Trong những năm qua, nhờ các chính sách hỗ trợ đặc thù, ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk đã có bước phát triển toàn diện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, công tác phát triển giáo dục vùng đồng bào Dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã thực sự có những chuyển biến vô cùng rõ nét.
Đắk Lắk là tỉnh có tỷ lệ học sinh DTTS chiếm gần 34% số lượng học sinh toàn tỉnh, đồng thời có nhiều xã, thôn, buôn điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Đặc biệt, vấn đề thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục phổ thông vùng DTTS vẫn chưa đạt được kết quả cao và bền vững. Do đó, Sở GDĐT tỉnh xác định tập trung vào phát triển giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn và đồng bào DTTS là mục tiêu quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, tạo cơ hội học tập cho các em, đảm bảo rằng mọi trẻ em đều có cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng.
Nâng chất lượng giáo dục vùng DTTS từ đầu tư cơ sở vật chất
Các chính sách hỗ trợ đặc thù đã mang lại cho sự nghiệp giáo dục vùng DTTS và miền núi một diện mạo mới. Cơ sở vật chất được đầu tư, hệ thống trường, lớp ngày càng khang trang, đảm bảo đủ điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.
Giai đoạn 2021-2025, Sở GDĐT đã tham mưu bố trí từ Chương trình mục tiêu quốc gia theo QĐ số 1719 để thực hiện Tiểu dự án 1 – Dự án 5 với tổng số vốn là gần 350 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng bổ sung phòng học, phòng bộ môn, nhà ở nội trú, bán trú, nhà ăn, nhà bếp, các công trình phụ trợ khác và mua sắm trang thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu dạy - học, nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh.
Nhờ đó, tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao, học sinh lưu ban, bỏ học ngày càng giảm. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và THPT hằng năm tăng rõ rệt. Hệ thống giáo dục chuyên biệt (trường PTDTNT, trường PTDTBT) ngày càng phát huy hiệu quả tích cực.
Thầy Võ Đại Luân, Hiệu trưởng trường Trường PTDTNT – THCS huyện Krông Ana cho biết, năm học 2022 - 2023, nhà trường được đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình mới như: phòng ở bán trú học sinh; nhà bếp, nhà ăn, nhà kho; nhà sinh hoạt giáo dục văn hoá dân tộc; phòng học, phòng bộ môn; công trình vệ sinh, nước sạch,.. Những công trình này sau khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần giúp cho các em học sinh DTTS có thêm các điều kiện để học tập.
“Việc có các cơ sở học tập hiện đại và tốt hơn không chỉ giúp cho việc học tập trở nên dễ dàng hơn mà còn tạo ra môi trường thuận lợi để phát triển tối đa năng lực của học sinh” thầy Luân phấn khởi nói.
Nâng chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) ở vùng đồng bào DTTS, miền núi là bước quan trọng trong việc cải thiện hệ thống giáo dục. Tập trung vào xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên và CBQLGD là đòi hỏi tất yếu trong việc cải thiện chất lượng hệ thống giáo dục của một quốc gia.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong những năm qua, Sở GDDT tỉnh Đắk Lắk rất quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQLGD theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, nâng cao chất lượng, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.
Đào tạo đội ngũ giáo viên là người DTTS có trình độ cả về sư phạm và kiến thức cho từng vùng, từng dân tộc. Xây dựng chế độ đãi ngộ và sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với yêu cầu thực tiễn để họ yên tâm với nghề nghiệp, gắn bó với địa phương. Đồng thời, tăng cường việc bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng DTTS; đổi mới sinh hoạt chuyên môn, chú trọng hình thức sinh hoạt chuyên môn theo cụm, khối, tổ, nhóm, tập trung và qua mạng.
T.S Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc sở GDĐT tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, bên cạnh việc nâng cao nhận thức, tư tưởng chính trị, ý thức trách nhiệm của CBQL, GV đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Sở GDĐT cũng chú trọng bồi dưỡng kiến thức như: các kiến thức về dạy học tích hợp ở một số môn học; văn hóa dân tộc; dạy học trong môi trường đa văn hóa; bồi dưỡng kiến thức tâm lý sư phạm; quan tâm đến tâm lý học sinh người DTTS vừa đáp ứng theo chuẩn nghề nghiệp vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục….
Tăng cường trang bị tiếng Việt cho học sinh DTTS
Theo T.S Đỗ Tường Hiệp, Đắk Lắk là tỉnh có 49 dân tộc anh em cùng sinh sống. Phần lớn trẻ em đồng bào DTTS nói tiếng mẹ đẻ tại gia đình, khi đến trường, cô giáo nói tiếng Việt, chương trình giáo dục cũng được thực hiện bằng tiếng Việt. Đây là một khó khăn rất lớn đối với cả giáo viên và trẻ nhỏ.
Để hoá giải khó khăn này Sở GDĐT tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường, khả năng nhận thức của học sinh. Mở các lớp tập nói tiếng Việt trong hè cho trẻ mầm non 5 tuổi, tăng cường thời lượng dạy tiếng Việt cho các lớp đầu cấp, phụ đạo học sinh yếu.
Bên cạnh đó, các trường Tiểu học cũng tập trung tối đa thời lượng để dạy tiếng Việt và tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng DTTS từ 2 tiết - 4 tiết/tuần; tăng cường tiếng Việt theo tài liệu Đề án tăng cường tiếng Việt lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 đã được Bộ GDĐT thẩm định và phê duyệt; tổ chức các hoạt động đọc sách, giao lưu tiếng Việt; tổ chức sân chơi “Trạng Nguyên Tiếng Việt” qua internet,…
“Hiện nay, các trường mầm non, tiểu học có học sinh DTTS đều thực hiện rất tốt công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Hàng năm, ngoài được hưởng các chế độ, chính sách vùng DTTS từ các chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng quy định, các trường học đều ưu tiên bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực trong và ngoài nhà trường để nâng cấp, sửa chữa trường lớp, trang bị sách, tài liệu, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học… phục vụ cho giáo viên giảng dạy tăng cường tiếng Việt”, T.S Đỗ Tường Hiệp cho hay.
T.S Hiệp cũng cho biết, bên cạnh tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS, Sở GDĐT cũng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục dạy tiếng Êđê đối với các lớp 3, 4, 5 tại 87 trường đang thực hiện Chương trình tiếng Êđê cấp tiểu học ban hành kèm theo Quyết định số 48/2007/QĐ-BGDĐT ngày 29/8/2007 của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Đồng thời, Sở GDĐT tỉnh phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ GDĐT tổ chức dạy thử nghiệm sách tiếng Êđê cấp tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.