Người đàn ông 50 tuổi, ho ra máu suốt 20 năm, đi nhiều bệnh viện chụp X-quang phổi vẫn không phát hiện dị vật do mảnh xương heo nằm khuất sau bóng tim.
Ngày 27/5, thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, khoa Nội soi vừa gắp thành công dị vật là mảnh xương ống của lợn (dài 5 cm) bị bóng tim "che giấu" suốt 20 năm trong thành phế quản của bệnh nhân 50 tuổi ở Kiên Giang.
Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây 20 năm, ông có một lần bị hóc xương, sặc và nghi mình bị một mảnh xương lọt vào đường thở. Tuy nhiên, khi chụp X-quang phổi tại y tế cơ sở không phát hiện ra mảnh xương, nên không được điều trị.
Do lần này bệnh nhân ho ra máu nhiều, được chỉ định chụp phim phổi thì phát hiện có tình trạng viêm phổi, hậu tắc nghẽn. Bệnh nhân đến một cơ sở y tế lớn tại TP.HCM thì được chỉ định chụp CT. Kết quả phát hiện có 1 mảnh dị vật kèm tăng sáng nhiều.
Sau đó, bệnh nhân được nội soi gắp dị vật 2 lần nhưng không thành công nên được giới thiệu đến Bệnh viện Chợ Rẫy để gắp dị vật trong phổi ra.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, sau khi kiểm tra, ThS.BS Phạm Thị Vân Thanh - Khoa Nội soi xác định, vị trí mảnh xương nằm rất đặc biệt, khuất sau bóng tim nên chụp X-quang không nhìn thấy được. Do xương nằm 20 năm trong phổi bệnh nhân nên mọc rất nhiều mô hạt và xương lại có cạnh sắc nhọn nên dị vật cắm rất sâu vào thành phế quản.
Trước khi gắp các bác sĩ phải xem xét kỹ, nếu xương cắm vào động mạch lớn thì khi kéo dị vật ra có thể khiến bệnh nhân tử vong. May mắn, hình ảnh trên phim CT ghi nhận mảnh xương không xâm lấn mạch máu lớn, có thể nội soi gắp dị vật.
Do mảnh xương nằm vị trí khó, không xác định rõ ràng hình dạng nên đến động tác thứ 4, bác sĩ mới tách được phần đầu xương ra khỏi khối mô hạt và thành phế quản. "Mảnh xương rất to, kích thước 5x7 cm, rất dày, lại nằm lâu năm nên mức độ nguy hiểm tăng hơn rất nhiều so với những trường hợp xương nhỏ và mới phát hiện", BS Thanh phân tích.
Sau gắp, bệnh nhân hồi phục tốt, không còn ho ra máu.
Qua trường hợp này, theo các bác sĩ, khi ăn các món canh, súp hầm xương thường rất dễ lẫn các mảnh xương, nên người ăn hạn chế cười giỡn hoặc nói chuyện khi ăn, đặc biệt là trẻ em nhằm tránh bị tai nạn sinh hoạt đáng tiếc như trên.