Trong 2 năm qua, công tác tổng rà soát chính sách ưu đãi với người có công trên cả nước đã được thực hiện rất quyết liệt, góp phần quan trọng vào công tác “Đền ơn đáp nghĩa” trong giai đoạn hiện nay.
Kết quả tích cực
Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014 - 2015” nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công; qua đó, phát hiện và kiên quyết khắc phục các sai sót, xử lý những tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách những năm qua.
Kết quả sau 2 năm thực hiện, với sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành, địa phương qua rà soát cho thấy: số đối tượng người có công hưởng đúng, hưởng đủ chính sách là 1.982.769 người, chiếm tỷ lệ 95.75%; số đối tượng hưởng chưa đầy đủ chính sách là 86.201 người, chiếm tỷ lệ 4.16%; số đối tượng hưởng sai chính sách là 1.872 người, chiếm tỷ lệ 0.09%.
Đồng thời, có 63.768 trường hợp kê khai chưa được xác nhận người có công (diện tồn đọng), trong đó: đề nghị xác nhận liệt sĩ 2.020 trường hợp; Bà mẹ Việt Nam anh hùng 1.496 trường hợp; xác nhận thương binh 7.871 trường hợp; xác nhận bệnh binh 855 trường hợp; xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học 16.295 trường hợp; kê khai lập hồ sơ để hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với cựu thanh niên xung phong theo Quyết định số 40/2012/QĐ-TTg ngày 27/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ là 16.466 trường hợp; và số còn lại là những trường hợp kê khai đề nghị hưởng các chế độ khác.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Huỳnh Văn Tý cho rằng, các Bộ, ngành Trung ương, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như các địa phương đã quán triệt và triển khai Chỉ thị số 23/CT-TTg một cách nghiêm túc; kịp thời xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện theo chức năng của mình. Trong đó, các chính sách đối với 07 nhóm đối tượng người có công là liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng, cựu thanh niên xung phong đã được tổ chức rà soát toàn diện, cụ thể; đối tượng, chính sách rà soát được niêm yết công khai, minh bạch từ cấp xã/phường/thị trấn với sự quan tâm, ủng hộ và tham gia tích cực của đông đảo nhân dân; được sự kiểm tra, giám sát kịp thời của Ban Chỉ đạo rà soát các cấp và của nhân dân.
Trao tặng nhà tình nghĩa cho người có công
Đồng thời với quá trình triển khai tổng rà soát, công tác tuyên truyền về chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng được chú trọng, qua đó đã thu hút được sự quan tâm, đồng tình cao của nhân dân, khơi dậy ý thức trách nhiệm trong nhân dân cùng tham gia quá trình rà soát.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong quá trình rà soát: Một số nơi còn lúng túng khi xử lý những trường hợp cụ thể hoặc giải đáp cho người dân về chính sách người có công chưa thỏa đáng. Công tác tham mưu, theo dõi, quản lý đối tượng người có công chưa tốt nên có dẫn đến sai sót trong quá trình thực hiện chính sách; trách nhiệm một bộ phận cán bộ thuộc các cơ quan chức năng lập hồ sơ ban đầu cho người có công chưa được phát huy đúng mức, thiếu nghiêm túc nên dẫn đến lệch lạc, sai sót hồ sơ, v.v…
Tập trung giải quyết những tồn tại, vướng mắc
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Huỳnh Văn Tí, kết thúc tổng rà soát, các cơ quan liên quan sẽ tập trung giải quyết những vấn đề tồn tại, những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công. Cụ thể, với những người có công và thân nhân của người có công chưa được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách ưu đãi, Bộ sẽ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở rà soát từng trường hợp vừa qua, chỉ đạo giải quyết bổ sung những chính sách mà người có công chưa được hưởng, bảo đảm tất cả người có công được thụ hưởng đầy đủ các chế độ ưu đãi do Đảng và Nhà nước ban hành.
Đối với những trường hợp qua rà soát còn nghi vấn hưởng sai hoặc có đơn thư phản ánh là hưởng sai chế độ đối với người có công do lập hồ sơ không đúng thì đề nghị đối tượng thuộc trách nhiệm ngành nào lập hồ sơ ban đầu đề nghị xác nhận người có công, do cơ quan đó chịu trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, xác minh, kết luận cụ thể.
Đối với những trường hợp qua rà soát có kê khai chưa được xác nhận là người có công, Bộ sẽ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Nội vụ hướng dẫn, đôn đốc việc lập hồ sơ đề nghị phong tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng và hồ sơ giải quyết chế độ đối với cựu thanh niên xung phong.
Những trường hợp do chưa nắm, chưa biết chính sách hoặc do chậm trễ nên chưa được xem xét xác nhận là người có công, đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát cụ thể để từ đó hướng dẫn việc triển khai xây dựng thủ tục và tiến hành các bước theo đúng quy định hiện hành; những trường hợp chậm trễ do khâu làm thủ tục, đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đôn đốc khẩn trương và sớm xem xét công nhận người có công.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết sẽ sớm trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều trong Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28/4/2006 của Chính phủ về quản lý và sử dụng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cho phù hợp với tình hình thực tế và đạt hiệu quả tốt hơn.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công và kết quả giải quyết những vấn đề tồn đọng sau tổng rà soát; qua đó phát hiện và góp phần xử lý kịp thời những vấn đề, vướng mắc còn tồn tại.