Đây là phiên toàn thể nằm trong chuỗi Hội thảo HICAC 2025 với sự quy tụ của gần 40 diễn giả. Gồm phiên toàn thể, cùng 8 phiên chuyên môn và nhiều nội dung báo cáo chuyên sâu đến từ các chuyên gia quốc tế và trong nước.
Sáng 10/4, tại Khách sạn Rex Sài Gòn, Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tổ chức Hội thảo Trọng tài xây dựng quốc tế TP.HCM với phiên toàn thể “Nâng tầm chất lượng giải quyết tranh chấp trong các dự án xây dựng tại Việt Nam”.
Khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Phạm Hồng Luân - Trưởng Ban Kiểm tra, Hội Pháp luật Xây dựng Việt Nam, Giảng viên trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, Trọng tài viên VIAC cho biết, hiện nay ngành xây dựng đang phát triển mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng vào dòng chảy toàn cầu. Do đó các vấn đề pháp lý liên quan, đặc biệt là giải quyết tranh chấp ngày càng có vai trò quan trọng.
Theo PGS. TS. Phạm Hồng Luân, tranh chấp trong xây dựng không chỉ là hệ quả của những xung đột về hợp đồng hay kỹ thuật, mà còn tác động sâu rộng đến mối quan hệ hợp tác giữa các bên, ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng và uy tín của toàn bộ dự án.
Việc giải quyết tranh chấp hiệu quả đã trở thành một yếu tố cấu thành quan trọng của môi trường pháp lý ổn định, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành.
PGS. TS. Phạm Hồng Luân cho rằng, Hội thảo này sẽ là diễn đàn cởi mở để cùng chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận thẳng thắn, nâng cao nhận thức năng lực chuyên môn trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp xây dựng.
Với sự kiện này, nhiều ý tưởng mới mẻ, giá trị quý báu, những mối hợp tác thực chất sẽ được khơi mở. Từ đó, cùng nhau xây dựng một môi trường pháp lý vững mạnh, chuyên nghiệp và hội nhập, đưa ngành xây dựng Việt Nam ngày càng vươn xa hơn trên bản đồ khu vực và thế giới.
Tiếp đó, Luật sư Trần Hữu Huỳnh – Thành viên Hội đồng Trung tâm, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, Việt Nam đang chuyển sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bắt đầu cho một thời kỳ mới. Thời kỳ kinh tế Việt Nam đối diện với 3 điểm nghẽn. Đó là thể chế, hạ tầng và cơ cấu nguồn nhân lực.
Chủ đề Hội thảo này hết sức thời sự và thực tiễn, đã chạm tới cả ba điểm nghẽn này. Theo luật sư Huỳnh, sự phát triển mạnh mẽ từ đầu tư công, dòng vốn ổn định và sự phục hồi của thị trường bất động sản, ngành xây dựng đang ghi nhận những con số ấn tượng.
Cũng theo Luật sư Huỳnh, thị trường xây dựng Việt Nam đang ấm dần lên, hòa cùng dòng chảy FDI đang quay trở lại khu vực. Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng hiện nay đạt từ 6 đến 10% mỗi năm – một con số đáng ghi nhận, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Phiên toàn thể này sẽ giúp các đại biểu cùng tìm hiểu, phân tích thực tiễn giải quyết tranh chấp xây dựng tại Việt Nam, đồng thời học hỏi những cơ chế, mô hình hiệu quả từ quốc tế để có thể vận dụng phù hợp với điều kiện đặc thù trong nước.
Hội thảo tiếp tục với Phiên A – Xu hướng hiện tại trong giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) cho các dự án xây dụng.