Toà án.

Các Tòa án hoàn toàn độc lập về chuyên môn với nhau, không chịu sự ràng buộc về chỉ đạo hành động, cán bộ, con người, tài chính mà chỉ phụ thuộc vào pháp luật. Tòa án tối cao có quyền ban hành án lệ, có quyền hướng dẫn, có quyền hủy án của các Tòa án khác nhưng không có quyền áp đặt, quyết định buộc các Tòa án khác phải xét xử theo “chỉ đạo” của mình;

Bên cạnh đó, nơi làm việc của Thẩm phán phải hoàn toàn độc lập bảo đảm Thẩm phán không thể bị ảnh hưởng bởi các nhân tố khác gây bất lợi cho hoạt động chuyên môn. Thẩm phán phải được hưởng ưu đãi, miễn trừ tư pháp, được bảo vệ theo cơ chế pháp lý đặc biệt.

Giữa các Thẩm phán, Hội thẩm hoàn toàn độc lập với nhau, ngay cả những việc “tế nhị” như trao đổi với nhau về các tình tiết, cách xử lý vụ án, vụ việc, nhất là về kết quả xét xử mang tính định kiến cũng coi như xâm phạm nguyên tắc độc lập. Thẩm phán, Hội thẩm, Hội đồng xét xử hoàn toàn độc lập trong quá trình hoạt động chuyên môn, đặc biệt là trong các phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ, việc, không ai có quyền xâm phạm, can thiệp, gây ảnh hưởng công việc và sự vô tư của họ.

Đặc biệt, việc bảo đảm các vấn đề liên quan đến hoạt động, nhất là bảo đảm tài chính cho Tòa án phải nhất thiết được thực hiện thông qua một cơ chế độc lập để hệ thống Tòa án tập trung thực hiện đúng đắn, hiệu quả nhất các hoạt động chuyên môn. Cũng trên tinh thần đó nhất thiết phải đầu tư xây dựng, nâng cấp đầy đủ trụ sở cho Tòa án nhân dân các cấp, bảo đảm khang trang, thực sự có tính biểu tượng của quyền lực tư pháp, là “công đường” của Nhà nước. Nơi xét xử của Tòa án nhân dân, nhất là trụ sở của Tòa án tối cao, phải có nét đặc thù không thể lẫn lộn với trụ sở của các cơ quan nhà nước khác. Hệ thống cơ sở vật chất của các Tòa án cần được trang bị hiện đại, áp dụng công nghệ thông tin tiên tiến để cập nhật thông tin, thống kê và công bố thông tin ra công chúng, bảo đảm tính chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch.
Những vấn đề nêu trên là vô cùng quan trọng nhằm nâng tầm vị thế của hệ thống Tòa án nhân dân, góp phần bảo đảm Tòa án nhân dân các cấp hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân giao phó.

Để đáp ứng yêu cầu CCTP hiện nay, Thẩm phán phải thực sự độc lập. Việc “kiểm sát hoạt động tư pháp” không bao hàm hoạt động kiểm sát xét xử, Công tố viên không được quyền “kiểm sát” Hội đồng xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm mà cần có cơ chế giám sát hoạt động tư pháp riêng phù hợp. Thẩm phán phải được hưởng ưu đãi, miễn trừ tư pháp, được bảo vệ theo cơ chế pháp lý đặc biệt.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cải cách tư pháp nâng tầm vị thế của hệ thống Tòa án nhân dân