Nghiệp vụ

Hiểu đúng hơn về việc "chồng không được ly hôn dù vợ đang mang thai với ai"

Mai Đỉnh 17/06/2024 - 12:32

Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP do Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành về hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân gia đình chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Trong đó, quy định về trường hợp chồng không có quyền đơn phương ly hôn vợ đã được hướng dẫn chi tiết hơn.

Một trong những nội dung tại Nghị quyết nhận được nhiều sự quan tâm, đó là hướng dẫn về việc: "Chồng không có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn trong khoảng thời gian dưới 12 tháng tính từ ngày vợ sinh con. Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai".

Theo đó tại khoản 3, điều 51 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 khẳng định "Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi". Khi xảy ra sự kiện trên, người chồng nộp đơn ly hôn đến Tòa án thì Tòa án sẽ trả lại đơn, không thụ lý giải quyết.

ly-hon-khi-vo-mang-bau.jpg
Hình minh họa

Không phải là quy định mới

Quy định chồng không được quyền ly hôn khi vợ đang mang thai hoặc sinh con dưới 12 tháng tuổi không phải là mới, đã được quy định từ lâu. Trong số này, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 từng quy định tại điều 85 rằng, "trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn".

Do luật chỉ quy định về trường hợp "vợ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng", nên sẽ có những tình huống phát sinh. Chẳng hạn, nếu người vợ mang thai không phải với chồng thì chồng có được quyền yêu cầu ly hôn không?

Để giải đáp, năm 2000, Hội đồng thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP, hướng dẫn 2 cách xử lý đối với tình huống trên.

Thứ nhất, nếu chưa thụ lý vụ án thì Tòa án trả lại đơn kiện cho người nộp đơn. Thứ hai, nếu đã thụ lý vụ án, Tòa án giải thích cho người nộp đơn biết là họ chưa có quyền yêu cầu xin ly hôn, nếu vẫn không rút đơn thì Tòa án tiến hành giải quyết theo thủ tục chung và quyết định bác yêu cầu xin ly hôn.

Đến năm 2014, Luật Hôn nhân và gia đình mới được ban hành, thay thế Luật cũ năm 2000. Tại điều 51, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 tiếp tục quy định "chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi".

Tuy nhiên, Luật mới cũng không nêu rõ trường hợp vợ mang thai với người khác thì chồng có được quyền yêu cầu ly hôn hay không. Trong khi đó, Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã hết hiệu lực.

Có thể thấy, tại Luật Hôn nhân và gia đình qua các thời kỳ đều không có quy định về việc phân biệt vợ đang mang thai con của ai (tức không phân biệt cha của đứa bé là ai).

Đây là lý do Hội đồng thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP được thể hiện một cách rõ ràng. Tại nghị quyết mới, Hội đồng thẩm phán TANDTC nêu rõ: Trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.

Quy định về việc chồng không được ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai tại Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP không phải là quy định mới và việc có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 là ngày có hiệu lực của văn bản, chứ không phải là từ ngày 01/7/2024 thì chồng không được ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai còn trước đó thì được.

Xem đầy đủ Nghị quyết TẠI ĐÂY

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiểu đúng hơn về việc "chồng không được ly hôn dù vợ đang mang thai với ai"