Hệ lụy đau lòng sau những vụ tự tử vì World Cup

Nhóm PV| 30/06/2014 16:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

World Cup chưa đi hết chặng đường nhưng đã liên tiếp xảy ra những vụ tự tử vì thua độ, vay nặng lãi… đối với các fan “cuồng” không đúng cách.

Có một thực tế là những sự cố đáng tiếc này đang “nóng” theo không khí của mùa giải và để lại nhiều hệ lụy. Các trường hợp dưới đây liệu đã đủ để cảnh báo?

Trả nợ bằng sinh mạng

Vào khoảng 15h30, gia đình phát hiện anh M.V.N. (39 tuổi, ngụ thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) nằm quằn quại trong phòng ngủ, người bốc lên mùi thuốc trừ sâu nồng nặc. Nghi ngờ anh N. bị ngộ độc gia đình liền đưa đến Trung tâm y tế huyện Trảng Bàng để cấp cứu. Tuy nhiên do lượng thuốc trong người quá liều nên anh N. đã tử vong. Theo thông tin ban đầu, anh N. thua cá độ bóng đá với số tiền trên 45 triệu đồng. Do đó, nhiều người nhận định, có thể anh N. uống thuốc trừ sâu để tự tử.

Trong lúc đi làm đồng, một số người dân thôn Lại Bằng, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên-Huế) phát hiện một nam thanh niên chết trong tư thế nằm sấp giữa vườn sắn cạnh tuyến đường liên xã. Xác định nạn nhân là Nguyễn Văn Luýt (22 tuổi, trú thôn Giáp Thượng, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà). Bên cạnh xác nạn nhân, có một vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật Vibasa 500 NC và xe máy BKS 75D1-148.86. Thông tin ban đầu, do Luýt thua cá độ bóng đá World Cup với số tiền lớn nên uống thuốc độc để tự vẫn.

Trường hợp tìm đến cái chết như anh Đặng Nguyễn Anh D. (38 tuổi, ngụ chung cư A2, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) không hề hiếm. Anh D. “lỡ” vay 100 triệu đồng của một số người cho vay nặng lãi để làm ăn và chơi cá độ. Sau thời gian ngắn, số tiền anh vay đã sinh lãi lên đến 180 triệu đồng. Dù anh đã trả trước 110 triệu đồng nhưng chủ nợ vẫn buộc trả cả gốc lẫn lãi 180 triệu đồng mới buông tha. Liên tục mấy ngày liền, bọn giang hồ đến nhà đòi nợ, hăm dọa xử anh theo luật giang hồ. Trong cơn túng quẩn, chịu nhiều áp lực, anh đã tìm đến cái chết, bỏ lại vợ và ba đứa con thơ. Cách đây không lâu, người dân sống và qua lại khu vực đường Thích Quảng Đức (phường 5, quận Phú Nhuận, TP.HCM) một phen hoảng hốt khi thấy một người đàn ông ngồi giữa đường bốc cháy ngùn ngụt. Người đàn ông này thiệt mạng ngay sau đó. Qua điều tra, cơ quan công an kết luận do gánh nợ từ cá độ bóng đá nên ông đã tự kết liễu cuộc đời để thoát nợ.

Báo động một hiện tượng xã hội

Tìm cách giải thoát khỏi nợ nần bằng cách kết liễu đời mình đang dần tăng lên một cách đáng báo động. Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng: “Mỗi người đều có một nhân sinh quan, một lý tưởng sống khác nhau. Khi bị khủng hoảng niềm tin, rơi vào bế tắc, không còn đề cao được giá trị của bản thân, họ thường tìm đến cái chết. Đó là hiện tượng tâm lý bình thường. Khi đối diện với một số nợ khổng lồ, mất hết khả năng chi trả, họ sẽ nghĩ ngay đến việc kéo cày cả đời không thể trả hết, thì sống có khi không bằng chết. Kết thúc cuộc đời, là kết thúc mọi lo lắng, buồn bực vì nợ nần một cách êm đềm nhất”.

Không chỉ tự tử một mình, nhiều người còn nhẫn tâm kéo theo cả những người thân quanh mình như cha mẹ, vợ chồng, con cái cùng chết chung. Chị Trần Hạnh Dung (29 tuổi, ngụ quận 6) bày tỏ: “Những người vì nợ nần cùng quẫn mà tự tử đã ích kỷ, ra tay sát hại cả vợ con mình lại càng ích kỷ, ác độc hơn. Cuộc sống với bản thân quá bế tắc, muốn chấm dứt thì cũng không được cướp đi quyền sống của người khác. Họ lo sợ món nợ của mình sẽ liên lụy người thân, hay chỉ vì họ không dám chết một mình? Hy vọng đừng ai tìm đến cái chết để trốn chạy, càng không được quyền tước đi mạng sống của người khác. Giết người rồi tự tử, không chỉ là hành vi tội ác, mà còn là bản án đạo đức đau lòng không có hồi kết”.

Nợ nần cũng khiến một số người chọn cho mình cách giải quyết khác. Họ không trốn nợ bằng cách thế thân, mà lạnh lùng ra tay sát hại người thân của mình để chiếm đoạt tài sản. Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm lý giải: “Nợ nần là một trong những lý do khiến con người trở nên hoảng loạn, không còn kiểm soát được hành vi của mình, dễ gây ra án mạng và chọn giải pháp tiêu cực. Những người tìm cách giết người để độc chiếm tài sản là họ muốn tìm cho mình một lối thoát khác, khi đã bị đẩy vào bước đường cùng. Tự tử hoặc giết người vì nợ đều do họ không có đủ sức mạnh tinh thần, nghị lực để vượt qua khủng hoảng, sáng suốt tìm ra những cách giải quyết khác. Và họ trượt dài trong cơn bấn loạn của mình, đi từ sai lầm này đến sai lầm khác”.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Anh, một chuyên gia nghiên cứu xã hội học tại TP.HCM cho biết: “Trường hợp nợ tiền tỷ, thậm chí vài chục, vài trăm tỷ thực tế là rất khó để hoàn trả. Và lựa chọn sau cùng của con nợ là tự tử cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, có những trường hợp chỉ nợ từ 10 – 50 triệu đồng, hoàn toàn trong khả năng trả, nhiều người vẫn tự tử. Đây là một hiện tượng báo động trong xã hội. Những bức tranh xấu của xã hội đang dần làm cho con người ta trở nên yếu đuối đi. Họ tự tử vì những ràng buộc xã hội ngày càng lỏng lẻo, con người ngày càng ít quan tâm, chia sẻ với nhau. Thêm vào đó “ngôn ngữ bạo lực” đang dần trở thành thường nhật trong xã hội. Ở đó lối ứng xử giữa người với người ngày càng lạnh lùng, nhẫn tâm, đẩy họ vào trạng thái bơ vơ, bất an với những khoản nợ mình đang gánh”.

Tự tử để trốn nợ là chọn lựa của những người chỉ nghĩ đến bản thân mình. Trong bấn loạn, bế tắc họ chỉ có thể nghĩ làm sao để thoát khỏi hoàn cảnh này một cách dễ dàng nhất, nhanh chóng nhất. Mà không thể nghĩ thêm cho những người thân quanh mình. Người thì đã chết, nhưng những khoản nợ khổng lồ thì vẫn còn đó, và người thân chính là người sẽ phải gánh chịu thay cho họ. Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc hãng luật Giải Phóng (TP.HCM) cho biết: “Những trường hợp nợ nần mà con nợ đã tự tử, nếu con nợ vay của ngân hàng thì ngân hàng sẽ yêu cầu tòa án phát mãi tài sản của họ để thu hồi nợ. Trường hợp người vay nhờ người thân vay hộ, hoặc thế chấp tài sản của người thân, thì người đứng tên vay sẽ phải có trách nhiệm trả nợ. Nếu con nợ vay nóng từ người chuyên cho vay nặng lãi, thì sau khi họ chết đi, có nhiều khả năng chủ nợ sẽ truy tìm những người thân thích để đòi cho được số nợ đó”.

Sự giúp đỡ từ gia đình và xã hội là quan trọng nhất

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng: “Điều quan trọng nhất để hạn chế tình trạng này là sự quan tâm chia sẻ từ gia đình, bạn bè của những người đang lâm vào nợ nần. Đừng tìm cách trách móc họ thêm, mà hãy giúp họ giải tỏa, kéo dài thời gian suy nghĩ, tính toán để tìm ra những hướng giải quyết khác. Hoặc đưa họ đến với những chuyên gia tâm lý, để gợi mở, hướng sự chú ý của họ ra khỏi cái chết, giúp đưa ra những giải pháp để họ lựa chọn. Điều tưởng đơn giản này không phải ai cũng nhận ra và làm được”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ lụy đau lòng sau những vụ tự tử vì World Cup