Hòa giải tiền tố tụng tại Tòa án: Giải pháp mới, hiệu quả cho việc giải quyết tồn đọng án

Luật sư Trương Quốc Hòe| 11/09/2019 07:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hàng năm, các vụ tranh chấp dân sự, hành chính tăng lên với số lượng lớn, việc phát triển mô hình hòa giải tại Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một giải pháp tích cực và đặc biệt hiệu quả nhằm tháo gỡ những khó khăn của ngành tư pháp hiện nay.

Trong những năm vừa qua, cùng với việc gia tăng dân số và tốc độ phát triển của nền kinh tế thì các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính cũng không ngừng tăng lên. Hiện nay, các vụ tranh chấp ngày càng diễn biến phức tạp; số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ngày càng nhiều; nhiều vụ án dân sự, hành chính phải xét xử qua nhiều cấp trong nhiều năm; bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật nhưng chậm được thi hành đã ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Tòa án. Trước thực trạng đó, TANDTC đã có giải pháp đột phá nhằm tháo gỡ tình trạng trên đồng thời mở ra một hướng xử lý mới đặc biệt hiệu quả trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính trong tương lai. Đó là triển khai hoạt động hòa giải tại Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Hiện nay, TANDTC mới chỉ thí điểm ở 16 tỉnh thành nhưng bước đầu đã ghi nhận được những hiệu quả đáng kể.

Thứ nhất, liên quan đến phạm vi, trình tự thủ tục cũng như việc công nhận kết quả của việc hòa giải tại Trung tâm hòa giải tại Tòa án được quy định cụ thể.

Về phạm vi: Căn cứ theo Công văn số 308/TANDTC-PC ngày 9/10/2018 thì Hòa giải viên tại Trung tâm có quyền hòa giải tất cả các tranh chấp dân sự  theo nghĩa rộng: dân sự, hôn nhân và gia đình, thương mại, lao động và việc thuận tình ly hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trừ những vụ việc pháp luật quy định không được hòa giải hoặc hòa giải không được. Tuy nhiên việc hòa giải này được thực hiện sau khi người khởi kiện nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhưng chưa thụ lý vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hoặc các bên có yêu cầu Trung tâm hòa giải tại Tòa án thực hiện việc hòa giải trong khi các bên chưa nộp đơn khởi kiện tại Tòa án theo hướng dẫn của TANDTC, khác một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS).

Hòa giải tiền tố tụng tại Tòa án: Giải pháp mới, hiệu quả cho việc giải quyết tồn đọng án

 Luật sư Trương Quốc Hòe

Về cách thức thực hiện, căn cứ theo Công văn số 310/TANDTC-PC ngày 11/10/2018, hướng dẫn về nghiệp vụ hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính áp dụng trong quá trình triển khai thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì Hòa giải viên được quyền quyết định thời gian và địa điểm tiến hành hòa giải, không buộc phải thu thập chứng cứ đầy đủ rồi mới bắt đầu phiên hòa giải. Mặt khác nếu các bên tranh chấp yêu cầu, Hòa giải viên có thể hòa giải vụ việc ngoài trụ sở Trung tâm hòa giải. Hòa giải viên có được sự linh hoạt, không bị gò bó theo trình tự thủ tục của BLTTDS. Sau khi được phân công vụ việc cần hòa giải, Hòa giải viên sẽ thực hiện nghiên cứu hồ sơ và hòa giải trong thời hạn 20 ngày, trong trường hợp cần thiết việc hòa giải có thể tiến hành trong hai tháng nếu được các bên đồng ý. Thông tin trong quá trình hòa giải phải giữ bí mật, tài liệu, lời trình bày của các bên tranh chấp và thông tin thu thập được trong quá trình giải quyết vụ án không là chứng cứ, trừ trường hợp các bên đồng ý sử dụng các tài liệu, lời trình bày đó tại Tòa án.

Về hậu quả pháp lý: Nếu hòa giải thành, các bên tranh chấp có thể lựa chọn hai cách là làm đơn yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành theo thủ tục việc dân sự hoặc rút đơn khởi kiện, Tòa án sẽ ban hành thông báo trả đơn khởi kiện theo điểm g khoản 1 Điều 192 BLTTDS.

Thứ hai, từ những quy định nêu trên có thể thấy ưu điểm nổi bật của phương pháp giải quyết tranh chấp này.

Trước hết, thủ tục tiếp nhận vụ việc đơn giản. Không giống như việc tiếp nhận thụ lý đơn khởi kiện tại Tòa án phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về biểu mẫu, về thời hạn, thời hiệu giải quyết. Hòa giải viên tại Trung tâm hòa giải tại Tòa án tiếp nhận vụ việc là từ hồ sơ bên Tòa án trực tiếp gửi sang trước khi tiến hành thụ lý vụ án. Do đó, hồ sơ vụ án khi được chuyển sang trung tâm hòa giải cơ bản là đầy đủ để Hòa giải viên có thể nắm bắt được thông tin vụ việc cũng như nội dung tranh chấp giữa các bên.

Tiếp theo, thời gian giải quyết nhanh chóng. Theo quy định vừa nêu ở trên thì Hòa giải viên tại Trung tâm hòa giải tại Tòa án có quyền thực hiện việc hòa giải giữa các đương sự ngay khi nhận được hồ sơ mà không cần phải thực hiện thu thập chứng cứ. Sau khi nhận hồ sơ vụ việc sau 20 ngày, Hòa giải viên phải tiến hành hòa giải. Trường hợp các bên đồng ý thì có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng. Nếu các bên không hòa giải được thì ngay lập tức hồ sơ sẽ được chuyển lại Tòa án để tiến hành thụ lý theo đúng quy định của pháp luật và giải quyết theo trình tự thủ tục tố tụng. Do đó, các bên tranh chấp sẽ có thể hoàn toàn yên tâm về việc vụ việc của mình sẽ không bị kéo dài. Nếu một bên hoặc cả hai bên không thể tìm được tiếng nói chung thì hoàn toàn có thể từ chối thực hiện việc hòa giải này và ngay lập tức vụ việc cũng sẽ được chuyển sang Tòa án thụ lý và giải quyết theo thủ tục chung.

Ba là, kết quả hòa giải tại Trung tâm hòa giải trong trường hợp các bên hòa giải thành sẽ được Tòa án công nhận và có hiệu lực thi hành ngay. Như đã phân tích ở trên về kết quả hòa giải tại Trung tâm hòa giải tại Tòa án khi trường hợp các bên có thể thỏa thuận với nhau về một phần hay toàn bộ về việc giải quyết vụ án thì các bên có thể lựa chọn một trong hai cách là rút đơn khởi kiện hoặc yêu cầu Tòa án công nhận sự tự thỏa thuận thành của các đương sự theo thủ tục việc dân sự. Quyết định công nhận sự tự thỏa thuận thành của các đương sự tại Tòa án là quyết định có hiệu lực thi hành ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Ngoài ra, do rút ngắn thời gian giải quyết và không phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về tố tụng nên các bên sẽ tiết kiệm được chi phí bỏ ra. Trường hợp rút đơn khởi kiện sẽ được nhận lại toàn bộ tiền tạm ứng án phí đã nộp. Trường hợp yêu cầu Tòa án công nhận sự tự thỏa thuận thành của các đương sự thì án phí phải chịu cũng rất nhỏ. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong những vụ việc tranh chấp mà giá trị tài sản tranh chấp lớn.

Thêm vào đó, khác với việc giải quyết vụ án ở Tòa án là công khai thì mọi hoạt động diễn ra tại Trung tâm hòa giải tại Tòa án, mọi tại liệu chứng cứ đưa ra tại buổi hòa giải là bí mật. Những thông tin trao đổi giữa các bên tại Trung tâm hòa giải không được dùng làm bằng chứng trước tòa nếu không được các bên đương sự đồng ý. Do đó, các bên đương sự hoàn toàn yên tâm về vụ việc của mình sẽ bị tiết lộ ra bên ngoài làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, cơ quan, tổ chức mình.

Như vậy, việc phát triển mô hình hòa giải tại Trung tâm hòa giải tại Tòa án là một giải pháp tích cực và đặc biệt hiệu quả nhằm tháo gỡ những khó khăn của ngành tư pháp hiện nay. Do đây là sự thỏa thuận hoàn toàn tự nguyện của các bên tranh chấp nên sẽ đảm bảo giải quyết triệt để nhất tranh chấp phát sinh và hạn chế tối đa thực trạng về án sửa, án hủy, án tồn đọng trong hệ thống Tòa án hiện nay. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hòa giải tiền tố tụng tại Tòa án: Giải pháp mới, hiệu quả cho việc giải quyết tồn đọng án