Quá trình hòa giải, Thẩm phán đã dành thời gian lắng nghe đương sự trình bày nguyên nhân mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống hôn nhân… Từ đó, căn cứ vào quy định của pháp luật và nếp sống văn hóa địa phương, Thẩm phán động viên họ tự hàn gắn, xóa bỏ mâu thuẫn, trở lại chung sống với nhau.
TAND huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) được xem là đơn vị có số lượng vụ, việc thụ lý hàng năm cao hàng đầu trong tòa án cấp huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với khoảng 900 vụ, việc mỗi năm.
Tính từ 1/10/2023 đến 30/9/2024, đơn vị đã thụ lý tổng số 925 vụ, việc. Kết thúc năm công tác, đã giải quyết 898 vụ, việc, đạt tỷ lệ 97%, vượt chỉ tiêu được giao.
Trong số các vụ, việc thụ lý thì án hôn nhân - gia đình chiếm phần lớn, với 434 vụ, việc; đã giải quyết 433 vụ, việc đạt tỷ lệ 99,76%. Trong đó, tòa giải quyết theo thủ tục tố tụng 354 vụ, việc; giải quyết theo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án 80 vụ, việc.
Trong tổng số vụ, việc đã giải quyết, TAND huyện Hoằng Hóa hòa giải thành, ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn 269 vụ, đình chỉ 91 vụ. Đáng chú ý, trong số vụ, việc đình chỉ, chủ yếu do đương sự đồng ý rút đơn ly hôn vợ chồng trở về đoàn tụ, sau khi được Thẩm phán hòa giải.
Đối với các vụ, việc hôn nhân - gia đình có liên quan đến người đang chấp hành án phạt tù tại các cơ sở giam, giữ, TAND huyện Hoằng Hóa đã tổ chức đưa đương sự vào trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ để tiến hành hòa giải. Quá trình hòa giải luôn đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Hầu hết các vụ, việc thuộc diện này đều hòa giải thành.
Bà Cao Thị Nga, Phó Chánh án TAND huyện Hoằng Hóa cho biết, để có được kết quả trên, là cả một quá trình phấn đấu của đơn vị, đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì công lý” để mỗi Thẩm phán, Thư ký tòa án đề cao tinh thần, trách nhiệm và cả lương tâm trong công tác giải quyết án. Nắm vững quy định của pháp luật và kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải, đối thoại, xem đây là giải pháp chủ đạo trong công tác giải quyết án dân sự nói chung và án hôn nhân - gia đình nói riêng.
Dó đó, số vụ, việc thuộc diện này được tòa ra quyết định công nhận thỏa thuận đạt tỷ lệ cao (83%), đảm bảo được mối đoàn kết trong nhân dân, bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em sau vụ hôn nhân, góp phần giữ gìn trật tự xã hội tại địa phương.
Phó Chánh án TAND huyện Hoằng Hóa cũng chia sẻ về quá trình hòa giải đạt được kết quả đáng ghi nhận đó là, sau khi nhận án theo phân công ngẫu nhiên, các Thẩm phán đã dành nhiều thời gian xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ, tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân ly hôn, bản chất của mâu thuẫn gia đình... để tìm hướng hòa giải phù hợp, hiệu quả.
Đồng thời, Thẩm phán đã dành thời gian lắng nghe cả vợ và chồng trình bày nguyên nhân mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống hôn nhân, những điều chưa đồng thuận với nhau, ý định phân chia tài sản, quyền nuôi con... Từ đó, căn cứ vào quy định của pháp luật và nếp sống văn hóa địa phương, Thẩm phán động viên họ tự hàn gắn, xóa bỏ mâu thuẫn, trở lại chung sống với nhau. Hoặc gợi ý các hướng tự thỏa thuận, phân chia quyền về sở hữu tài sản, quyền nuôi con sau hôn nhân, hạn chế trường hợp tòa án phải đưa ra xét xử.
Theo bà Nga, nhiều phiên hòa giải tại tòa kéo dài cả buổi, thậm chí bị ngắt quãng nhiều lần do một bên không muốn nghe ý kiến của bên còn lại, hoặc cãi cọ nhau tại tòa. Cũng không ít phiên hòa giải bị tạm dừng và phải tổ chức lại vào ngày hôm sau, do vợ chồng không ai nghe ai. Nhưng bằng kinh nghiệm và sự kiên trì trong hòa giải, vận động, thuyết phục, các thẩm phán ở đơn vị đã tổ chức hòa giải thành nhiều vụ, việc hôn nhân - gia đình, giúp nhiều cặp vợ chồng trở về đoàn tụ.