Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong công việc, các bị cáo đã cho vay không có giấy phép kinh doanh, không có cơ sở kinh doanh, cho vay vượt mức phán quyết nhưng không thông qua Hội đồng tín dụng số tiền lên tới gần 77 tỷ đồng.
Như đã đưa tin trước đó, ngày 27/1, TAND tỉnh Đồng Nai đã đưa ra xét xử sơ thẩm các bị cáo nguyên là cán bộ Ngân hàng công thương Long Thành, tỉnh Đồng Nai gồm: Trần Thị Thanh Nga (59 tuổi), Nguyễn Đức Dũng (48 tuổi), Phạm Văn Thọ (43 tuổi), Nguyễn Thị Nhân (58 tuổi), Chu Thăng Long (38 tuổi), Phạm Minh Hải (49 tuổi), Phạm Hồng Thanh (37 tuổi, cùng ngụ tại TP.Biên Hòa) về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Theo cáo trạng, trong thời gian từ năm 2006 đến năm 2008, Trần Thị Thanh Nga – Giám đốc; Nguyễn Đức Dũng – Phó Giám đốc; Phạm Văn Thọ - Trưởng phòng khách hàng; Nguyễn Thị Nhân - Phó phòng khách hàng và 3 cán bộ tín dụng là Long, Hải, Thanh làm việc tại Chi nhánh ngân hàng Công thương Long Thành đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, cố ý làm trái quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Ngân hàng công thương Việt Nam trong hoạt động tín dụng.
Các bị cáo tại tòa, bị cáo Nga đang tham gia phần xét hỏi ngày 27/1
Với các hoạt động sai phạm trong qua trình cho vay như cho vay không có giấy phép kinh doanh, không có cơ sở kinh doanh, cho vay vượt mức phán quyết nhưng không thông qua Hội đồng tín dụng, cho vay không thẩm định khách hàng… Ngân hàng công thương Long Thành đã cho chị Hồ Thị Yến Vy và người thân quen của chị Vy vay gần 55 tỷ đồng, cho anh Lê Thanh Mão và người thân quen của Mão vay gần 18 tỷ đồng, Vũ Thị Hoa và người thân quen của Hoa vay gần 4 tỷ đồng. Tổng số tiền cho khách hàng vay sai quy định pháp luật là gần 77 tỷ đồng.
Tuy nhiên, quá trình xét hỏi tại tòa, các bị cáo đều không đồng tình với quan điểm truy tố của VKSND tỉnh Đồng Nai nêu trong cáo trạng. Các bị cáo cho rằng, quá trình cho vay của ngân hàng là đúng trình tự theo quy định của pháp luật. Việc nâng giá trị tài sản thế chấp để cho vay là đúng quy định, bởi lẽ theo Quyết định 225/QĐ-HĐQT của Ngân hàng công thương Việt Nam cho phép định giá tài sản theo giá thị trường.
Ngoài ra, các bị cáo cũng như phía đại diện Ngân hàng công thương Việt Nam còn cho rằng, không có tài sản thiệt hại xảy ra trong vụ án vì số nợ dư hiện nay khoảng 43 tỷ đồng, nhưng số tài sản đang thế chấp tại Ngân hàng công thương Long Thành được định giá khoảng hơn 63 tỷ đồng.
Về vấn đề trên, đại diện VKS đưa ra ý kiến, các bị cáo không có bất kỳ văn bản nào xác định giá thị trường của tài sản cần được định giá tại địa phương, mà chỉ tham khảo giá thị trường bằng miệng, rồi tự nâng khống giá trị tài sản lên để cho vay. Trong khi đó, việc nâng lên hạ xuống bất kỳ một tài sản nào cũng cần dựa vào khung định giá của UBND tỉnh.
Mặt khác, trước đây, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Hồ Thị Yến Vy, Lê Thanh Mão và Vũ Thị Hoa về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, ra quyết định khởi tố bị can đối với Vy về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra, VKS xét thấy, các đối tượng Vy, Mão, Hoa thiếu trung thực trong việc lập hồ sơ vay tiền của Ngân hàng nhưng có thế chấp tài sản, không có ý thức chiếm đoạt nên đã ra quyết định đình chỉ, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Vy, Mão, Hoa. Số nợ vay của các đối tượng này thuộc về trách nhiệm hợp đồng dân sự buộc phải trả nợ gốc và lãi theo hợp đồng tín dụng cho Ngân hàng Công thương Long Thành.
Phiên tòa sơ thẩm trên dự kiến sẽ diễn ra trong ba ngày từ ngày 27 – 29/1, tuy nhiên, bước sang ngày 28/1, tức sau hơn một ngày tiến hành xét xử, phần vì bị cáo Trần Thị Thanh Nga (nguyên Giám đốc Ngân hàng công thương Long Thành) bị ngất xỉu khi đang tham gia xét hỏi, phần vì xét thấy một số vấn đề trong vụ án chưa được làm rõ, nên HĐXX đã tuyên bố hoãn phiên tòa xét xử.