Ngày 2/10, ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện trung tâm đang điều trị cho 1 nam thanh niên nghiện bóng cười.
Theo BS Nguyên, thời gian gần đây bệnh viện tiếp nhận khá nhiều trường hợp ngộ độc khí ôxít nitơ (N2O) do lạm dụng bóng cười, dẫn tới tổn thương thần kinh. Bệnh nhân nhập viện khi cơ thể có cảm giác tê bì, đi không vững, phấn khích, ức chế thần kinh...
Đang điều trị tại Trung tâm là nam bệnh nhân 21 tuổi bị ngộ độc bóng cười sau khoảng 6 tháng hít bóng cười liên tục. Theo lời bệnh nhân, 6 tháng qua đã mua bình khí 5kg về nhà tự bơm bóng cười hít. Có ngày bệnh nhân hít tới 20, thậm chí 30 quả bóng cười.
Cách đây 4 ngày, bệnh nhân nhập viện khi có biểu hiện ngộ độc khí N2O, người tê liệt, mất thăng bằng, tứ chi tê bề... Sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo nhưng phải điều trị thời gian dài.
Bóng cười được sử dụng công khai tại nhiều nơi. Ảnh minh hoạ
BS Nguyên cho hay, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc bóng cười. Bóng cười là quả bong bóng được bơm khí N2O, loại khí gây hưng phấn thần kinh, tạo cảm giác muốn cười khi hít vào nên còn được gọi là khí cười.
"Khí cười N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin. Đây là lý do nhiều người lúc đầu chỉ sử dụng bóng cười cho vui, cho rằng vô hại vì hết cười lại bình thường.
Tuy nhiên, xu hướng sẽ tăng liều dần và sẽ gây nguy cơ ngộ độc. Trong trường hợp cười do hít bóng cười, việc cười quá mức, liên tục cũng đã có thể gây ngạt do thiếu ôxy. Nếu trên cơ địa có bệnh đường hô hấp thì rất nguy hiểm, có thể bị ngạt, suy hô hấp”, BS Nguyên phân tích.
Hiện nhiều nước như Mỹ, Anh đã đưa vào quy định cấm sử dụng và kinh doanh N20 cho các mục đích giải trí, trên người không phải y tế… Trong y khoa, trước đây, N2O cũng từng được sử dụng trong một số trường hợp lo âu và trầm cảm cũng như làm giảm tình trạng kích động, mê sảng trên những bệnh nhân cai rượu. Tuy nhiên, hiện nay, với những tiến bộ y học, các dược phẩm điều trị lo âu và trầm cảm có rất nhiều và hiệu quả nên N2O không còn được sử dụng.
Tại Việt Nam N2O chưa bị xem là ma túy vì không bị luật pháp ngăn cấm và vẫn còn đang được sử dụng trong y học.