Hoà giải được coi là một hoạt động hỗ trợ cho hoạt động giải quyết tranh chấp bằng tố tụng. Hoà giải cũng giúp cho việc giảm tải khối lượng giải quyết tranh chấp tại Toà án…
Ưu điểm của hòa giải ngoài Tòa án
Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có một chương mới về công nhận thoả thuận hoà giải thành ngoài Toà án. Tháng 2/2017, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hoà giải thương mại. Những quy định là khuôn khổ pháp lý cần thiết để thúc đẩy sự phát triển hoạt động hoà giải ngoài Toà án tại Việt Nam.
Ưu điểm của hoà giải là bảo đảm bí mật của vụ việc; Thời gian giải quyết tranh chấp nhanh chóng; Chi phí giải quyết tranh chấp thấp; Thủ tục giải quyết tranh chấp thân thiện; Văn bản về kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Khác với thực tế hoà giải ở một số nước trên thế giới, văn bản về kết quả hoà giải thành của hoạt động hoà giải tranh chấp thương mại ngoài Toà án sẽ được tòa án công nhận và được bảo đảm thi hành theo quy định của pháp luật. Đây thực sự là một ưu điểm của hoạt động hoà giải tại Việt Nam để các bên có động lực tham gia giải quyết tranh chấp bằng hoà giải ngoài Toà án.
Mặc dù có nhiều ưu điểm như đã nêu ở trên, hoạt động hoà giải còn có một số các nhược điểm như: Hình thức giải quyết khép kín, không công khai có thể nảy sinh những tiêu cực, trái pháp luật; Hoà giải viên không được đưa ra quyết định ràng buộc hay áp đặt các bên khi giải quyết tranh chấp nên tranh chấp có thể kéo dài; Một trong bên có thể dừng hoà giải để lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác…
Hiện nay, nhận thức về các phương thức giải quyết tranh chấp còn yếu nên không tôn trọng hoạt động hoà giải của các bên tranh chấp. Nhược điểm này là khá phổ biến ở Việt Nam khi mà nhận thức pháp luật của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Trên thực tế, nhược điểm này không chỉ thách thức hoạt động hoà giải mà cũng thách thức cả hoạt động giải quyết tranh chấp của Trọng tài và Toà án. Nhiều người dân, doanh nghiệp chưa nhận thức được hậu quả kéo dài của quá trình giải quyết tranh chấp bằng tố tụng cũng như thi hành án sau này nên chưa thực sự chú tâm vào giải quyết tranh chấp bằng hoà giải.
Các quy định pháp luật liên quan đến thời hiệu chưa thực sự rõ ràng đối với thời gian hoà giải. Khác với tố tụng trọng tài, thời gian từ ngày nguyên đơn khởi kiện tại Trọng tài đến ngày Toà án ra quyết định thụ lý giải quyết vụ tranh chấp không tính vào thời hiệu khởi kiện”. Quy định pháp luật đối với thời hiệu khởi kiện liên quan đến hoạt động hoà giải ngoài tố tụng Trọng tài hay Toà án chưa thực sự rõ ràng, thống nhất, bao gồm cả thời hiệu theo tố tụng Trọng tài và tố tụng Toà án.
Ảnh minh họa
Theo quy định theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010 thì “trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục Trọng tài là 2 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm”. Quy định này phù hợp với quy định tại Luật Thương mại 2005 về thời hiệu khởi kiện. Nhưng Luật Trọng tài thương mại 2010 không xác định thời gian giải quyết tranh chấp bằng hoà giải bên ngoài thủ tục Trọng tài có được loại trừ khỏi thời hiệu khởi kiện hay không.
Tương tự như vậy đối với tố tụng tại Toà án, BLTTDS 2015 có quy định cho phép bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự nếu “các bên đã tự hoà giải với nhau”. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến băn khoăn quy định “đã tự hoà giải” có nghĩa là các bên tự hoà giải thành nhưng sau đó lại có một bên vi phạm và khởi kiện ra Toà án thì Toà án sẽ xem xét cho phép bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Quan điểm này cho rằng thoả thuận hoà giải thành được coi như là một hợp đồng dân sự mới nên sẽ có thời hiệu mới. Nhưng nếu việc hoà giải không thành thì toàn bộ thời gian hoà giải vẫn thuộc về khuôn khổ của thời hiệu theo hợp đồng bị tranh chấp mà không được trừ đi. Cũng có ý kiến cho rằng BLTTDS 2015 chỉ cho phép bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện khi các bên tiến hành hoà giải tại Toà án. Vấn đề thời hiệu có thể là một thách thức lớn để người dân, doanh nghiệp lựa chọn phương thức hoà giải ngoài Toà án.
Cần phổ biến, tuyên truyền về hoạt động hoà giải
BLTTDS 2015 đã quy định về thủ tục công nhận kết quả hoà giải thành ngoài Toà án. Điều kiện để kết quả hoà giải thành ngoài Toà án được công nhận, bao gồm: Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý. Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận. Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba” .
Hoà giải được coi là một hoạt động hỗ trợ cho hoạt động giải quyết tranh chấp bằng tố tụng. Hoà giải không chỉ đơn thuần giúp cho việc giảm tải khối lượng giải quyết tranh chấp tại Toà án mà còn giúp cho các bên tranh chấp đánh giá được ưu điểm và nhược điểm, định hướng, thái độ của các bên khi giải quyết tranh chấp tại Toà án. Thực tiễn giải quyết tranh chấp dân sự cho thấy các Thẩm phán thường tạo điều kiện cho các bên tranh chấp hoà giải ngay trong giai đoạn đầu tố tụng.
Theo LS Nguyễn Hưng Quang, Hoà giải viên Trung tâm giải quyết tranh chấp có hiệu quả (CEDR)-Anh Quốc: Để hoạt động công nhận thoả thuận hoà giải thành của Toà án giúp cho hoạt động hoà giải trở nên đúng đắn về pháp lý và đạo đức và có chất lượng hơn, cần phổ biến, tuyên truyền mạnh hơn về hoạt động hoà giải ngoài Toà án. Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn bằng văn bản đối với việc dụng quy định tại Điều 157 BLTTDS 2015 về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện và Điều 417 về điều kiện công nhận kết quả hoà giải thành ngoài Tòa án.