Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài không được công nhận theo quy định của BLTTDS

Phương Nam| 30/07/2020 11:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo quy định tại khoản 2 Điều 439 của BLTTDS, Tòa án Việt Nam (TAVN) không công nhận bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài (TANN) nếu bản án, quyết định đó chưa có hiệu lực pháp luật.

Mặc dù vậy, tại một số điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên vẫn có quy định ngoại lệ về việc một số bản án, quyết định của TANN tuy chưa có hiệu lực nhưng vẫn được xem xét, công nhận.

Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài không được công nhận theo quy định của BLTTDS

Ảnh minh họa

Để phù hợp với tinh thần đó, Điều 21 dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài đã được xây dựng để cụ thể hóa các trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cho phép TAVN xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam các bản án, quyết định của Tòa án nước thành viên chưa có hiệu lực.

Về bản án, quyết định của TANN không được công nhận theo quy định tại khoản 3 Điều 439 của Bộ luật tố tụng dân sự: Điều 22 dự thảo Nghị quyết hướng dẫn chi tiết về bản án, quyết định của TANNkhông được công nhận theo quy định tại khoản 3 Điều 439 của BLTTDS. Đó là các trường hợp TANN vi phạm thủ tục tố tụng khi thực hiện việc tống đạt văn bản cho người phải thi hành bản án, quyết định của TANN.

Về bản án, quyết định của TANN không được công nhận theo quy định tại khoản 4 và 8 Điều 439 của Bộ luật tố tụng dân sự: Điều 23 dự thảo Nghị quyết hướng dẫn chi tiết về bản án, quyết định của TANN không được công nhận theo quy định tại khoản 4 và 8 Điều 439 của BLTTDS. Đó là các trường hợp: TANN không có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự; Việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của TANN trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Về hậu quả của việc đình chỉ xét đơn yêu cầu hoặc không công nhận bản án, quyết định của TANN: Điều 24 dự thảo Nghị quyết quy định hậu quả pháp lý của việc TAVN ra quyết định đình chỉ xét đơn yêu cầu hoặc không công nhận bản án, quyết định của TANN. Theo đó, người yêu cầu sẽ không được nộp lại đơn yêu cầu, trừ một số trường hợp ngoại lệ sau đây:  Bản án, quyết định của TANN đãcó hiệu lực pháp luật; Người yêu cầu rút đơn yêu cầu theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 437 của Bộ luật tố tụng dân sự; Quyết định của Tòa án về việc mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành bị Tòa án cấp trên hủy; Người yêu cầu xác định được địa chỉ của người phải thi hành và địa điểm có tài sản tại Việt Nam của người phải thi hành; Người yêu cầu xác định được địa điểm nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành tại Việt Nam trong trường hợp cơ quan, tổ chức phải thi hành không có trụ sở chính tại Việt Nam, cá nhân phải thi hành không cư trú, làm việc tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Điều 24 dự thảo Nghị quyết cũng quy định về một số trường hợp mà đương sự được quyền khởi kiện lại vụ việc tại TAVN sau khi bản án, quyết định của TANNgiải quyết vụ việc đó không được TAVN công nhận. Quyền khởi kiện lại vụ việc nêu trên được ghi nhận tại điểm d khoản 1 Điều 472 của BLTTDS. Qua nghiên cứu, rà soát, tham khảo kinh nghiệm pháp luật nước ngoài, thì thấy rằng đương sự chỉ có quyền khởi kiện lại vụ việc dân sự trong trường hợp TAVN dựa trên một trong các căn cứ sau đây để không công nhận bản án, quyết định của TANN giải quyết vụ việc đó:

TAVN áp dụng nguyên tắc có đi có lại như là biện pháp “trả đũa” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 423 và khoản 3 Điều 7 của Nghị quyết này; Vụ việc dân sự đó thuộc thẩm quyền chung của TAVN theo quy định tại Điều 469 của BLTTDSvà đã được TAVN thụ lý trước khi TANN thụ lý; Vụ việc dân sự đó thuộc thẩm quyền riêng biệt của TAVN theo quy định tại Điều 470 của Bộ luật này; Bản án, quyết định giải quyết vụ việc đó đã được TANN tuyên trên cơ sở bị lừa dối, cưỡng ép, đe dọa hoặc nhận hối lộ và vụ việc dân sự đó thuộc thẩm quyền chung của TAVN theo quy định tại Điều 469 của BLTTDS;

Bản án, quyết định dân sự của TANN bị hủy bỏ, đình chỉ thi hành tại nước có Tòa án đã ra bản án, quyết định đó với lý do tương tự quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 439 của BLTTDS.

Đối với các trường hợp khác quy định tại khoản 1, 5, 6, 7, 8 của Điều 439 BLTTDS, thì đương sự không được quyền khởi kiện lại vụ việc dân sự.

Việc BLTTDS quy định đương sự được quyền khởi kiện lại vụ việc dân sự không hề mâu thuẫn với quy định TAVN phải từ chối thụ lý, giải quyết đối với “một vụ việc có cùng đương sự, có cùng nội dung tranh chấp, yêu cầu” đã được TANN giải quyết. Bởi lẽ, trong những trường hợp này TAVN có thể giải quyết lại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự sau khi TANN đã không thực hiện đầy đủ, đúng nghĩa vụ này. Ví dụ: TANN không tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự một cách hợp lệ hoặc trong một thời hạn hợp lý nên đương sự không thể tham gia phiên tòa hoặc không thể thực hiện quyền tự bảo vệ; Vụ việc dân sự mà TANN giải quyết thuộc thẩm quyền riêng biệt của TAVN; Thẩm phán hoặc hội đồng xét xử của TANN đã bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc nhận hối lộ nên đã ra bản án, quyết định làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của một bên đương sự…

Bên cạnh đó, kết quả tham khảo kinh nghiệm nước ngoài cũng cho thấy có nhiều nước chấp nhận để cho phép đương sự khởi kiện lại vụ án tại Tòa án nước đó sau khi không công nhận bản án, quyết định dân sự của TANN. Ví dụ: Điều 431 của BLTTDS của Hà Lan có quy định cho phép đương sự được khởi kiện lại vụ án tại Tòa án của Hà Lan sau khi bản án, quyết định dân sự của TANN giải quyết vụ việc dân sự đó không được Tòa án Hà Lan công nhận.

Đương nhiên, sau khi không được công nhận,đương sự vẫn có thể yêu cầu Tòa án nước thứ ba công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự đó nếu người phải thi hành bản án, quyết định còn có tài sản hoặc có trụ sở, chi nhánh tại nước này. Mặc dù vậy, không có cơ sở để khẳng định trong mọi trường hợp việc tiếp tục yêu cầu Tòa án nước khác công nhận bản án, quyết định dân sự như trên đều thành công.Bởi lẽ, Tòa án nước thứ ba cũng có thể không công nhận bản án, quyết định đó nếu xét thấy không đáp ứng được quy định của pháp luật nước đó.

Vì vậy, trong những trường hợp nêu trên, cách thức tốt nhất để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự là cho phép họ được quyền khởi kiện lại vụ việc tại Tòa án của nước đã ra quyết định không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài. Theo đó, việc cho phép khởi kiện lại vụ việc dân sự là nhằm chấm dứt tình trạng tranh chấp, yêu cầu giữa các bên đương sự bị bỏ lửng sau khi bản án, quyết định của TANN giải quyết vụ việc đó bị từ chối công nhận.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài không được công nhận theo quy định của BLTTDS