Hiệu quả trong ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát dịch Covid-19

Hoàng Nhưỡng| 06/07/2021 22:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chính phủ đã đưa ra chỉ đạo về công tác chống dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay dựa vào 3 mũi “tấn công”: Tăng cường xét nghiệm trên diện rộng, thực hiện chiến lược vaccine và ứng dụng công nghệ phục vụ truy vết. Trong đó, việc sử dụng công nghệ thông tin đang được nhiều nơi triển khai tích cực có hiệu quả.

Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng, chống dịch Covid-19 đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thành công. Singapore đã cho thấy sức mạnh của công nghệ giúp kiểm soát dịch Covid-19 và duy trì trạng thái bình thường mới của xã hội. Hai ứng dụng là TraceTogether dùng để truy vết tiếp xúc gần (gần giống phần mềm phát hiện tiếp xúc gần Bluezone) và ứng dụng SafeEntry sử dụng quét mã QR để ghi nhận sự có mặt người dân tại địa điểm họ đến được đảo quốc này tăng cường sử dụng.

Tại Việt Nam, từ năm 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh mẽ, đã có nhiều ứng dụng công nghệ thông tin được phát triển, trở thành công cụ đắc lực giúp nhà quản lý và người dân chủ động trong phòng, chống dịch Covid-19. Có thể kể đến một số ứng dụng đã và đang được sử dụng như: Bluezone (ứng dụng cảnh báo tiếp xúc gần người nghi nhiễm Covid-19); NCOVI (hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện); khai báo y tế cho người nhập cảnh; hệ thống ghi nhận người đến, đi các địa điểm công cộng (thông qua quét mã QR); hệ thống bản đồ chống dịch an toàn Covid-19...

1(1).png

Ngày 6/7, Sở TT&TT TP HCM đề xuất giải pháp ứng dụng CNTT trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà.

Theo ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tin học hóa về Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia: Việt Nam đã và đang làm rất tốt công tác chống dịch, và trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh ở nhiều nước, chúng ta đã là tấm gương cho cả thế giới về vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, thế giới đang dần phục hồi nhờ vaccine. Tại các nước phát triển, các hoạt động kinh tế, xã hội, giải trí đã trở lại trạng thái bình thường, thì Việt Nam đang phải quay lại trạng thái căng mình ứng phó với đợt bùng phát thứ 4 của Covid-19 - đợt dịch được cho là có diễn biến phức tạp nhất từ trước tới nay. Điều này sẽ có thể khiến chúng ta bỏ lỡ đi cơ hội trăm năm có một để Việt Nam đi nhanh hơn thế giới cả về phát triển kinh tế và chuyển đổi số.

Trước tình hình trên, Chính phủ đã đưa ra chỉ đạo mới về công tác chống dịch trong giai đoạn hiện tại dựa vào 3 mũi tấn công: Tăng cường xét nghiệm trên diện rộng, thực hiện chiến lược vaccine và ứng dụng công nghệ phục vụ truy vết. Trong đó, việc sử dụng công nghệ do Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) chủ trì.

Ngày 4/6/2021 vừa qua, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 769/QĐ-BTTTT về việc thiết lập lực lượng công nghệ hoạt động 24/7 phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 với tên gọi Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia.

Trung tâm là đầu mối điều phối, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, hợp tác liên quan đến kỹ thuật, công nghệ để hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19; thiết kế, tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các nền tảng, hệ thống công nghệ phòng, chống dịch Covid-19.

Quản lý thống nhất, kết nối tập trung và phân phối dữ liệu khai báo y tế điện tử, dữ liệu khai báo di chuyển nội địa, dữ liệu phản ánh của người dân, dữ liệu điểm kiểm dịch và dữ liệu kiểm soát vào ra các điểm kiểm dịch giữa các hệ thống công nghệ phòng, chống dịch Covid-19…

Để phát hiệu quả hơn nữa trong ứng dụng nghệ thông tin, Bộ TT&TT còn ban hành tài liệu “Hướng dẫn sử dụng bộ giải pháp hỗ trợ phòng, chống và truy vết Covid-19 trong cộng đồng”. Bộ giải pháp này bao gồm Bluezone (ứng dụng cảnh báo tiếp xúc gần người nghi nhiễm Covid-19), NCOVI (hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện), khai báo y tế cho người nhập cảnh, hệ thống ghi nhận người đến, đi các địa điểm công cộng (thông qua quét mã QR) và cuối cùng là hệ thống bản đồ chống dịch an toàn Covid-19.

Trên địa bàn cả nước đã có nhiều tỉnh, thành phố thực hiện phần mềm bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 (có tên gọi là CovidMaps). Bản đồ này cho phép theo dõi tình hình dịch theo thời gian thực ở Đà Nẵng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Quảng Nam, Gia Lai, Phú Yên và Lạng Sơn. Bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 (CovidMaps) giúp cộng đồng theo dõi trực quan thông tin dịch tễ các ca bệnh tại địa phương thông qua mạng internet, chính quyền có thêm giải pháp công nghệ số để phục vụ quản lý, điều hành trong phòng, chống dịch.

2(2).jpg
Ảnh minh hoạ

Theo ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, hiện nay tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Lạng Sơn diễn biến rất phức tạp. Số liệu thống kê cho thấy, tổng số ca F0 đã lên đến 41 người, 2.185 ca F1, 18.519 ca F2 và đã xét nghiệm 8.285 trường hợp trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và 10 huyện trong tỉnh. Để theo dõi toàn diện, tổng thể diễn biến tình hình dịch bệnh và công khai cho toàn dân biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TT&TT xây dựng hệ thống bản đồ số CovidMaps. Sở TT&TT Lạng Sơn đã hoàn thành xây dựng bản đồ số Covidmaps với đầy đủ số liệu cập nhật theo thời gian thực của Sở Y tế Lạng Sơn.

Trước hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin, ngày 6/7, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đề xuất với UBND Thành phố về giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà các ca nghi nhiễm COVID-19.

Cụ thể, giải pháp thứ 1 là hệ thống VHD (VietNam Health Declaration) do Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel cung cấp. Đây là giải pháp được Bộ Y tế chọn triển khai thí điểm "cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh". Hệ thống này chỉ sử dụng điện thoại di động thông minh.

Giải pháp thứ 2 là STAYHOME do Hội Tin học TP Hồ Chí Minh đề xuất. Sản phẩm do TMA Solutions cung cấp và Công ty Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung cung cấp hỗ trợ hạ tầng. Thiết bị sử dụng gồm điện thoại di động và vòng đeo tay. Vòng đeo tay sẽ có chức năng tăng cường giám sát và đo nhiệt độ. Hội Tin học Thành phố đề nghị hỗ trợ miễn phí 1000 vòng đeo tay (tương đương 25000 USD) khi áp dụng giải pháp này.

Giải pháp thứ 3 là HCMCovidSafe do nhóm Tech4Covid (Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, Đại học Công nghệ thông tin TP Hồ Chí Minh, ...) đề xuất. Thiết bị sử dụng là vòng đeo tay có tích hợp SIM điện thoại.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ giúp người dân chủ động theo dõi, nắm rõ tình hình dịch bệnh, tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ lây nhiễm mà còn giúp cơ quan chức năng dễ dàng truy vết, khoanh vùng, dập dịch.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả trong ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát dịch Covid-19