Hình ảnh con Trâu trong ngôn ngữ tục ngữ, ca dao Việt Nam

Thu Hà (TH)| 11/02/2021 11:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

“Con trâu” là hình ảnh gắn liền với văn hóa Việt Nam, “con trâu” là biểu tượng của nghề nông trồng lúa nước của Việt Nam ta từ thời vua Hùng cho đến ngày nay và có khi mãi mãi về sau. Hình ảnh con trâu trong ca dao, tục ngữ trước hết là hình ảnh được biểu hiện hiển ngôn. Sau đó hình con trâu là sự gắn bó với người nông dân, có công rất lớn trong sản xuất nông nghiệp thể hiện sự giàu có sung túc.

hinh-anh-chan-trau.jpg
Ảnh minh họa

Nhắc đến trâu là con vật đóng vai trò hàng đầu của nhà nông: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Muốn làm giàu thì phải nuôi trâu, đặc biệt là trâu nái vừa cày vừa sinh sản và bán trâu giống là có cơ hội giàu có: “Muốn giàu nuôi trâu nái, muốn lụn bại nuôi bồ câu”. Tuy nhiên, việc “tậu trâu” là việc hệ trọng tương đương “lấy vợ, làm nhà” và chọn trâu tốt không phải là công việc dễ dàng.

Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà

Trong ba việc ấy thật là khó thay.

Sự giàu có sung túc của nhà nông được đánh giá bằng chất lượng và số lượng ruộng và trâu: “Ruộng sâu, trâu nái” và ca dao thì:

Chẳng tham lắm ruộng nhiều trâu,

Tham vì ông lão tốt râu mà hiền.

Trâu đã gắn bó với tuổi thơ của nhiều người, Chăn trâu trên cánh đồng bát ngát và trên lưng trâu nghe tiếng diều vi vu là một hình ảnh không bao giờ quên. Chăn trâu là một việc làm khá vất vả, phải đi sớm về khuya, suốt ngày phơi mặt ngoài đồng, phải chịu mưa nắng gió rét, chăm bẵm trâu cho béo tốt, có sức mà kéo cày:

Trâu anh con cưỡi con dòng,

Lại thêm con nghé cực lòng thằng chăn.

Chăn trâu là phải luôn coi chừng trâu, không để trâu đi lạc đàn, trâu ăn lúa. Trâu đã đi vào bài ca dao huyền thoại nói về chú Cuội chăn trâu mải chơi, ngồi gốc cây đa để trâu ăn lúa…

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa

Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời

Cha còn cắt cỏ trên trời

Mẹ còn cưỡi ngựa đi chơi cầu vồng

Người chăn trâu tâm tình, khuyên bảo trâu ân cần về việc ăn uống, làm lụng, cả về những vấn đề triết lí nhân sinh:

Trâu ơi ta bảo trâu này,

Trâu ăn cho béo trâu cày cho sâu.

Ở đời khôn khéo chi đâu,

Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần.

Với nghề nông thì “cần” là phẩm chất quan trọng và người chăn trâu khuyên trâu muốn cần thì phải có sức khoẻ, muốn có sức khoẻ để cày sâu thì phải ăn cho khoẻ. Người nông dân nói với trâu là cũng tự nhủ với lòng mình.

Chính vì vất vả nặng nhọc và mang trách nhiệm nặng nề nên đứa trẻ chăn trâu được xã hội xưa coi trọng, quý mến. Có hẳn một lễ hội mục đồng mà những đứa trẻ chăn trâu tham gia và được đối xử trọng vọng. Lễ hội chọi trâu là một hình thức thi trâu khoẻ, tôn vinh người chăn trâu, gia đình nào có trâu thắng cuộc thì rất vinh dự. Lễ hội chọi trâu trở thành một ngày hội lớn:

Dù ai buôn đâu bán đâu,

Mồng mười tháng tám chọi trâu thì về.

Dù ai buôn bán trăm nghề,

Mồng mười tháng tám trở về chọi trâu.

Bên cạnh đó con trâu với công việc cày bừa của nhà nông thường do người đàn ông đảm nhận. Vì vậy, biết điều khiển con trâu và cày sao cho giỏi là tiêu chuẩn để đánh giá người con trai trong công việc nhà nông:

Trai thì cày ruộng khiển trâu

Gái thì phải biết bổ cau têm trầu

Văn hoá nghề nông thể hiện rất rõ qua công việc cày cấy, mối quan hệ giữa người với trâu. Trâu không còn là con vật mà là người bạn cùng làm nông, họ thường tâm tình tha thiết với trâu về công việc cày cấy:

Trâu ơi! Ta bảo trâu này!

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.

Cày cấy vốn nghiệp nông gia,

Ta đây trâu đấy ai mà quản công!

Bao giờ cây lúa trổ bông,

Thời còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Con trâu thường gắn với lịch nông vụ:

Tháng tư đi tậu trâu bò,

Để ta sắm sửa làm mùa tháng năm…

Nghề nông là một nghề vất vả nhưng là một nghề cao cả vì nó quyết định đến đời sống của mọi người. Người Đông Nam Á nói chung và người Việt Nam nói riêng, cơm là món ăn chủ đạo hàng ngày. Bài ca sau đây nói về sự lam lũ của nghề nông và lời nhắn gửi với mọi người đừng quên công lao nhọc nhằn của họ”

Lao xao gà gáy rạng ngày,

Vai vác cái cày, tay dắt con trâu.

Bước chân xuống cánh đồng sâu,

Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu đi cày.

Ai ơi! Bưng bát cơm đầy,

Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng.

Tuy vất vả nhưng người nông dân luôn yêu đời, lạc quan tin tưởng vào tương lai tươi sáng. Họ coi công việc cày cấy là niềm vui và giữa trâu với người cùng hoà bài ca hăng say lao động. Cảnh trâu và người cùng đồng hành trong công việc nhà nông, trâu như một thành viên trong gia đình đầm ấm hạnh phúc:

Rủ nhau đi cấy đi cày

Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu

Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa.

hinh-minh-hoa.jpg
Ảnh minh họa

Hình ảnh con trâu được dùng với ý nghĩa hành ngôn có số lượng khá cao trong các bài ca dao tục ngữ nói về con trâu. Nhận xét về nhiều dạng người trong xã hội, tục ngữ dùng hình ảnh con trâu với các cấu trúc biểu thị ý nghĩa hành ngôn. Hình ảnh “trâu chậm” và “trâu ngơ” để biểu thị loại người chậm chạp, ngu ngơ thì sẽ bị thua thiệt: “Trâu chậm uống nước dơ, Trâu ngơ ăn cỏ héo”. Khi người ta cùng cảnh ngộ, cùng giới tính thì thường có những suy nghĩ và ham muốn giống nhau thể hiện qua câu tục ngữ: “Bụng trâu làm sao, bụng bò làm vậy” hay “Bụng trâu cũng như dạ bò”. Phê phán những kẻ cơ hội, vô tâm, chỉ biết lợi cho mình, tục ngữ có câu: “Trâu lành không ai mà cả Trâu ngã nhiều gã cầm dao”, “Trâu chết mặc trâu, bò chết mặc bò, củ tỏi giắt lưng”. Để chỉ loại người tham lam, tác giả dân gian dùng hình ảnh cái bụng vô độ của chó và trâu: “Cơm đâu no bụng chó, cỏ đâu no bụng trâu”.

Tục ngữ thường lấy hình ảnh con trâu để nhận xét về các quan hệ trong xã hội. Trong xã hội xưa, những thế lực thống trị thường tranh chấp nhau làm cho dân tình tang thương khốn khổ thể hiện qua câu tục ngữ: “Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”. Để biểu thị sự so kè, ghen ghét nhau của các quan chức thời phong kiến, tác giả dân gian đã dùng hình ảnh “trâu buộc” và “trâu ăn”:

Trâu buộc thì ghét trâu ăn,

Quan võ thì ghét quan văn dài quần.

Nhận xét về nhân tình thế thái, dân gian thường dùng hình ảnh trâu với các cấu trúc ngữ nghĩa khác nhau. Câu tục ngữ “Cứt trâu để lâu hoá bùn” để hàm chỉ sự việc gì mà để lâu thì giảm bớt hiệu quả, giảm bớt sự nghiêm trọng của sự việc, thậm chí có thể thay đổi bản chất vấn đề. Thói thường nhiều khi người ta không nhận ra bản chất sự việc, khi có nhiều thì chê ỏng chê eo nhưng khi không có, túng thế lại chấp nhận những cái tầm thường:

Nước giữa dòng chê trong, chê đục

Vũng trâu đầm hì hục khen ngon

Nói về sự bù trừ, tương trợ lẫn nhau hoặc là sự chia đều, đổ đồng, tục ngữ có câu: “Trâu béo kéo trâu gầy”. Nói về tính cộng đồng thì tác giả dân gian thường nói về thói quen sống theo bầy đàn của trâu, đây cũng là tâm lí bầy đàn của xã hội sống quần cư: “Trâu có đàn, bò có lũ”. Người Việt Nam luôn trọng danh dự, coi danh dự hơn cả của cải vật chất nên biết tạo danh tiếng cho mình. Câu tục ngữ “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng” là để nhắc nhở mọi người biết giữ gìn danh dự.

Tác giả dân gian còn mượn hình ảnh trâu với đặc tính không thính tai để nói về vấn đề có tính triết lí nhân sinh, nói với người không hiểu biết như “Đàn gảy tai trâu”, làm việc một cách vô ích, không có hiệu quả:

Đàn đâu mà gảy tai trâu,

Đạn đâu bắn sẻ, gươm đâu chém ruồi!

Nói về mối quan hệ trai gái, câu tục ngữ “Trâu tìm cọc (cột), cọc chẳng tìm trâu” hàm chỉ người con trai thường đi tìm người con gái để ngỏ lời chứ con gái không đi tìm con trai để tán tỉnh. Hình ảnh đáng yêu của “ngọn cỏ phất phơ” là em và anh là “con nghé nhởn nhơ” đi tìm cỏ, cỏ cần cho trâu và trâu bao giờ cũng khát khao ăn cỏ như anh khát khao em:

Em như ngọn cỏ phất phơ,

Anh như con nghé nhởn nhơ giữa đồng

Hình ảnh cỏ được tiếp tục để hàm chỉ người con gái và sự “kén cỏ” được hàm chỉ sự kén vợ của các chàng trai:

Trâu kia kén cỏ bờ ao,

Anh kia không vợ đời nào có con.

Người ta con trước con sau,

Thân anh không vợ như cau không buồng.

Nói đến trâu là gắn với chức năng cày bừa và làm việc vất vả, nặng nhọc: “Trâu cày ngựa cưỡi”. Mượn ý của câu thành ngữ này nhưng ca dao nói với hàm nghĩa vui đùa:

Của chua ai nấy cũng thèm,

Em cho chị mượn chồng em vài ngày.

Chồng em đâu phải trâu cày,

Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm.

Nói đến trâu gắn liền với đồng làng là hàm chỉ kiểu văn hoá làng xã. Trong xã hội xưa, dân làng nào thì theo tập quán, hương ước của làng ấy theo kiểu: “Trâu đồng nào ăn cỏ đồng ấy”. các sinh hoạt đều bó hẹp trong phạm vi làng xã, thậm chí cái gì của làng mình cũng tốt hơn làng khác. Đây là kiểu văn hoá tự hào tự tôn về làng xã của mình:

Trâu ta ăn cỏ đồng ta,

Tham thanh chuộng lạ dắt qua đồng người

Đồng ngưi cỏ tốt nhưng hôi,

Đồng ta cỏ xấu nhưng bùi trâu ăn.

Như vậy, ngôn ngữ ca dao, tục ngữ có hình ảnh con trâu thể hiện đầy đủ các khía cạnh của văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần. Nói đến trâu là nói đến nền sản xuất nông nghiệp và văn hoá làng xã. Hình ảnh trâu trong ca dao, tục ngữ là hình ảnh dùng để so sánh, ẩn dụ nên mang ý nghĩa hành ngôn, thể hiện những nhận xét của tác giả dân gian về con người, việc đời và rút ra các mối quan hệ nhân sinh. Hình ảnh con trâu trong ca dao, tục ngữ là một kho bảo tàng sống động về sinh hoạt làng quê và phong tục tập quán gắn với nghề nông một thời và lưu truyền mãi mãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hình ảnh con Trâu trong ngôn ngữ tục ngữ, ca dao Việt Nam