Bao thuốc lá Vinataba

Lê Phúc Hỷ (Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Phó Chánh án TAQS Trung ương)| 12/09/2020 21:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Câu chuyện đã xảy ra cách đây gần 30 năm, nhưng mỗi khi nhớ lại tôi vẫn thấy cay cay nơi khóe mắt. Tôi luôn thầm nhủ lòng phải thường xuyên làm chủ bản thân, không tham lam, phải gần dân, hiểu dân, thấu hiểu được tình cảm và hoàn cảnh của nhân dân.

Ngày 23 tháng Chạp năm 1990. Hôm ấy là Tết “Ông Công, ông Táo”.

Hà Nội mưa phùn, rét đậm. Đường phố lép nhép nhưng không ngăn được bước chân hối hả của người dân tấp nập đi mua sắm, chuẩn bị cho Lễ tiễn ông Táo về trời. Khắp các đường phố, cờ hoa rực rỡ. Không khí cận Tết Cổ truyền càng bừng lên, nhộn nhịp với sắc mầu tươi thắm của hoa đào, hoa mai từ các chợ tràn về các ngả phố phường.

Bao thuốc lá Vinataba

Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, nguyên Phó Chánh án TAQS Trung ương

Năm ấy tôi là Thư ký Phòng Phúc thẩm 2, Tòa án Quân sự cấp cao (sau này là Tòa Phúc thẩm 2, TAQS Trung ương). Hôm đó tôi được lãnh đạo phân công trực ban tại cơ quan.

Khoảng hơn 9 giờ sáng, đồng chí Doãn (lúc đó là lính nghĩa vụ) gõ cửa phòng tôi:

- Báo cáo đồng chí trực ban, có một người dân đến cơ quan xin được trình bày công chuyện.

Tôi chỉnh đốn trang phục, mang theo cuốn sổ ghi chép xuống tầng dưới. Trước mắt tôi là một cụ ông râu tóc điểm bạc, chắc đã ngoài 70 tuổi, mặc nguyên chiếc áo tơi bằng lá cọ ngồi trên ghế xa lông của phòng tiếp quân nhân.

Tôi niềm nở nói với cụ:

- Con chào cụ. Tết nhất đến nơi, sao cụ không để ra Giêng ngày rộng tháng dài đến trình bày cho thoải mái. Cụ lọ mọ đi thế này cho khổ ra.
Ông cụ nhìn tôi với ánh mắt cầu khẩn:

- Tôi từ Thanh Oai, Hà Tây ra… Đến xin các bác, các sĩ quan giảm án cho con trai tôi…

- Trời! Từ xa thế, cụ đi bằng phương tiện gì vậy? Ngày tư ngày Tết đường sá đông đúc, đi lại rất nguy hiểm.

Cụ già chỉ tay ra phía sân:

- Tôi đi xe đạp. Đạp xe cho khỏe chú à…

Đó là chiếc xe đạp Thống Nhất đã cũ, dựng sát tường phía sân cơ quan. Tôi hướng dẫn cụ cởi bỏ áo tơi rồi pha trà mời khách. Rót chén nước trà mời cụ, tôi để ý thấy cụ già cứ lụi hụi lục túi tìm vật gì đó. Lát sau, cụ lôi từ túi ra một bao thuốc Vinataba loại bao cứng, để trên mặt bàn. Cụ toan bóc bao thuốc (chắc có ý mời tôi hút). Thật tình thời điểm ấy tôi cũng nghiện thuốc lá, chưa bỏ hẳn thuốc lá như bây giờ.

Nhưng rất nhanh, tôi gạt tay cụ già, cầm bao thuốc để sang góc bàn.

- Cụ có việc gì, xin cứ trình bày. Cháu sẽ ghi chép đầy đủ lại để báo cáo lại với Thủ trưởng cơ quan.

Cụ già lại vươn tay định cầm bao thuốc lá:

- Chú xơi một điếu, rồi tôi trình bày việc cho chú hiểu.

Tôi đẩy bao thuốc ra xa:

- Dạ thôi, cụ cứ trình bày. Quy định cơ quan không hút thuốc. Mong cụ thông cảm cho.

Qua trình bày của cụ, tôi được biết cụ là bố đẻ của một bị cáo phạm tội, bị Tòa án quân sự Quân khu 2 xử phạt 10 năm tù. Thương con, cận Tết cụ lặn lội tới đây để xin giảm án cho con trai. Cụ trình bày 4 lý do xin giảm án, tôi ghi đầy đủ và đọc lại để cụ nghe. Cụ khẳng định tôi đã ghi đầy đủ nội dung mà cụ đã trình bày.

Vụ án này, tôi theo dõi từ khi thụ lý đến lúc xét xử, thấy rằng con trai cụ phạm tội nặng, khó có thể giảm án mặc dù chưa xử phúc thẩm. Hơn nữa, cụ không có quyền kháng cáo vì con của cụ đã thành niên. Sau đó, tôi hỏi ngoài việc trình bày bằng lời, cụ còn có đơn từ không? Cụ rút tờ đơn trong túi ra và chuyển cho tôi. Tôi thông báo luôn là con trai cụ đã có đơn kháng cáo. Hiện nay, Toà án đang nghiên cứu hồ sơ và sẽ mở phiên toà phúc thẩm. Do vậy, tôi chỉ làm được một việc duy nhất là chuyển đơn cho nhân viên văn thư (khi đó là đồng chí Lan Triển).

Sau khi uống mấy chén nước, trò chuyện với cụ về việc cấy vụ chiêm, chuẩn bị Tết nhất, cụ già xin phép ra về. Tôi đưa trả lại cụ bao thuốc lá.

Cụ không cầm và nói:

- Tôi biếu chú!.

- Cháu không nhận đâu, cụ mang về đi ạ!

Tôi kiên quyết trả lại cụ bao thuốc. Cụ già phân bua:

- Đằng nào tôi cũng mua rồi, chú cầm lấy mà dùng.

Tôi nói:

- Cụ cầm về trả lại người bán.

Cụ nhăn nhó, vẻ khó xử:

- Không trả lại được đâu, chú ơi!

Tôi dúi bao thuốc vào tay cụ và nói:

- Cụ cứ mang về nói với người bán thế này thì họ sẽ nhận lại ngay thôi: “Hôm nay, tôi đến Tòa án. Gặp một người đáng tuổi con. Sau khi làm việc xong, anh ấy trả lại bao thuốc lá và khuyên tôi trả lại người bán với lý do: Một bao Vinataba có giá bằng 80 củ xu hào, hoặc 120 cây bắp cải” (giá cả này tôi biết chính xác vì Phòng tôi vừa giao ban, có thông tin giá cả hàng hoá cận Tết, trong đó có giá bao thuốc lá Vinataba).

Cụ già run run cầm lại bao thuốc lá, mắt rơm rớm, giọng nghẹn ngào:

- Nói thật với chú, bao thuốc này tôi mua chịu ở đầu làng tôi đấy.

Bỗng nhiên, khóe mắt tôi nóng ran. Hoàn cảnh cụ đến bao thuốc lá cũng phải mua chịu. Cái quan niệm “điếu thuốc là đầu câu chuyện” dường như đã ăn sâu vào tiềm thức, suy nghĩ của người dân, nhất là những người nông dân nghèo khó khi có việc liên quan đến cơ quan công quyền. Phải chăng, đó là hệ quả của cơ chế “xin - cho”, của tình trạng quà biếu, hối lộ, “tham nhũng vặt” còn âm ỉ tồn tại mãi cho đến tận ngày nay?!

Câu chuyện đã xảy ra cách đây gần 30 năm, nhưng mỗi khi nhớ lại tôi vẫn thấy cay cay nơi khóe mắt. Tôi luôn thầm nhủ lòng phải thường xuyên làm chủ bản thân, không tham lam, phải gần dân, hiểu dân, thấu hiểu được tình cảm và hoàn cảnh của nhân dân. Như thế mới có được sự thanh thản và niềm vui trong công tác của mình.                   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bao thuốc lá Vinataba