Hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh có thất lạc hay không?

Mai Thoa| 04/08/2017 06:17
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 3/8, phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017 đã diễn ra với rất nhiều nội dung nóng mà dư luận quan tâm.

Mở đầu phiên họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã thông báo kết quả phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa diễn ra.

Ông cho biết, phiên họp đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7%. Quý I đạt tăng trưởng 5,15% và quý II đạt tăng trưởng 6,1%. Như vậy 6 tháng chúng ta đạt tăng trưởng 5,6% và quyết tâm 6 tháng còn lại chúng ta phải đạt tăng trưởng 7,43% để có mục tiêu chung của cả năm 2017 là tăng trưởng 6,7% từ các biện pháp tích cực của các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là khối sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp, chế tạo.

Về tăng trưởng nông nghiệp, chúng ta phải bảo đảm tăng trưởng 3,05%, công nghiệp là 10,91%, dịch vụ thương mại là 7,19% để chúng ta có chỉ số chung là 6,7%.

Hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh có thất lạc hay không?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì họp báo

Không chấp nhận đơn xin thôi việc của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa quyết định kỷ luật, cảnh cáo và đề nghị miễn nhiệm các chức vụ trong Đảng đối với Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Tuy nhiên, hiện nay bà Thoa đã nộp đơn xin thôi việc. Vậy việc này sẽ xử lý ra sao?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại Hội nghị lần thứ 16 Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp và có đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm chức vụ hiện nay của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Như vậy, quản lý đối với Thứ trưởng Bộ Công Thương thuộc Ban Bí thư, nếu Ban Bí thư đồng ý với đề xuất của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì các cơ quan chức năng sẽ thực hiện việc này.

Riêng đối với Chính phủ thì Thủ tướng giao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương thực hiện đúng quy trình nếu như Ban Bí thư đồng ý với đề xuất của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Còn việc ngày 31/7, Ban Cán sự Đảng bộ Chính phủ nhận được báo cáo của Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương và đơn xin thôi việc của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang giao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ xem xét, đề xuất với Ban Cán sự Đảng Chính phủ.

Tuy nhiên, theo Luật Công chức và Nghị định 46 năm 2010 thực hiện luật này, khi cán bộ đang trong quá trình điều tra, đang trong quá trình xem xét kỷ luật thì không được thực hiện chấp nhận thôi việc.

Trả lời câu hỏi về việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có ký quyết định bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam với tiêu chuẩn, điều kiện không đúng quy định của chính Bộ GTVT?

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Xuân Sang, Bộ GTVT đã căn cứ vào các quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ được Bộ Nội vụ ban hành, trên cơ sở tiêu chuẩn đó có quy định cụ thể của Bộ GTVT về tiêu chuẩn. Trong các tiêu chuẩn, có tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, cụ thể là phải đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên, chứ không phải là đang giữ ngạch chuyên viên chính trở lên.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sang được bổ nhiệm vào tháng 9/2015 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT và được quy hoạch chức danh Cục trưởng khi đang giữ cương vị là Giám đốc Cảng vụ TP. HCM. Đồng chí được đào tạo chuyên ngành kỹ sư tàu biển, cử nhân luật, tiến sĩ nghiên cứu điện ô tô và tàu thủy… Đồng chí có 26 năm kinh nghiệm, 23 năm trực tiếp làm công tác chuyên môn về lĩnh vực hàng hải, cụ thể là tại Cảng vụ TPHCM.

Khi chọn nhân sự bổ nhiệm chức danh Cục trưởng, được tập thể lãnh đạo cấp ủy của Cục Hàng hải thống nhất cao và đề nghị. Tại thời điểm bổ nhiệm, đồng chí cũng hoàn thành tất cả các chứng chỉ cao cấp lý luận chính trị. Đồng chí có tham gia thi nâng ngạch chuyên viên chính vào năm 2014, theo kết quả của Bộ Nội vụ công bố là đạt. Trên cơ sở các tiêu chuẩn của đồng chí, tất cả các quy trình thủ tục và xem xét bổ nhiệm đúng theo quy định hiện hành về bổ nhiệm cán bộ.

Hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh có thất lạc hay không?

Phiên họp báo thường kỳ Chính phủ

Phạt xe không có giấy tờ gốc như thế nào?

Liên bộ gồm Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có báo cáo về vấn đề xử phạt đối với trường hợp xe không có giấy tờ gốc (do đã thế chấp ngân hàng). Xin hỏi việc xử lý của Chính phủ  thế nào?

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Liên quan đến phương tiện giao thông, tại Nghị định 163 có quy định khi thế chấp, bên đi thế chấp vẫn được quyền nắm giữ giấy tờ các tài sản này, trong khi đó Bộ luật Dân sự cho rằng việc thế chấp tài sản để vay,  còn bên nhận thế chấp có quyền nắm giữ giấy tờ phương tiện đó nếu có trong thoả thuận vay mượn giữa 2 bên.

NHNN đã nhận thấy được vấn đề khó khăn, bên nhận thế chấp vẫn nắm giữ giấy tờ đó, có thể chuyển nhượng, mua bán, cầm cố, cầm đồ, nên các NHTM khi cho vay khó kiểm soát, dẫn đến nợ xấu phát sinh. Do đó, NHNN đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Công an, Tư pháp cho phép người điều khiển giao thông được dùng bản sao, có xác nhận của tổ chức tín dụng và đề nghị Bộ Công an không xử phạt. Hiện các cơ quan liên quan đang phối hợp xử lý vướng mắc này.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm: Hiện nay các ngân hàng thương mại đang thực hiện tốt việc khuyến khích người tiêu dùng mua ô tô trả góp. Nếu giao bản gốc và tài sản cho  người thế chấp, thì các ngân hàng không thể bảo đảm khi chuyển nhượng tài sản, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Khi có thông tin này, Thủ tướng đã chỉ đạo giao Bộ Tư pháp rà soát toàn bộ thủ tục theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Khi chính thức có ý kiến bằng văn bản, VPCP sẽ thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tới các cơ quan báo chí.

Hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh thất lạc?

Liên quan đến việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận, Ban Bí thư cũng đã có quyết định xử lý. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng về việc hồ sơ gốc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh ở Bộ Nội vụ bị thất lạc và Bộ Công an đang tiến hành phối hợp làm rõ. Vậy cho đến nay việc kiểm tra, kiểm điểm trong nội bộ của Bộ cũng như kết quả xác minh của Bộ Công an như thế nào?

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho hay, vụ việc Trịnh Xuân Thanh liên quan đến rất nhiều việc xảy ra trong thời gian vừa qua. Thời gian qua người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt các cơ quan có trách nhiệm, đã quan tâm chỉ đạo từ công việc kiểm điểm đến xem xét kỷ luật tổ chức và cá nhân liên quan.

Liên quan đến hồ sơ phê duyệt chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với Trịnh Xuân Thanh, hồ sơ có thất lạc hay không hiện đang báo cáo Bộ Công an và đang trong quá trình kiểm điểm, điều tra. Tuy nhiên, hồ sơ đề nghị phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND, Bộ Nội vụ nhận được 2 bộ hồ sơ có dấu đỏ gốc từ tỉnh Hậu Giang. Văn thư Bộ Nội vụ vẫn giữ 1 bản gốc. Nếu có thất lạc là thất lạc bản đóng dấu “Công văn đến”. Tuy nhiên, việc này Bộ Nội vụ đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an kiểm điểm các cá nhân, đơn vị có liên quan, khi nào có kết quả cụ thể sẽ thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh có thất lạc hay không?