Hiệp định RCEP: WTO của khu vực Đông Nam Á

Trang Nhi| 15/02/2021 16:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một trong những dấu ấn lớn của Việt Nam năm 2020 đó là việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào ngày 15/11/2020 tại Hà Nội.

RCEP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tham vọng nhất do ASEAN khởi xướng, góp phần nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khuôn khổ khu vực và tăng cường hợp tác giữa ASEAN và các nước đối tác.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Hiệp định RCEP mang nhiều ý nghĩa và tác động đối với Việt Nam và khối ASEAN. Bởi đây là một khu vực thương mại và kinh tế tự do quy mô lớn, bao gồm 15 nền kinh tế có trình độ phát triển và nền kinh tế ở mức khác nhau, cơ cấu kinh tế mang tính bổ sung cho nhau. Chính vì vậy, đây là cơ hội rất thuận lợi cho tất cả các nước tham gia để cơ cấu lại, định vị lại các chuỗi cung ứng và tham gia vào chuỗi giá trị trên phạm vi toàn cầu.

ky-rcep.jpg
Lễ ký kết Hiệp định RCEP

Tại buổi Sinh hoạt Báo chí chuyên đề Hiệp định RCEP, bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết: RCEP có một số nội dung chưa từng cam kết ở những FTA trước đây như chương cạnh tranh, thương mại điện tử, mua sắm chính phủ. Theo đó, cam kết về thương mại điện tử bao gồm việc không bắt buộc đặt máy chủ ở Việt Nam. Tuy nhiên bà Nga khẳng định chúng ta đã có hành lang pháp lý đầy đủ nên nội dung này không đi ngược với vấn đề an ninh mạng của Việt Nam. Về chương cạnh tranh, Hiệp định RCEP chủ yếu ngăn cấm phản cạnh tranh, gây gian lận, gây nhiểu nhầm, ảnh hưởng tới người tiêu dùng.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Thương mại Đa biên - Bộ Công thương chia sẻ: Hiệp định RCEP như “mini WTO”. Đây là hiệp định với các thành viên đa dạng từ nước chậm phát triển, tới phát triển. RCEP là hiệp định định đầu tiên mà các nước nhỏ trong khối ASEAN đứng ra dung hòa quan hệ của những nước lớn, đặt căng thẳng chính trị sang một bên để hợp tác kinh tế. Do đó Hiệp định RCEP được cộng đông quốc tế hết sức ủng hộ.

hiep-dinh.jpg
Vụ trưởng Vụ Thương mại Đa biên - Bộ Công thương Lương Hoàng Thái trao đổi với báo chí về Hiệp định RCEP

Đặc biệt ông Thái cho biết, một nội dung trước đây mà các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và các nước đối tác khác đều có đó là khả năng nhà đầu tư kiện chính phủ thì RCEP không áp dụng nữa.

Ông Thái đánh giá: Nhìn chung, RCEP không mở cửa thị trường mới, nhưng ở khía cạnh gián tiếp, từ không gian kinh tế chung mà nó mở ra, một không gian kinh tế lớn tạo nên thị trường lớn chính là sức hút với đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên tác động gián tiếp đó mở rộng được tới đâu thì phụ thuộc vào nỗ lực của mỗi quốc gia tham gia hiệp định.

Hồi đáp ý kiến của PV Thương hiệu & Sản phẩm về sự chủ động của các doanh nghiệp đối với Hiệp định, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Lương Hoàng Thái cho rằng: Còn một khoảng thời gian nữa thì Hiệp định mới tiến hành thực thi. Đây là khoảng thời gian rất quan trọng để chuẩn bị được tốt nhất, ưu tiên đầu tiên là cung cấp thông tin đầy đủ cho doanh nghiệp. Hiện thông tin về Hiệp đinh RCEP đã được đăng tải công khai trên cổng thông tin của Bộ Công thương.

Thời gian tới Bộ sẽ có những thông tin mang tính dễ hiểu hơn, ngắn gọn hơn. Sẽ có những hoạt động làm sao đưa thông tin tốt nhất tới cộng đồng doanh nghiệp.

Qua khảo sát, một số doanh nghiệp chưa hiểu rõ hiệp định. Tuy nhiên thông tin của doanh nghiệp ngày càng tăng lên. Vụ trưởng cũng hi vọng thời gian tới, doanh nghiệp có thể đồng hành cùng Bộ, ngành trong việc triển khai Hiệp định RCEP.

RCEP có sự tham gia của 15 quốc gia, bao gồm 10 nước ASEAN và các đối tác ngoại khối là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Hiện RCEP là hiệp định lớn nhất thế giới với thị trường 2,2 tỷ người dân chiếm 30% dân số toàn cầu, tổng GDP 26,2 nghìn tỷ USD tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệp định RCEP: WTO của khu vực Đông Nam Á