Hòa giải viên không được thu thập thêm chứng cứ, tài liệu

Mai Thoa| 13/03/2021 16:43
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hòa giải viên có phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của thông tin do đương sự cung cấp hay không; Nếu thông tin, tài liệu, chứng cứ cung cấp là giả mạo thì kết quả hòa giải, đối thoại sẽ như thế nào? Đó là những vẫn đề mà các Tòa án, Hòa giải viên, đương sự khi tham gia vào quá trình hòa giải tại Tòa án cần biết.

hoi-nghi-hoa-gia.jpg
Các Tòa án đang khẩn trương triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án được thực hiện theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định khá cụ thể.

Theo đó, sau khi nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, xem xét đủ điều kiện thì Tòa án sẽ thông báo cho các bên về quyền lựa chọn hòa giải, đối thoại, lựa chọn Hòa giải viên và sau đó chỉ định Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại theo trình tự, thủ tục của Luật. kết quả hòa giải được lập thành biên bản có sự chứng kiến của Thẩm phán được Tòa án phân công và kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được Tòa án ra quyết định công nhận nếu có yêu cầu. Nếu các bên không đồng ý hòa giải hoặc kết quả hòa giải không thành thì chuyển sang tố tụng.

Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính; được thi hành theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Quyết định này có thể bị xem xét lại theo đề nghị của các bên, người đại diện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Tòa án, theo kiến nghị của Viện Kiểm sát nếu có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của luật này.

Phương thức thu nhận thông tin, tài liệu, chứng cứ của Hòa giải viên trong quá trình Hòa giải, đối thoại được quy định rất đặc thù.

Khi các bên đã đồng ý lựa chọn phương thức đối thoại tại Tòa án để giải quyết khiếu kiện hành chính cho mình thì HGV có quyền yêu cầu các bên cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung khởi kiện và cung cấp các thông tin, tài liệu khác cần thiết cho việc hòa giải, đối thoại; các bên phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của thông tin, tài liệu chứng cứ mà mình cung cấp trong quá trình hòa giải, đối thoại.

Theo TS Đào Thị Xuân Lan, Thẩm phán TANDTC, nếu thông tin, tài liệu, chứng cứ cung cấp là giả mạo thì kết quả hòa giải, đối thoại bị vô hiệu. HGV không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì trước pháp luật về tính xác thực của thông tin, tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp.

Hòa giải viên không được tự mình thu thập thêm bất cứ thông tin, tài liệu, chứng cứ hoặc ủy thác cho bất cứ ai xác minh, thu thập thêm thông tin, tài liệu, chứng cứ để phục vụ cho hòa giải, đối thoại, trừ trường hợp xem xét hiện trạng.

hoa-giai-tai-toa-an-2.png
Nếu tài liệu chứng cứ  cung cấp là giả mạo thì kết quả hòa giải bị vô hiệu

Tòa án không can thiệp vào quá trình hòa giải, đối thoại của HGV, trình tự đối thoại do 01 HGV tiến hành độc lập và tuân theo pháp luật. Khi nào các bên đạt được sự thỏa thuận, thống nhất với nhau về việc giải quyết toàn bộ hoặc một phần tranh chấp, khiếu kiện thì HGV ấn định thời gian, địa điểm mở phiên họp ghi nhận kết quả về hòa giải, đối thoại. Tại phiên họp ghi nhận kết quả đối thoại, Chánh án Tòa án phân công 01 Thẩm phán tham gia chứng kiến, ghi nhận.

Sự xuất hiện của Thẩm phán lúc này để chứng kiến một sự kiện pháp lý quan trọng được các bên thống nhất khi đối thoại khiếu kiện hành chính của mình và nếu có vấn đề gì chưa rõ thì Thẩm phán yêu cầu các bên trình bày bổ sung; đồng thời Thẩm phán tham gia phiên họp phải có trách nhiệm ký xác nhận vào Biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại.

Sự tham gia của Thẩm phán như là thủ tục bắt buộc để xác nhận sự kiện đã được các bên thống nhất với nhau khi hòa giải, đối thoại thành. Nếu các bên tin tưởng nhau thì biên bản này là cơ sở để các bên tự nguyện thi hành. Trong trường hợp các bên thấy sự thỏa thuận, thống nhất trong hòa giải, đối thoại này cần thiết được Tòa án ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành thì cần được ghi vào biên bản này, bà Lan cho hay.

Trên cơ sở đó, HGV chuyển biên bản cho Tòa án để chuẩn bị ra quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành tại Tòa án. Quyết định công nhận kết quả hòa giải,đối thoại thành tại Tòa án được thi hành theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.

Tòa án có trách nhiệm tổ chức, quản lý hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật, gồm: Chỉ định, hỗ trợ, hướng dẫn Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại; đánh giá, nhận xét kết quả hoạt động của Hòa giải viên; bố trí địa điểm, trang thiết bị và điều kiện bảo đảm khác cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đề xuất, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của pháp luật,…;

Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, xóa tên Hòa giải viên; cấp, thu hồi thẻ Hòa giải viên; khen thưởng và xử lý vi phạm trong hoạt động hòa giải, đối thoại; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại cho Hòa giải viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa giải viên không được thu thập thêm chứng cứ, tài liệu