Hỗ trợ có chọn lọc

Trung Nguyễn| 27/08/2020 10:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa đề xuất gói hỗ trợ lần 2 dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 với kinh phí 18.600 tỷ đồng.

Trong đó, 15.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, người lao động tại khu vực nông thôn vay với lãi suất 3,96%/năm để khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm. Còn lại 3.600 tỷ đồng dành để hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho người lao động đang phải thuê nhà và (hoặc) nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm...

Hiện tại, gói hỗ trợ lần 2 của Chính phủ đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư sơ thảo và tham vấn ý kiến chuyên gia.

Theo số liệu thống kê, gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng kết thúc vào tháng 6 nhưng đến giữa tháng 7 mới có 11,6 nghìn tỷ đồng đến được với 11,5 triệu người và hơn 9 nghìn hộ kinh doanh. Hay gói 16 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp vay không lãi suất để trả lương cho người lao động đến ngày kết thúc (31/7) cũng không giải ngân được bao nhiêu.

Rút kinh nghiệm từ đó, gói hỗ trợ lần 2 phải bảo đảm tính khả thi, hợp lý, đúng đối tượng và đúng thời điểm để đạt được hiệu quả cao nhất.

Vào lúc này, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ phải là bảo đảm an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động.

Theo đó, các chính sách an sinh xã hội như chi trả bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người bị tạm thời ngưng việc, trợ cấp cho người nghèo, người bị mất kế sinh nhai phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng. Đặc biệt, lao động trong khu vực phi chính thức cần được quan tâm hơn vì họ chiếm tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác nặng nề nhất và có thể nằm ngoài phạm vi được thụ hưởng của các chính sách hiện tại.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần có sự phân loại và tập trung hơn. Ví dụ, việc khoanh, ngưng hoặc miễn giảm lãi vay và tiền thuê đất nên áp dụng cho nhóm doanh nghiệp phải dừng hoạt động. Các chính sách hoãn đóng bảo hiểm xã hội, giảm tiền thuê đất, giảm lãi vay và khoanh nợ, giãn thu thuế VAT nên được thực hiện với doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực nhưng còn hoạt động, kèm theo tiêu chí rõ ràng về các mức độ hỗ trợ để tránh dàn trải.

Tại tọa đàm “Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Góc nhìn thực tế từ doanh nghiệp và sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước”, nhiều doanh nghiệp cho biết đã được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để hạn chế, khắc phục thiệt hại do Covid – 19, tuy nhiên, các chính sách này cũng còn rất nhiều bất cập và số lượng doanh nghiệp được hưởng lợi, mức độ hưởng lợi còn rất “nhỏ giọt”. Khảo sát trong tháng 4 vừa qua của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho kết quả mới chỉ có 2,9% số doanh nghiệp chính thức nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách.

 Đề xuất được rất nhiều doanh nghiệp tán đồng tại buổi tọa đàm chính là cần thiết phải hỗ trợ doanh nghiệp có chọn lọc.

Theo ông Phạm Bắc Bình – Chủ tịch HH Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Đà Nẵng cần phải có sự rõ ràng trong hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể. Xác định hỗ trợ doanh nghiệp nào. “Nên chăng cần có sự hỗ trợ chọn lọc hơn. Trong đó, ưu tiên những doanh nghiệp có năng lực. Đã là doanh nghiệp phải xoay sở để có doanh thu mới giảm lỗ, thì những doanh nghiệp đó cần phải được hỗ trợ”, ông Bình kiến nghị.

Một số ý kiến cho rằng vẫn còn nhiều “hạt sạn lớn” trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Cần phải hiểu doanh nghiệp, sức khỏe doanh nghiệp thế nào để hỗ trợ. Nguồn lực của Nhà nước không thể cứu được tất cả, vậy có nên ưu tiên cứu doanh nghiệp nào. Nên chăng cần ban hành chính sách có tính chọn lọc cao hơn theo hướng ưu tiên doanh nghiệp có tính bền vững, có sức chống chịu, thích ứng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ có chọn lọc