Hoài vọng thú chơi chữ của người xưa

Hưng Tử - Trang Nhi| 14/02/2021 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người Việt xưa có câu “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng”, như vậy đã là nhấn mạnh nghệ thuật thư pháp là thú chơi được xếp hàng đầu. Nghệ thuật Thư pháp ban đầu sử dụng chữ Hán, Nôm vốn là chữ tượng hình nên sẵn có yếu tố hình họa. Những bức thư pháp ngoài giá trị nghệ thuật hội họa còn chứa đựng ý nghĩa chúc tụng, giáo dục của người cho chữ với người được cho.

1-2-.jpg
Thầy đồ xưa

Thư pháp có sự lan tỏa mạnh mẽ trong văn hóa Việt

Việc xin chữ, cho chữ có thể thực hiện được trong tất cả các ngày, các dịp như mừng nhà mới, mừng người tài đỗ đạt, nhưng thường lúc xuân sang, việc xin chữ, cho chữ mới rộn ràng: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực Tàu, giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”.

Thú chơi thư pháp ngày xưa đã đi vào văn hóa như là một sự ca ngợi những người viết chữ đẹp tài hoa, nét chữ “phượng múa rồng bay” như giáo dục được lòng người, đánh thức được lương tri và làm cho người ta sống tốt hơn. Chữ người tử tù (truyện ngắn của Nguyễn Tuân) là một ví dụ khi nhân vật quản ngục cúi đầu khúm núm xin chữ của người tù - ông Huấn Cao.

Điều gì đã làm cho thư pháp có sự lan tỏa mạnh mẽ trong văn hóa Việt đến như vậy? Trước hết cần hiểu rằng ông cha ta đã sử dụng chữ Hán cả trên ngàn năm, bao nhiêu nét văn hóa tinh túy của nước nhà đều được chữ Hán và chữ Nôm truyền tải trong đó. Mỗi chữ Hán đều được người dân xem trọng và ca tụng là “chữ thánh hiền”. Do đó, người dân rất quý trọng chữ Hán, xem như học được một chữ là đã thành người rồi.

Chính vì có cả ngàn năm lịch sử lại chất chứa trong đó rất nhiều ý nghĩa, nên mỗi câu đối, mỗi chữ Hán đều mang những thông điệp đến với gia đình và bản thân người chơi chữ. Ngoài câu đối, người Việt chơi thư pháp thường chọn cho mình những chữ yêu thích có ý nghĩa để thờ, để treo trong nhà. “Nét chữ nết người”, nên ngày xưa, những người được mọi người xin chữ là những nho sĩ, những thầy giáo, thầy đồ có tiếng hiền tài, đức độ, học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp.

Theo quan niệm của người xưa, trong các thú “chơi nghệ thuật” thì “chơi chữ” là khó nhất và cũng là thanh cao nhất, bởi vì người yêu chữ phải là kẻ sĩ uyên thâm, có tâm, có đạo, có đức và có cốt cách cao thượng. Cái đẹp của chữ nghĩa không phải chỉ là cái đẹp của đường nét, bố cục mà còn là cái đẹp của sự kết hợp hài hoà của Thư - Nhạc – Họa và của Tâm - Trí - Khí.

Trong văn hoá truyền thống Việt Nam, người xưa đề cao “nhất chữ”, “nhất sĩ” và chỉ “ham cái bút, cái nghiên”, chữ nghĩa và nghiên bút đã trở thành mơ ước, khát khao cháy bỏng của nhiều thế hệ trên con đường phấn đấu vươn lên để giúp ích cho dân cho nước.

Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân. Những người đi học thường xin chữ Trí, Tài, Nhẫn, Đạt. Người buôn bán xin chữ Lộc, chữ Tín, Phát Tài... Người đi làm xin chữ Danh. Gia đình thường xin chữ Phúc, Lộc, Thọ, Tâm. Nhưng có nhiều câu chuyện kể rằng, người nào không đi xin chữ (chỉ đứng xem thầy đồ viết chữ) mà lại được các thầy gọi vào cho chữ, người ấy mới thật là có phúc có đức và có cả duyên với các thầy mới được như vậy, cái đó gọi là lộc chữ. Nhà nào, anh nào mà được các thầy cho chữ như vậy thì cả năm sẽ đạt được nhiều điều tốt lành, nhiều sự như ý. Do đó, xin được chữ đẹp chữ có ý nghĩa là mong ước của mỗi người trong ngày năm mới.

Tương truyền, Thái thú Sĩ Nhiếp (Nam Giao học tổ) là truyền bá chữ Hán vào nước ta, tuy nhiên, chưa có thư pháp gia tiêu biểu nào. Rõ nét nhất, phải bắt đầu từ thời Lý-Trần với các nhà thư pháp Hàn Nôm tiêu biểu như vua Lý Nhân Tông, Thiền tăng Thích Thiệu Tuệ, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Phàm Hàm; các Hoàng đế thời Trần là Trần Duệ Tông, Trần Hiến Tông; Lê Hiến Tông rồi các triều đại kế sau là Lê-Mạc như Lê Thánh Tông đều là các thư pháp gia. Có thể kể đến những thư pháp gia nổi tiếng là Nguyễn Tùng, Bùi Sĩ Nho, Nguyễn Nghiễm, Ngô Thì Sĩ, chúa Trịnh Sâm, Nguyễn Huy Oánh; đến thời Nguyễn thì thư pháp gia nở rộ, từ các vị vua là Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, đến các quan lại, nhà Nho như Ngô Thì Vị, Trần Cân, Cao Bá Quát, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Tư Giản, Bùi Dương Lịch, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Thuật, Ngô Thế Trạch, Nguyễn Bá Trạc, Nguyễn Khuyến, Tùng Thiện vương Miên Thẩm, Tuy Lý vương Miên Trinh, v.v...

Sau này, khi những mỹ tục được hồi phục, người ta thấy xuất hiện tác phẩm thư pháp của các nhà Hán Nôm như Tào Mạt, Nguyễn Văn Bách, Lê Xuân Hòa, nhiều người không ngần ngại ra hẳn vỉa hè cho giống nếp xưa như Lam Sơn Hồng Thanh, Cung Khắc Lược, Lê Quốc Việt...

2-2-.jpg
Trình diễn thư pháp ngày nay

Cầu mong một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc và tràn đầy may mắn

Chơi chữ không chỉ là chữ, mà còn chơi cả câu đối. Câu đối vừa đẹp, chỉnh, vừa duyên dáng, thể hiện được ý chí của người xin lẫn người cho thật không dễ. Trong những giai thoại về câu đối Tết, có lẽ đáng nhớ nhất là câu chuyện vua Lê Thánh Tông đi vi hành đêm 30 Tết mà cho chữ người dân trong kinh thành.

Vua Lê Thánh Tông tên thật là Tư Thành, hiệu Thiên Nam động chủ. Không chỉ là vị vua vĩ đại xây dựng nên vương triều hùng mạnh nhất lịch sử Việt Nam, Lê Thánh Tông còn được biết đến như một nhà thơ đầy tài năng. Vào tối 30 Tết năm nọ, vua Lê Thánh Tông giả làm người học trò đi dạo xem các câu đối ở kinh thành. Chợt qua cửa nhà một người phụ nữ làm nghề thợ nhuộm, thấy không có câu đối, nhà vua lấy làm lạ ghé vào thăm hỏi. Chủ nhà nói là nữ góa chồng, còn con trai thì vẫn là học trò nhỏ chưa biết làm câu đối. Nhà vua liền bảo lấy giấy hồng điều và bút mực, rồi vua hạ bút viết hộ một câu đối như sau:

“Xanh vàng thiên hạ đều tay mỗ

Đỏ tía trong triều bởi cửa ta.”

(“Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ

Triều trung chu tử tổng ngô môn.”)

Những câu trên miêu tả nghề thợ nhuộm nhưng lại hiện lên hình ảnh của một người nắm quyền thiên hạ: “Xanh vàng” cũng là hai màu tượng trưng cho dân thường và hoàng đế hay hoàng gia. “Chu tử” tức là đỏ và tía, là màu áo của các quan từ thấp cho đến cao. ‘Tất cả đều qua tay ta’, nếu không phải chúa thiên hạ thì còn ai vào đây?

Mấy hôm sau, Thượng thư đương triều là Trạng nguyên Lương Thế Vinh đi chầu qua nhà thợ nhuộm, thấy câu đối có khẩu khí như vậy thì hoảng hốt vô cùng. Vào triều, họ Lương tâu với vua rằng ngoài phố có nhà nọ có ý muốn làm vua thiên hạ, cần phải cho người đi dò xét. Lê Thánh Tông nghe xong phì cười, nhận câu đối đó là do chính tay mình viết hộ, khiến Thượng thư họ Lương bị một phen chưng hửng. Sau đó, quan Thượng thư thầm nghĩ rằng nhà thợ nhuộm mà Tết nhất lại được Thiên tử ngự giá đến, hẳn sau này con cháu phải giàu sang lắm, bèn đem ngay cô con gái út đến gả cho con trai nhà thợ nhuộm. Có thuyết khác lại nói đôi câu đối này do vua Thiệu Trị tặng hàng thợ nhuộm.

Vào một dịp Tết khác, vua Lê Thánh Tông lại giả làm thường dân đi chơi phố phường để xem xét dân tình. Đi tới đâu nhà vua cũng thấy la liệt những câu đối ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị nên rất hài lòng. Riêng nhà nọ chẳng treo đèn kết hoa, cũng chẳng có đối liễn gì hết. Vua rẽ vào hỏi, chủ nhà trả lời rằng:

– Chả giấu gì bác, nhà cháu làm cái nghề hèn hạ quá, nên chẳng dám phô phang gì với phố phường cho thêm tủi!

Vua ngạc nhiên nói:

– Sao lại có nghề gì là nghề hèn hạ?

Chủ nhà cứ thật thà trả lời:

– Dạ, nhà cháu chỉ chuyên đi hốt phân người để bán thôi ạ!

Nhà vua nghe xong, cười bảo:

– Ồ, nếu vậy nhà bác đây là sang trọng bậc nhất, mà nghề của bác cũng vẻ vang bậc nhất. Câu đối của bác nếu dán lên cũng hay bậc nhất, việc gì mà lại kêu là hèn!

Rồi vua gọi lấy giấy bút, viết giùm cho một đôi câu đối như sau:

“Thân khoác chiến bào, có thể lo toan những việc khó khăn trên đời

Tay cầm ba thước gươm, thu hết lòng người trong thiên hạ.”

(“Thân nhất nhung y năng đương thế gian chi nan sự

Thủ tam xích kiếm tận thu thiên hạ chi nhân tâm.”)

Câu đối tài tình vẫn miêu tả đúng hình tượng người hốt phân (mặc áo tơi, tay cầm gàu hốt) đang làm công việc của mình. Nhưng người ta không thể khinh được nữa vì đó đúng là việc khó khăn trên đời – Có việc nào khó bằng thu được lòng người trong thiên hạ đâu? Đây là hình ảnh của một ông vua sáng nghiệp “thân bố y, tay trường kiếm” thường thấy trong sử sách.

Trong không khí ấm áp của tiết trời đầu xuân, bên cạnh cành đào, chén trà, ly rượu và ẩm thực truyền thống như bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành…, nhàn đàm về thú chơi của người xưa để thấy ông cha ta thật trí tuệ, uyên bác. Hoài vọng về những điều đẹp đẽ xưa cũ cũng là để cầu mong một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc và tràn đầy may mắn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoài vọng thú chơi chữ của người xưa