Hiệu trưởng mất uy tín, cổ đông ĐH Hoa Sen đồng thuận đa số họp ĐHCĐ bất thường

N.Vũ - X.Phú - G.Nam| 03/08/2014 14:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen (ĐH Hoa Sen) Bùi Trân Phượng gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của trường khiến nhiều cổ đông bức xúc.

Sáng ngày 2/8, Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường năm 2014 đã được tổ chức để làm rõ sai phạm của Hiệu trưởng công khai, minh bạch.

 

Từ sai phạm chồng chất…

 

Việc bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, bị các cổ đông trong Hội đồng quản trị (HĐQT) tố cáo về nhiều sai phạm trong quản lý và tài chính giữa ĐH Hoa Sen và Công ty TNHH Nhà hàng Khách sạn và Du lịch Vĩnh An (Công ty Vĩnh An) đang tạo nên “làn sóng” bức xúc tại ngôi trường này.

 

Là người đứng đầu cả ĐH Hoa Sen và Công ty Vĩnh An, do đó mọi hoạt động của 2 tổ chức này đều được bà Bùi Trân Phượng đứng ra điều phối. Thế nhưng, theo phản ánh của đa số cổ đông ĐH Hoa Sen, bà Phượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện liên tiếp các sai phạm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi, danh tiếng của ngôi trường đại học này cũng như của các cổ đông. Cụ thể, dự án Vatel với mục tiêu đào tạo Cử nhân Quản lý khách sạn - Nhà hàng quốc tế là chương trình liên kết đào tạo giữa ĐH Hoa Sen và Trường Kinh doanh quốc tế Quản lý du lịch và khách sạn Vatel Development (Pháp) được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép tại Quyết định số 2239/QĐ-BGDĐT ngày 15/6/2012. Trong đó, ĐH Hoa Sen đảm nhiệm giảng dạy lý thuyết, còn Công ty Vĩnh An tạo điều kiện cho sinh viên thực hành. Thế nhưng, bà Phượng cho phép Công ty Vĩnh An được trực tiếp ký hợp đồng thuê giảng viên giảng dạy các môn học thuộc chương trình Vatel dẫn đến hậu quả là 11 người không đủ trình độ chuyên môn, kiến thức, văn bằng để giảng dạy. Không dừng lại, bà Phượng còn để Công ty Vĩnh An trực tiếp thu học phí của học viên chương trình Vatel với mức phí vượt quy định của Bộ GD&ĐT. Toàn bộ số tiền này, Công ty Vĩnh An đã không nộp về cho ĐH Hoa Sen. 

 

Những việc làm thiếu minh bạch này của bà Phượng đã khiến ĐH Hoa Sen không chỉ bị thiệt hại lớn về tài chính mà còn ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường khi ĐH Hoa Sen liên tiếp bị Bộ GD&ĐT xử phạt. Không chỉ có vậy, bà Bùi Trân Phượng với tư cách là Hiệu trưởng, người trực tiếp ký trên các báo cáo tài chính phải chịu trách nhiệm về việc gần 119 tỉ đồng tiền thu học phí năm 2013 - 2014 được chuyển vào các khoản “Học phí thu trước” và “Nợ phải trả” thay vì “Doanh thu” khiến ĐH Hoa Sen đã bị cơ quan thuế phạt gần 4 tỉ đồng tiền phạt chậm nộp thuế. 

 

Cổ đông đồng thuận bầu cử thành viên HĐQT ĐH Hoa Sen.

 

Cổ đông đồng thuận bầu cử thành viên HĐQT ĐH Hoa Sen.

 

… đến bãi nhiệm hầu hết các thành viên HĐQT cũ 

 

Trước những sai phạm của Hiệu trưởng nhà trường, một nhóm cổ đông sở hữu số lượng lớn cổ phần tại ĐH Hoa Sen đã trực tiếp làm đơn tố “tội trạng” của bà Phượng để gửi lên Bộ GD&ĐT và Thành ủy TP.HCM, yêu cầu bà Phượng phải chịu trách nhiệm cao nhất trước pháp luật và cổ đông ĐH Hoa Sen vì bà là người trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động giữa ĐH Hoa Sen và Công ty Vĩnh An. Bên cạnh đó, nhóm cổ đông ĐH Hoa Sen cũng đã có báo cáo yêu cầu tổ chức ĐHCĐ bất thường năm 2014.

 

Sáng ngày 2/8, ĐH Hoa Sen tổ chức ĐHCĐ bất thường và dưới sự chủ trì của Chủ tọa Nguyễn Trung Đức.

 

Theo trình bày của ông Đức, mặc dù thành lập Công ty Vĩnh An vào cuối năm 2011 là chủ trương của ĐH Hoa Sen, song chính bà Bùi Trân Phượng đã chỉ đạo Công ty Vĩnh An thu hút nhiều sinh viên mà đáng lý ra là của ĐH Hoa Sen để bố trí kế hoạch giảng dạy cả lý thuyết lẫn thực hành, trực tiếp ký hợp đồng thuê giảng viên giảng dạy, trực tiếp thu học phí từ học viên… ngay tại trụ sở của Công ty Vĩnh An (120Bis Sương Nguyệt Ánh, Q.1, TP.HCM) mặc dù đơn vị này hoàn toàn không có chức năng đó.

 

Ngoài ra, dự án Nguyễn Văn Tráng của ĐH Hoa Sen được bà Bùi Trân Phượng với tư cách là Trưởng ban Quản lý dự án phải chịu trách nhiệm khi để phát sinh công trình và duyệt chi vượt quá 20% mà không thông qua HĐQT của ĐH Hoa Sen. 

 

Vấn đề biến động nhân sự, ông Đức cho biết: “Tổng số nhân viên và giáo viên nghỉ việc từ năm 2009 đến hết tháng 5/2014 là 404 người”. Vấn đề này, nhiều cổ đông cho rằng: “Tỉ lệ nghỉ việc chung của toàn trường luôn cao sẽ gây tâm lý hoang mang với những người muốn cống hiến cho ĐH Hoa Sen, khi đó trường rất khó thu hút nhân tài. Trách nhiệm này thuộc về người điều hành, mà không ai khác chính là Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng”.

 

Tại đại hội, cổ đông đã thông qua việc bãi nhiệm thành viên HĐQT cũ và bầu cử thành viên HĐQT mới. Chủ tịch Trần Văn Tạo, Phó Chủ tịch kiêm Hiệu trưởng Bùi Trân Phượng đều bị bãi nhiễm với tỷ lệ lần lượt 98,50% và 98,75% trong tổng số cổ phần của cổ đông tham dự. Chỉ duy nhất ông Nguyễn Trung Đức, thành viên HĐQT cũ, vẫn đủ số phiếu tín nhiệm để tiếp tục nằm trong HĐQT mới.

 

HĐQT mới của Đại học Hoa Sen gồm những thành viên có kinh nghiệm và uy tín.

 

HĐQT mới của Đại học Hoa Sen gồm những thành viên có kinh nghiệm và uy tín.

 

PGS.TS Lưu Tiến Hiệp được toàn thể cổ đông bỏ phiếu tín nhiệm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT mới của ĐH Hoa Sen. Ông từng là một trong những thành viên sáng lập và lãnh đạo đầu tiên của trường Hoa Sen. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu trưởng mất uy tín, cổ đông ĐH Hoa Sen đồng thuận đa số họp ĐHCĐ bất thường