Hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh

Kim Truyền| 18/08/2021 14:09
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhằm kịp thời hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh vượt qua khó khăn bởi đại dịch Covid-19, tận dụng công nghệ để khôi phục sản xuất kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án, Tờ trình, Quyết định phê duyệt Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025.

Chuyển đổi số với các cơ sở sản xuất kinh doanh

Tuy tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, đời sống nhân dân, nhưng Việt Nam là một trong số ít quốc gia duy trì được tốc độ tăng trưởng dương đạt mức gần 3% trong năm 2020 và đạt 5,64% trong 6 tháng đầu năm 2021. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 7,2%; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 9,2 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020. Để đạt được các thành tựu trên, các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh đóng vai trò nòng cốt, là trung tâm của hoạt động kinh tế, tạo việc làm, ổn định an sinh, xã hội.

Tính đến tháng 6 năm 2021, cả nước có khoảng 870 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động; hơn 26.000 hợp tác xã với tổng số 6,8 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động và hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh. Quy mô các cơ sở sản xuất kinh doanh ở Việt Nam chủ yếu là quy mô nhỏ và siêu nhỏ (hầu hết các hộ kinh doanh là quy mô siêu nhỏ; trong các doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm trên 94%, doanh nghiệp quy mô vừa và lớn chiếm khoảng gần 6%).

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi và thích ứng. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đang diễn ra một cách nhanh chóng tạo ra sức ép cạnh tranh, thách thức rất lớn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số là giải pháp, là xu hướng tất yếu để các cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực hiệu quả, tồn tại và phát triển.

1(4).jpg
Ảnh minh hoạ

Để cụ thể hóa chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và giải pháp của Chính phủ về hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và cấp bách của các cơ sở sản xuất kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025.

Chương trình, hướng tới mục tiêu 100% DN được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong giai đoạn 2021-2025. Chương trình đã xây dựng khóa đào tạo trực tiếp và đào tạo trực tuyến cho doanh nghiệp về chuyển đổi số để cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận kiến thức, nâng cao năng lực chuyển đổi số. Đối tượng là các cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm: doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp được định nghĩa là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo ra các giá trị mới. Các hoạt động chuyển đổi số có thể bao gồm từ việc số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp, áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong doanh nghiệp cho đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp.

Các giải pháp công nghệ cho phát triển kinh doanh, mở rộng kênh bán hàng đơn giản trong giai đoạn này được doanh nghiệp lựa chọn có thể nói đến như thương mại điện tử và hỗ trợ bán hàng đa kênh (omni-channel), truyền thông và marketing online, thanh toán trực tuyến, v.v. Với sự phát triển không ngừng của xu hướng 4.0, các doanh nghiệp vừa và nhỏ dù chưa có kinh nghiệm trong chuyển đổi số nhưng với tiềm năng và nguồn lực sẵn có có thể dễ dàng tiếp cận với các giải pháp này với chi phí hợp lý. Bên cạnh đó, mục tiêu chuyển đổi số luôn gắn liền với trải nghiệm khách hàng, các doanh nghiệp cần đáp ứng nhu cầu thay đổi mỗi ngày thông qua việc áp dụng công nghệ số trong xây dựng và quản lý chuỗi cung ứng, đảm bảo tính linh hoạt, đa dạng và bền vững.

Khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số

Nhu cầu chuyển đổi số trở nên cấp thiết để các cơ sở sản xuất kinh doanh đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với thời đại. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và triển khai Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh là cấp thiết để kịp thời hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu và triển khai thực tiễn Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ đã nhận thấy các hạn chế, thách thức khi các cơ sở sản xuất kinh doanh tiến hành chuyển đổi số. Trong đó, hạn chế về nhận thức, năng lực triển khai là tối quan trọng bởi chuyển đổi số bắt đầu từ nhận thức. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chưa có nhiều kinh nghiệm về ứng dụng, khai thác công nghệ, hình dung và nhận thức được các thay đổi đang diễn ra, sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động của doanh nghiệp mình có thể là một việc không dễ dàng. Việc quyết định thực hiện chuyển đổi số hay không thực hiện vì thế sẽ cần thời gian để các cơ sở sản xuất kinh doanh hiểu được ý nghĩa, lợi ích của việc này. Ngoài ra, kể cả khi nhận thức được về vai trò, ý nghĩa thì chuyển đổi số thành công vẫn là một thách thức không nhỏ.

Hạn chế về thông tin thị trường các giải pháp chuyển đổi số: Hiện nay, các giải pháp số trên thị trường của các nhà cung cấp trong nước và quốc tế rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, để xác định được đâu là giải pháp phù hợp với điều kiện, nhu cầu của cơ sở sản xuất kinh doanh không phải là đơn giản, nhất là các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, cần các giải pháp công nghệ phức tạp và tốn kém chi phí. Hầu hết các doanh nghiệp quyết định lựa chọn mua giải pháp thông qua tư vấn của các nhà cung cấp giải pháp công nghệ và đôi khi chưa khách quan và phù hợp nhất với cơ sở sản xuất kinh doanh.

Hạn chế về nguồn tài chính triển khai chuyển đổi số: Các dự án chuyển đổi số có thể tốn rất nhiều chi phí đầu tư, trong khi năng lực tài chính của các DN, đặc biệt là cá doanh nghiệp vừa và nhỏ còn khá hạn chế. Theo khảo sát của VCCI và JETRO với hơn 400 doanh nghiệp tại Việt Nam năm 2020, có đến 55,6% các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng chi phí ứng dụng công nghệ là hạn chế lớn nhất. Ngoài ra, chuyển đổi số có thể phát sinh thêm các chi phí như: Chi phí thay đổi quy trình, đào tạo nhân sự để thích ứng với quy trình mới; Chi phí đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin; Chi phí trong việc xây dựng hệ thống, đảm bảo an ninh, an toàn và phòng chống rủi ro…

Bên cạnh đó, hành lang chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính phủ điện tử, các giao dịch, thủ tục hành chính trên nền tảng số vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Đây cũng là các thách thức, hạn chế cho doanh nghiệp khi xác định chiến lược, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số (tiêu chuẩn công nghệ, giao dịch thương mại điện tử, chứng thực số, thuế, hải quan, v.v.).

Doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thành công, đạt tới mức độ “trưởng thành số” thì điều đầu tiên nhất thiết đó là phải có chiến lược về chuyển đổi số, trong đó xác định được cơ hội thị trường, hướng đi, tầm nhìn, mục tiêu hướng tới, chiến lược, chiến thuật để đạt được các mục tiêu đó. Cùng với đó là việc xác định được mô hình kinh doanh và lộ trình triển khai dự án chuyển đổi số; việc lựa chọn cán bộ phụ trách triển khai quá trình chuyển đổi số và thiếu nhân lực nội bộ đủ năng lực để triển khai chuyển đổi số; việc điều chỉnh, phát triển mới các sản phẩm, dịch vụ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh