Thùy Dung hé lộ bộ trang phục truyền thống lấy hình ảnh con cò Việt Nam tới Hoa hậu quốc tế 2017.
Trang phục truyền thống là một trong những phần thi quan trọng tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế khi tất cả các thí sinh sẽ trình diễn trong đêm chung kết quyết định.
Để chuẩn bị cho bộ trang phục đặc biệt này, Á hậu Thùy Dung đã làm việc với NTK Tín Thái để lên ý tưởng và thực hiên từ tháng 6/2017. Và sau quá trình nghiên cứu và hoàn tất, Thùy Dung và NTK Tín Thái chính thức ra mắt trang phục dân tộc mang tên “Tiên Dung”.
Bộ trang phục truyền thống mang tên Tiên Dung
Lấy cảm hứng từ tà áo dài truyền thống của dân tộc, bộ trang phục mang đến hình ảnh quen thuộc trong tâm thức người Việt – Con cò. Biết bao đời nay, con cò gắn bó với người Việt từ thuở ấu thơ, qua lời ầu ơ mẹ ru con ngủ đến khi lớn lên cấy cày nối nghiệp nhà nông. Con cò cũng là hình ảnh biểu tượng qua những câu ca dao, tục ngữ, thơ ca của quê hương nước Việt từ ngàn xưa.
Và nếu thế giới có đại bàng tự do, bồ câu hòa bình... thì Việt Nam có cánh cò chịu thương chịu khó, dù bay đâu cũng đáp về mảnh đất quê nhà. Cánh cò đậu trên luỹ tre làng - đó là hình tượng mang ý nghĩa cho đời sống nông thôn và con người Việt Nam.
Bộ trang phục mang màu trắng chủ đạo, với 6 tà tượng trưng cho tư tưởng lục long, lục thân. Chất liệu tơ sống dệt thủ công của miền Bắc mang lại cảm giác nhẹ nhàng như cánh cò.
Bên cạnh đó, hình ảnh lá tre và đôi cò được thêu kết thủ công với hàng ngàn hạt pha lê và cườm thuỷ tinh. Sự sinh sôi, nảy nở và trường tồn thể hiện qua đôi cò trên ngực áo. Đôi cánh cò dang rộng bay ra thế giới mang thông điệp hoà nhập và phát triển vươn xa của đất nước.
Chiếc mấn là hình ảnh chim cò đang ấp trứng trên bụi tre cách điệu tạo thành 5 vòng, tượng trưng cho Ngũ Hành của Trời Đất (Kim-Mộc-Thuỷ-Hoả-Thổ), Ngũ Đức của người quân tử (Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín) và Ngũ Phúc của cuộc sống (Phú-Quý-Thọ-Khang-Ninh); ngụ ý về truyền thống tôn thờ Trời Đất, về đạo thờ Mẫu của người Việt xưa, về sự tôn kính đức quân tử phu quân và về trách nhiệm chu toàn cuộc sống gia đình của người phụ nữ Việt Nam. Được chế tác bằng kim loại, tạo hình, gò hàn tỉ mỉ, từng chi tiết đều được khắc đục bằng tay, mô phỏng gần nhất với hình ảnh cây tre Việt Nam.
Cận cảnh chiếc mấn độc đáo
Với tất cả tâm huyết ấy của êkip, bộ trang phục thanh thoát như như một vị tiên mang tên Tiên Dung - nàng công chúa ngọc ngà của vị Hùng Vương thứ 18 - đã từ bỏ lầu son điện ngọc để tung bay với đôi cánh của tự do và ước vọng.
Tiên Dung, với mong muốn truyền tải thông điệp về nữ quyền, tình hữu nghị, khát khao vươn xa và phát triển của đất nước Việt Nam về đa khía cạnh: chính trị, văn hóa, kinh tế… mong ước được hòa nhập và song hành với bước đi thế giới.
Chia sẻ về ý tưởng thực hiện bộ trang phục, NTK Tín Thái chia sẻ trong một mạch cảm xúc hướng về lịch sử - nguồn cội, anh tìm cảm hứng trong văn hoá, cổ tích và những tinh hoa đặc trương của Việt Nam. "Tôi nhớ ra hình ảnh con cò luôn gắn liền với người xưa lẫn nay, trong tâm thức từ bé đã thuộc lòng câu hát 'con cò bé bé, nó đậu cành tre...' . Từ đó, tôi phát triển ý tưởng thành một trang phục, đủ sáng tạo mà vẫn đáp ứng tính truyền thống và nhận diện quốc gia".
Bộ trang phục được thực hiện thủ công suốt 3 tháng qua và vận chuyển đặc biệt trong 3 kiện hàng để sang Nhật Bản cùng Á hậu Thùy Dung. Trong đêm chung kết diễn ra vào ngày 14/11, Thùy Dung sẽ chính thức trình diễn "Tiên Dung" trên sân khấu cuộc thi Miss International.