Giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập được hỗ trợ 2,2 hoặc 3,7 triệu đồng nếu nghỉ không lương 30 ngày trở lên do Covid-19 từ tháng 5 đến 12/2021.
Ngày 11/8, Chính phủ ban hành Nghị quyết 103/2022 về chính sách hỗ trợ cán bộ, giáo viên, nhân viên mầm non và tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do Covid-19.
Để được hưởng chính sách, các đối tượng cần đảm bảo đồng thời các điều kiện: Trước khi trường phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống Covid-19 theo yêu cầu của cơ quan chức năng, cán bộ, giáo viên và nhân viên phải đang làm việc tại một cơ sở giáo dục ngoài công lập; nghỉ việc không lương tối thiểu một tháng (tính từ 1/5 đến hết 31/12/2021). Người đăng ký nhận hỗ trợ cần có xác nhận làm việc ít nhất hết năm học 2021-2022 tại một trường ngoài công lập.
Cùng với đó, cán bộ, giáo viên và nhân viên cần đảm bảo chưa được hưởng chính sách với người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương (theo Nghị quyết 68 của Chính phủ) do không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Những người đạt điều kiện được hỗ trợ một lần 3,7 hoặc 2,2 triệu đồng. Mức hỗ trợ phụ thuộc vào việc người đăng ký chưa hoặc đã được hưởng chính sách của địa phương theo quy định của Nghị quyết 68 của Chính phủ.
"Mục tiêu của chính sách là giúp ổn định đội ngũ, tránh đứt gãy nguồn cung ứng nhân lực có kinh nghiệm cho các trường mầm non, tiểu học ngoài công lập, đảm bảo an toàn cho trẻ em và học sinh, giúp phụ huynh yên tâm tham gia lao động, góp phần để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống và an sinh xã hội", nghị quyết nêu.
Về ngân sách hỗ trợ, các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu, phân chia về trung ương trên 60% tự đảm bảo kinh phí thực hiện. Với nhóm địa phương còn lại, nhà nước sẽ hỗ trợ 40-80% tùy khu vực, căn cứ vào điều kiện kinh tế và mức tự cân đối ngân sách. Phần tiền phải bù sẽ được các tỉnh, thành lấy từ nguồn dự phòng ngân sách và quỹ dự trữ tài chính địa phương.
Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bên liên quan đôn đốc việc thực hiện chính sách; Bộ Tài chính đảm bảo nguồn ngân sách nhà nước; còn các địa phương đảm bảo xét duyệt công khai, đúng người, không để chính sách bị trục lợi.
Thời gian thực hiện hỗ trợ đến hết 31/12/2022.
Năm học 2019-2020, cả nước có 15.041 trường mầm non, trong đó 2.900 trường ngoài công lập. Về số lượng nhóm, lớp mẫu giáo độc lập, tổng cả nước có hơn 193.700, ngoài công lập chiếm khoảng một phần bốn - 50.500. Việt Nam có hơn 5 triệu trẻ mẫu giáo, mầm non và khoảng 1 triệu trong số đó theo học tại các cơ sở ngoài công lập.
Một khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đánh giá thực trạng và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập cho thấy, 95,2% cơ sở mầm non tư thục không có doanh thu trong nhiều tháng (đa phần từ 6 tháng trở lên); 81,6% cơ sở không trả được lương cho giáo viên.
Năm ngoái, hơn 150 cơ sở giáo dục mầm non tại TP HCM xin giải thể vì Covid-19 kéo dài. Tháng 10/2021, gần 100 chủ cơ sở mầm non khác phải làm đơn kiến nghị, xin sự hỗ trợ từ các ban ngành và chính quyền.