Trong tất cả những nghề liên quan đến biển, có lẽ chẳng nghề nào nhọc nhằn, gian nan như nghề lặn. Hiểm nguy chực chờ, tử thần rình rập nhưng vì miếng cơm manh áo, nhiều người dân vẫn phải liều mình đánh cược sinh mạng cho biển cả.
Nghề “hái” ra tiền
Mấy năm trở lại đây, nghề lặn có vẻ ngày càng “thịnh” ở Lý Sơn. Có những thời điểm, số thợ lặn ở huyện đảo của tỉnh Quảng Ngãi lên đến cả nghìn người. Họ thường săn tìm những sản vật quý của biển như ngọc trai, hàu, cây hoa đá và đặc biệt là hải sâm - loại động vật chuyên ăn xác sinh vật chết và sống ở sát đáy biển, bởi nó mang lại giá trị kinh tế rất cao.
Theo người dân ở Lý Sơn thì hải sâm có hai loại, hải sâm đỏ (vú lửa), hải sâm trắng (vú trắng). Trong đó, hải sâm trắng có giá trị kinh tế cao hơn. Nó có thể dùng ngâm rượu thuốc uống hoặc chế biến làm món ăn bổ dưỡng thượng hạng. Còn trong Đông y, hải sâm được ví như “thần dược” với tính ôn, vị ngọt đậm, có tác dụng bổ thận, tráng dương, dưỡng tinh huyết, bổ não, ích trí, ninh tâm, trấn kinh, trừ toan, tiêu viêm, cầm máu, sinh cơ, giảm đau, nhuận tràng… Hải sâm chữa suy nhược thần kinh và thể lực, gầy yếu sau bệnh, sau sinh, chữa liệt dương, thiếu máu, táo bón, ho lao, ho ra máu, chứng đi tiểu buốt, tiểu đường. Hải sâm còn được dùng cho người huyết áp cao (do thận âm hư) động mạch xơ cứng, bệnh mạch vành tim, xuất huyết dưới da, ung thư, tổn thương trong xạ trị ung thư...
Thợ lặn Đặng Văn Thắng chuẩn bị cho một chuyến ra khơi
Anh Đặng Văn Thắng (41 tuổi), một thợ lặn ở xã An Vĩnh, cho biết: Thông thường một tốp lặn có ít nhất 5-7 người chia làm nhiều ca. Mỗi người lặn tối đa một ngày chỉ từ 2 đến 3 lần, mỗi lần từ 30 - 45 phút. Trước khi xuống biển, thợ lặn phải đeo từ 7 đến 10kg chì cho nặng, rồi ngậm ống nhựa thông hơi để thở. Ngoài chiếc kính bảo vệ mắt, ống thở bằng nhựa, một bộ quần áo lặn, cùng bao đựng hải sâm, thợ lặn Lý Sơn thường không dùng trang bị bảo hộ nào khác.
Khi thuyền ra đến nơi đánh bắt hải sản, chuẩn bị đâu đấy, thợ lặn bắt đầu xuống nước thì cũng là lúc máy nén khí hoạt động hết công suất để cung cấp ôxy. Khi xuống đến đáy biển, thường ở độ sâu khoảng 60 - 70m, thợ lặn bắt đầu hành trình đi săn. Dù có gặp trúng “tổ” hải sâm đi chăng nữa thì “hết giờ” cũng phải giật dây để đồng nghiệp kéo lên. Bên cạnh đó, giữa thợ lặn và người điều khiển dây hơi phía bên trên phải phối hợp rất ăn ý, nhịp nhàng.
Cũng theo anh Thắng thì thời điểm săn hải sâm mỗi ngày thường diễn ra từ 6h sáng đến 4h chiều. Bởi về đêm, nhiệt độ giảm, thủy triều lên, độ sâu từ mặt nước đến đáy biển tăng, lặn sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Sau khi thu nhặt thủy sản dưới đáy biển đầy vợt, các ngư dân giật dây cho đồng nghiệp trên tàu dồn sức kéo lên. Hải sâm vừa đưa lên tàu được các ngư dân dùng dao khoét bụng cho muối hột vào để giữ độ tươi lâu tới khi chuyển về đất liền.
Sau mỗi ngày đánh bắt, thu nhập được tính theo tỷ lệ phần trăm: Chủ thuyền hưởng 50%, thợ lặn 40% và 10% cho người giữ dây trên tàu, còn rủi ro phải ai người ấy chịu. Trung bình mỗi ngày một thợ lặn kiếm được từ 1-2 triệu đồng, nếu may mắn gặp đúng “tổ” hải sâm thì thu nhập sẽ lớn hơn gấp nhiều lần. Chính vì món lợi khổng lồ như vậy nên càng ngày càng có nhiều người tham gia vào “đội quân mưu sinh đáy biển” này.
“Tử thần” rình rập
Tuy đem lại nguồn thu nhập cao là vậy, nhưng nghề lặn lại ẩn chứa quá nhiều rủi ro, nguy hiểm. Đã có nhiều thợ lặn kỳ cựu khi gặp sự cố cũng không thoát được “cửa tử”. Không ít người giờ vẫn phải hứng chịu di chứng từ nghề lặn, nặng thì bị liệt nửa người, nhẹ cũng bị ù tai, giảm thị lực. Nỗi đau, nước mắt từ biển luôn thường trực. Theo nghề lặn kiếm tiền rất nhanh, nhưng đó là tiền từ xương máu và sự đánh cược mạng sống.
Theo anh Phạm Văn Bình (42 tuổi), một thợ lặn có tiếng ở Lý Sơn thì do phải lặn quá sâu, chừng 60 - 70m nên thợ lặn luôn đối mặt với hiểm nguy. Nếu muốn bắt những con hải sâm lớn, nhiều khi người ta phải lặn xuống độ sâu đến cả trăm mét. Nếu không cẩn thận, chuyện bị tai biến, nhẹ thì bị liệt còn nặng thì coi như... bỏ mạng giữa biển khơi là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra. Khi từ dưới nước lên tàu, thợ lặn tuyệt đối không được ăn uống, hút thuốc trong vòng một giờ.
“Trước khi ngoi lên mặt nước thợ lặn phải giảm áp nhiều lần. Sau một tiếng lên tàu mới được ăn, hút thuốc và tắm nước ngọt. Nếu không tuân thủ đúng quy trình giảm áp, nhẹ thì thợ lặn bị chảy máu tai, điếc tai, nặng thì liệt tay, liệt chân hoặc chết ngay khi chưa lên khỏi mặt nước do thay đổi áp suất nước đột ngột. Nhiều thợ lặn vì chủ quan, sau khi lên tàu thấy sức khỏe bình thường liền rít hơi thuốc, một lúc toàn thân đau nhức, tê rần. Thế là phải trục xuống biển, giảm áp trở lại”, anh Bình chia sẻ.
Những kinh nghiệm xương máu đó, phần lớn những thợ lặn ở Lý Sơn và các vùng lân cận đều nắm rõ, thế nhưng cũng đã có quá nhiều người phải đón nhận cái kết cục đau thương từ biển. Như trường hợp của anh Nguyễn Văn H, 41 tuổi, ở xã An Vĩnh. Thời thanh niên, H nổi tiếng là người sức vóc, thế nhưng chỉ một tai nạn rất nhỏ đã biến anh thành người tàn tật. Đó là vào năm 2009, anh cùng mấy người bạn dong thuyền đi lặn hải sâm. Khi đang lặn ở độ sâu hơn 60m, nhận thấy ống thở có vấn đề, anh lập tức ngoi lên. Nhưng vì quá trình nổi quá nhanh nên khi lên đến thuyền, anh H bị hôn mê sâu, mặt mày tím tái. Dù đã được đưa đi điều trị nhưng sau hơn 3 tháng, anh xuất viện với tình trạng liệt 2 chân. Tới nay, anh chỉ có thể tự chăm sóc nhu cầu tối thiểu của bản thân chứ không làm được việc gì nặng nhọc. Gánh nặng cơm áo gạo tiền dồn cả lên vai vợ.
Giống như anh H, ông Đặng Thế C, 57 tuổi, ở xã An Hải cũng phải chấp nhận gắn đời mình với chiếc xe lăn suốt hơn 10 năm nay kể từ sau lần gặp nạn vào năm 2004. “Hôm đó, trong người tôi cũng không được khỏe, đã định hoãn rồi nhưng chả hiểu thế nào lại xách đồ theo anh em ra biển. Sau khi lặn được chừng hơn 30 phút, tôi giật dây báo hiệu cho người kéo lên. Suốt quá trình “trồi” đều diễn ra bình thường. Tất cả các thao tác đều đúng quy trình. Lên đến thuyền được chừng 10 phút, tôi bắt đầu thấy toàn thân đau nhức, một lúc sau thì ngất lịm đi. Anh em đưa đến viện thì đã quá muộn, bác sỹ bảo là do lúc đó sức khỏe tôi không được tốt, lại lặn sâu quá nên bị tổn hại đến não và các dây thần kinh. Vợ tôi đã phải vay mượn, bán tống bán tháo đi đủ thứ để lấy tiền đi chữa trị, nhưng bệnh cũng chả thuyên giảm là bao. Tôi bị liệt nửa người từ bấy đến giờ”, ông C nhớ lại.
Một bình rượu hải sâm có giá đến 3 - 4 triệu đồng
Nghề lặn hải sâm đem lại cho nhiều gia đình ngư dân đất đảo Lý Sơn cuộc sống sung túc. Song, mỗi khi tàu rời đảo thì cũng là lúc những người thân của mỗi thuyền viên ở nhà cầu mong trời yên biển lặng để chồng, con ngoài khơi xa gặp nhiều may mắn, bình an trở về. Thế nhưng, biển cả mênh mông, hiểm nguy rình rập tứ bề, những người không may như anh H, ông C không phải là hiếm. Thậm chí, có người đã phải bỏ mạng giữa biển khơi. Như trường hợp anh Nguyễn Văn Khoa (27 tuổi, ở An Vĩnh) bị tai nạn xảy ra vào trung tuần tháng 5/2014. Trong lúc lặn để săn tìm hải sâm ở vùng biển quần đảo Trường Sa, do hệ thống cung cấp hơi trên tàu bị trục trặc nên Khoa đã tử vong trước khi kịp ngoi lên mặt biển. Hay như trước đó vài năm, thợ lặn Lê Văn Có ở An Hải cũng phải bỏ mạng giữa biển khơi vì hải sâm khi anh vừa tròn 23 tuổi.
Ngăn ngừa những rủi ro
Theo một số chuyên gia về Y học biển ở Việt Nam thì có hai loại tai biến liên quan đến lặn biển: Khi lặn xuống quá nhanh, cơ thể chưa kịp thích nghi, chịu áp lực quá lớn dẫn đến vỡ phổi, không khí tràn vào máu. Không khí tràn đến bộ phận nào lập tức bộ phận đó bị liệt. Bên cạnh đó, khi thợ lặn từ độ sâu vài chục mét ngoi lên quá nhanh, áp suất nước giảm, nitơ trong máu giãn nở nhanh tạo nên những bọt khí làm tắc mạch máu khiến thợ lặn bị liệt, thậm chí tử vong khi chưa lên tới mặt nước. Điều trị bệnh tăng, giảm áp cần một phương tiện chuyên biệt là buồng áp suất. Hệ thống thiết bị này hiện chỉ có ở một số đơn vị Hải quân và Viện Y học biển Việt Nam nên nhiều trường hợp tai biến ở quá xa hoặc không biết đến đã mất đi cơ hội được cứu sống.
Một nguyên nhân cơ bản dẫn đến những tai nạn liên quan đến nghề biển đó là đại đa số ngư dân không biết cách xử lư khi bị tăng, giảm áp trong quá trình lặn dẫn tới những tai biến xảy ra ngày càng nhiều và nặng hơn. Nhẹ thì tai biến, giảm sức khỏe nghiêm trọng, nặng thì liệt toàn thân, thậm chí tử vong. Để giảm thiểu những rủi ro cho ngư dân, cuối tháng 5/2014, Hội Pháp ngữ hỗ trợ và phát triển khoa học đời sống (AFEPS) đã phối kết hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tiến hành triển khai dự án đào tạo thợ lặn tại huyện đảo Lý Sơn nhằm trang bị cho ngư dân kiến thức cơ bản và các trang thiết bị nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các tai nạn liên quan tới lặn đánh bắt trên biển.
Theo đó, các nội dung chính của dự án, gồm: Đào tạo tập huấn cho 20 ngư dân Lý Sơn cách phòng và xử trí các tai nạn lặn biển với các kỹ thuật trên cạn, dưới nước và lý thuyết chung; cung cấp trang thiết bị cho ngư dân tham gia đào tạo như bình ô xy, ống ô xy, bộ chỉnh áp và thở ô xy dưới nước cùng các thiết bị khác. Trước đó, vào năm 2009, AFEPS cũng cử một đoàn chuyên gia về nghề lặn người Pháp tiến hành đào tạo những kiến thức về nghề lặn biển, cách phòng ngừa tai biến, sơ cấp cứu do lặn, cung cấp các trang thiết bị lặn cho ngư dân Lý Sơn, với tổng kinh phí khoảng 1,3 tỷ đồng, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của AFEPS chiếm 92,3% tổng kinh phí của dự án. Kể từ khi được tham dự các lớp tập huấn đó, ngư dân Lý Sơn đã yên tâm phần nào mỗi khi dong thuyền ra biển. Và, đảo cũng đã bớt đau thương...