Hệ lụy từ đại dịch Covid-19, giải pháp nào để phục hồi phát triển kinh tế?

Hoàng Nhưỡng| 27/05/2021 19:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Kiểm soát dịch bệnh là điều kiện tiên quyết để giảm thấp nhất thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra, song để thực hiện nhiệm vụ kép, vừa kiểm soát dịch bệnh đồng thời vẫn duy trì sự phát triển kinh tế là vấn đề khó mà các chuyên gia nhận định, đồng thời có những giải pháp chia sẻ.

anh-1(1).jpg

Khó có thể dự báo được diễn biến

Đại dịch Covid-19 nhìn chung có tác động nghiêm trọng đến doanh nghiệp tại Việt Nam, theo số liệu công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), có 87,2% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. Chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm, nhóm có quy mô siêu nhỏ, nhỏ hoặc các doanh nghiệp tại vùng Duyên hải miền Trung.

Cả khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI) đều bị ảnh hưởng nặng nề. Doanh nghiệp tư nhân trong một số ngành có tỷ lệ chịu tác động tiêu cực cao bởi dịch là May mặc (97%), Thông tin truyền thông (96%) và Sản xuất thiết bị điện (94%). Doanh nghiệp FDI trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bao gồm Bất động sản (100%), Thông tin truyền thông (97%), Nông nghiệp/thuỷ sản (95%).

20200425_094737.jpg
Dây chuyền sản xuất khẩu trang kháng khuẩn của doanh nghiệp tại Hà Nội.

Ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: Mặc dù đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam, nhưng nhiều doanh nghiệp đã chứng tỏ khả năng phục hồi cao sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội toàn quốc vào cuối tháng 4 năm 2020. Họ đã điều chỉnh mô hình kinh doanh của mình, đặc biệt là bằng cách đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số, đáp ứng nhu cầu của khách hàng địa phương và củng cố vị thế của họ trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để duy trì sự chuyển đổi này, sẽ cần sự hỗ trợ thông minh và hiệu quả từ Chính phủ trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Đánh giá về tình hình kinh tế trong quý I/2021, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, kết quả mà nền kinh tế Việt Nam đạt được trong 3 tháng vừa qua tuy thấp hơn so với kịch bản tăng trưởng được đề ra từ đầu năm nhưng vẫn tốt so với bối cảnh chung, tiếp được đà phục hồi và tăng trưởng tích cực từ quý IV/2020...

Bước sang quý II, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới các ngành thương mại, du lịch, vận tải; tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Chính vì vậy, các chuyên gia nhận định, rất khó có thể dự báo được diễn biến của nền kinh tế trong thời gian tới.

Tính toán những giải pháp dài hơi để vượt qua đại dịch

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2021 là rất thách thức, nhưng vẫn có những cơ hội tốt nếu chúng ta biết tận dụng. Đại dịch Covid-19 đang tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn. Đại dịch Covid-19 đã hình thành hoặc đẩy nhanh nhiều xu hướng mới, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch chuỗi cung ứng...

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, trước mắt cần thực hiện kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhanh chóng triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19, tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: Tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu, kích cầu tiêu thụ trong nước... Tiếp tục miễn, giảm các loại thuế, phí và tiền thuê đất năm 2021. Mở rộng đối tượng được gia hạn nộp thuế theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ.

Riêng với ngành nông nghiệp cần điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ lúa, diện tích gieo trồng, cơ cấu giống hoặc chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất trồng lúa; tăng cường chỉ đạo sản xuất các cây trồng chủ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, và đặc biệt cần linh hoạt trong chỉ đạo với từng vùng, từng loại cây. Việc chuyển đổi cần phù hợp thổ nhưỡng và thị trường. Trong quá trình chuyển đổi, các cơ quan hữu quan cần luôn bám sát và có những kiến nghị để sản xuất không chạy theo phong trào, tránh tái diễn việc “giải cứu” nông sản.

Theo các chuyên gia, kiểm soát dịch bệnh là điều kiện tiên quyết để giảm thấp nhất thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra. Song, để có tăng trưởng, cần phải tính toán kỹ lưỡng các giải pháp phòng, chống dịch có thể ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh; cùng với đó cần những giải pháp dài hơi để kích thích kinh tế.

anh-2.jpg
Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5%.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết: Từ thực tiễn thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị bên cạnh các giải pháp trước mắt đã được ban hành như miễn, giảm, giãn thuế; giảm lãi suất; giảm các chi phí của hoạt động kinh doanh, cần phải chú ý đến những giải pháp có tính dài hạn hơn. Chẳng hạn, Chính phủ cần tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, quan tâm phát triển thị trường nội địa.

“Đặc biệt, cải thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh được đánh giá là sự hỗ trợ bền vững của các doanh nghiệp trong quá trình ứng phó với tác động của đại dịch toàn cầu Covid-19”, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất.

Theo các chuyên gia kinh tế, cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu, mặt khác cũng tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm cơ hội hưởng lợi từ các FTA đòi hỏi hàm lượng xuất xứ nội địa/nội khối cao.

Ngoài ra cần có chính sách hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân Việt trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch Covid-19, đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới. Việc này quan trọng không kém việc cứu các doanh nghiệp gặp khó khăn, vì sẽ giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm vươn lên phục hồi tăng trưởng và đi vào giai đoạn phát triển mới cao hơn. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp tìm cơ hội mới trong bối cảnh mới.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ lụy từ đại dịch Covid-19, giải pháp nào để phục hồi phát triển kinh tế?